Tại toạ đàm Từ bao giờ thầy cô lại sợ hãi, thu mình lại? do Báo điện tử VTC News tổ chức chiều 12/12, TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên trường THCS - THPT Lương Thế Vinh chia sẻ rất đau đớn khi xem những hình ảnh giáo viên ở Tuyên Quang bị nhóm học sinh xúc phạm cách đây ít ngày.
'Mỗi ngày đến trường là một ngày an toàn'
"Buồn hơn, giờ đây chính thầy cô trở thành nạn nhân. Ngày ngày dạy dỗ nhưng cuối cùng các em trả ơn bằng lời lẽ tục tĩu. Hành động ném dép, giấy, sự xúc phạm ấy khiến không chỉ cô giáo ở Tuyên Quang mà cả ngành giáo dục đau lòng, xót xa", TS Tuyết nói.
Quá trình để trẻ lớn lên, đi học trở thành người đúng nghĩa có ích cho xã hội cần trải qua giáo dục. Giáo dục ở đây không chỉ trong trường học, mà còn cả trong gia đình, xã hội, tất cả mọi người đều có trách nhiệm trong việc hình thành, bồi đắp nhân cách, giáo dục trẻ. Tuy nhiên, nhiều người mang tâm lý đổ lỗi nhiều hơn là hiểu trách nhiệm.
Khi xảy ra sự việc liên quan đến thầy cô, video đăng tải lên mạng xã hội thì tất cả sẽ đua nhau vào bình luận, chia sẻ với những lời lẽ nặng nề “nát bét”, “kinh khủng”… Trong đó tất cả đều đổ lỗi cho giáo dục, thầy cô và mặc định bản thân họ vô can. Họ đâu biết rằng, chính những lời đổ lỗi ấy tác động lớn đến tư duy, hình thành ngôn ngữ, quan điểm sống của trẻ.
“Nếu trong tình cảnh như với cô giáo Tuyên Quang, quả thực tôi cũng rất bối rối, vì chúng tôi chỉ trau chuốt về chuyên môn, kỹ năng sao cho hay, cho giỏi, còn những kỹ năng 'phòng vệ' thì hơi ít, cũng vì không mấy khi có học sinh ngỗ ngược đến như vậy”, nữ giáo viên nói.
Trước đây, ngành giáo dục nêu cao khẩu hiệu "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", nhưng hiện giờ đã thay đổi, mỗi ngày đến trường chưa dám mong vui chỉ mong an toàn. Mỗi ngày đến trường là một ngày an toàn - nghe rất thương, rất buồn nhưng đang phản ánh đúng thực trạng ở nhiều trường học hiện nay.
Ai sẽ bảo vệ giáo viên?
Ngoài chuyên môn, theo cô, phương pháp giáo dục quan trọng nhất của người thầy là nhân cách, đạo đức bản thân, làm gương cho trò phục, trò hiểu và noi theo. Giáo viên không thể giảng về sự trung thực, tôn trọng, văn hoá mà chính họ lại đang không thực hiện được những điều đó.
Học sinh các em nhìn vào hành động thường nhật của thầy cô để phán xét nội dung truyền thụ. “Hình ảnh, hành động của giáo viên rất quan trọng trong ứng xử, giáo dục học trò. Cần tôn trọng, công bằng, nhất là với học sinh, các em rất nhạy cảm”, cô phân tích.
Cô lấy ví dụ, việc một số cô giáo chia sẻ hình ảnh đi biển, mặc bikini lên mạng xã hội. Họ cho rằng việc ăn mặc mát mẻ đó là ngoài phạm vi trường học, không liên quan đến học sinh, phụ huynh, còn khi vào trường thì vẫn chuẩn chỉ, theo quy định. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ lệch lạc.
"Một khi bạn đã chấp nhận theo nghề thì phải tuân thủ những chuẩn mực của nghề và mỗi nghề đều có ràng buộc riêng. Dù không ai bắt thầy cô đi biển phải mặc thế nọ, thế kia… nhưng khi đã chia sẻ lên mạng xã hội thì đó là công khai, học trò, phụ huynh sẽ nhìn thấy đó là sự không phù hợp", cô Tuyết nói.
Về giải pháp, TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng, để thực sự tạo nên môi trường giáo dục thầy ra thầy và trò ra trò, cần thống nhất trước những nguyên tắc nhất định, ranh giới không thể vượt qua được trong nghề giáo, đó là đạo lý.
Một môn giáo dục công dân chưa đủ để học sinh có nhân cách, mà mỗi giáo viên cần có sự kết nối, để tự rèn, làm gương học sinh nhìn, đánh giá, noi theo. Nhân cách của các em như phù sa bồi đắp, bồi đắp từng chút, từng chút, qua từng năm mới tạo nên con người hoàn chỉnh.
Đồng thời cô cũng cho rằng, để nâng cao được vị thế của người thầy, cần sự chung tay cả cộng đồng, nhưng quan trọng nhất chính là các nhà giáo. Không ai có thể tạo và giữ vị thế cho bạn nếu bạn huỷ hoại dần dần vị thế ấy trước cái nhìn của học sinh, phụ huynh mỗi ngày.
Để giáo viên không sợ hãi, không thu mình lại nữa rất cần sự vào cuộc từ nhiều cấp và cả xã hội, thay đổi cách nhìn, cách đánh giá của xã hội. Nhà trường và các cơ quan chủ quản nên công bằng với giáo viên.
"Đằng sau lưng học sinh là phụ huynh, sau lưng phụ huynh lại là cả đám đông, dư luận. Còn sau lưng giáo viên chẳng có gì, chỉ có cái bảng viết, đấy là lý do chúng tôi sợ hãi, thu mình lại. Chúng tôi mong sau lưng là đồng nghiệp, các cấp, đơn vị quản lý, đứng ra phân xử, công bằng để không bị thiệt thòi, oan ức", bà khẳng định quan điểm.
TS Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng, sau những sự việc lệch chuẩn giữa học sinh với giáo viên diễn ra gần dây, các cơ quan chức năng sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định kỷ luật để tạo hành lang pháp lý cho nhà trường xử lý, giải quyết những trường hợp học sinh cá biệt.
Vị thế của nhà giáo hiện nay không chỉ đơn thuần là viên chức, còn có những đặc điểm riêng, do đó cần có cơ chế, hành lang và cách ứng xử riêng cho thầy cô trong môi trường sư phạm. Điều này các nước trên thế giới đều đưa ra và Bộ GD&ĐT cũng đã tính toán đến, đưa vào trong dự thảo Luật Nhà giáo, trình Quốc hội thời gian tới.
Ông cũng nhấn mạnh, ngoài chuyên môn giáo viên cũng cần tăng cường năng lực quản lý học sinh, tự ứng phó với tất cả tình huống trong lớp học.
"Hơn hết, xã hội, phụ huynh hãy chia sẻ với ngành giáo dục, đừng vì một vài hiện tượng mà quy chụp, đổ lỗi, phán xét sai lệch cho giáo viên. Thầy cô rất cần sự công bằng, thấu hiểu và đồng hành của cả xã hội để giáo dục học sinh tốt hơn", ông chia sẻ.