Tây Ban Nha mất rất nhiều năm để xác định bản sắc và xác lập vị thế ở cấp đội tuyển quốc gia (ĐTQG), cho dù sở hữu giải vô địch quốc gia (VĐQG) hàng đầu, với những câu lạc bộ (CLB) giàu truyền thống bậc nhất.
Điểm khác biệt căn bản giữa Tây Ban Nha so với các cường quốc bóng đá như Anh, Italy, Pháp, Đức hay những quốc gia có quy mô khiêm tốn như Hà Lan, Croatia là thiếu tính nhất quán về mặt văn hóa.
Cụ thể, Tây Ban Nha là quốc gia phân quyền với 17 cộng đồng tự trị và 2 thành phố tự trị. Catalonia, Andalucia, Galacia và Basque còn là những xứ tự trị hình thành từ những dân tộc riêng.
Trong giai đoạn bị kìm kẹp dưới chế độ độc tài của Tướng Franco, bóng đá còn là nơi hiếm hoi để các dân tộc bị áp bức được quyền thể hiện khát vọng độc lập.
Câu bình luận "những bậc thềm Camp Nou vẫn còn vang vọng tiếng rên xiết của người dân xứ Catalonia dưới ách độc tài Franco" của cây bút Eduardo Galeano trong cuốn "Football in Sun and Shadow" đã trở thành câu "bia tạc đá ghi" về lịch sử bóng đá Tây Ban Nha.
Vì thiếu gắn kết, ĐTQG nước này luôn bị chia rẽ ghê gớm bởi tình trạng chia bè kết phái. Hệ quả là La Furia Roja, biệt danh của đội tuyển Tây Ban Nha, luôn đạt thành tích đáng thất vọng tại các giải đấu lớn. Suốt một thời gian dài họ bị gọi bởi cái biệt danh đầy giễu nhại là "Vua vòng loại".
Bóng đá Tây Ban Nha chỉ thực sự lột xác khi tìm được tiếng nói chung về triết lý chơi bóng. Trong nỗ lực rũ bỏ mặc cảm tự ti và vươn tới đỉnh cao của bóng đá thế giới, Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha bắt tay vào việc xây dựng triết lý chơi bóng của cả đất nước.
Những chuyên gia viết lại giáo án đưa vào các học viện nhằm đào tạo ra những cầu thủ đồng bộ về tư duy lẫn kỹ thuật. Kim chỉ nam là kỹ năng chuyền bóng để kiểm soát bóng.
Trong những năm tháng đột nhiên trỗi dậy và thống trị bóng đá thế giới, với 2 chức vô địch châu Âu liên tiếp vào các năm 2008 và 2012, xen giữa là chức vô địch thế giới năm 2010, Tây Ban Nha trở thành đỉnh cao chói lọi khiến mọi đối thủ e sợ, noi theo và khao khát đánh bại.
Điệp khúc quen thuộc trên khắp thế giới, từ top 10 đến top 100 trên bảng xếp hạng FIFA đều thốt lên là "tại sao chúng ta không chơi bóng như tuyển Tây Ban Nha". Đó là lối chơi tiqui-taca (chuyền và di chuyển) trứ danh.
Mikel Arteta sinh ra trong kỷ nguyên vàng son ấy của bóng đá xứ sở bò tót. Đáng tiếc, ở giai đoạn La Roja thừa mứa tiền vệ xuất sắc, Arteta chưa từng một lần được triệu tập vào ĐTQG. Vì lý do đó, không ít kẻ phiến diện cho rằng Arteta chỉ là một tiền vệ thường thường, có một sự nghiệp làng nhàng.
Xin thưa, giới chuyên môn tại xứ sở sương mù, nơi Arteta trải qua hơn một thập niên chinh chiến trong màu áo Everton và Arsenal, từng ao ước đội tuyển Anh có một nhạc trưởng như tiền vệ bị rẻ rúng tại đội tuyển Tây Ban Nha.
Và không chỉ tuyển Anh, có lẽ Arteta sẽ có suất đá chính ở bất cứ ĐTQG nào trên thế giới, ngoại trừ La Roja, nơi đã có Busquets, Xavi, Iniesta và người bạn thân từ thuở thiếu thời Xabi Alonso.
Như một sự xếp đặt tài tình của số phận, đúng 20 năm trước, khi rời Serie A để sang Trung Đông "dưỡng già" ở tuổi 32, Pep Guardiola thốt lên cay đắng: "Tôi chưa già, phong độ của tôi chưa hề sa sút, nhưng thời của những tiền vệ kiến thiết lùi sâu như tôi đã hết".
Nếu Arteta không gặp thời vì sinh ra đúng thời điểm bóng đá Tây Ban Nha thừa mứa tài năng thì Guardiola bị lãng quên vì sự thay đổi chiến thuật.
Trong dòng chảy cuồn cuộn của lịch sử chiến thuật bóng đá, những năm cuối thập niên 1990 và đầu 2000 chứng kiến sự lên ngôi của sơ đồ 4-4-2 và cặp tiền vệ trung tâm án ngữ giữa sân. Những tiền vệ kiến thiết lùi sâu yếu thể lực, kém tranh chấp dần tuyệt chủng.
Tất nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ như Andrea Pirlo, nhưng đa phần các tiền vệ mỏ neo đều rơi vào thảm kịch như Guardiola. 5 năm sau, "Guardiola chiến lược gia" phục hận cho "Guardiola cầu thủ" bằng cách tái sinh vị trí tiền vệ kiến thiết lùi sâu bằng sự xuất hiện của Sergio Busquets.
Bên cạnh tư chất, sự kế thừa triết lý từ ông thầy Johan Cruyff hay kinh nghiệm chơi bóng đỉnh cao, việc sớm chia tay bóng đá đã tạo cơ hội cho Guardiola học hỏi để nhanh chóng thăng hoa trong sự nghiệp huấn luyện viên.
Pep đã sang Mexico để học hỏi cách phát triển bóng từ sân nhà của Juan Manuel Lillo, đến Argentina để thọ giáo chiến lược gây áp lực (pressing) của Marcelo Bielsa hay cách truyền đạt đầy máu lửa của César Menotti.
Vì Guardiola đã đi khắp thế giới để học hỏi và tích lũy, Arteta chỉ cần ở bên vị chiến lược gia kiệt xuất người Catalonia là có thể hấp thụ được bao nhiêu tinh túy của nghệ thuật cầm quân.
Tất nhiên, để được Pep thu nhận làm học trò chưa kể vai trò trợ lý số một, Arteta phải thực sự xuất sắc. Điều đáng nói, chính Guardiola đã thuyết phục Arteta sớm từ giã sự nghiệp cầu thủ để bước sang nghề "cầm sa bàn" bởi tư chất tuyệt vời.
Thật ra Guardiola và Arteta đã quen biết nhau hơn 20 năm, từ khi Pep là thủ quân Barca còn Mikel là tài năng trẻ sáng giá của lò La Masia. Một tờ báo của Tây Ban Nha còn viết bài về Guardiola, Arteta và Xavi, định giá các tiền vệ trung tâm của Barca lần lượt là 15 triệu euro, 4,5 triệu euro và 4 triệu euro.
Một chi tiết khác, phẩm chất quản lý và sự thông tuệ của Mikel Arteta phần nào được thừa hưởng từ gia đình. Xabi Alonso sinh ra để đá bóng từ trong trứng nước, khi bố, chú và em trai đều là cầu thủ chuyên nghiệp. Trong khi đó, gia đình của Arteta không hề có sự liên hệ với môn thể thao vua.
Mẹ của ông là giảng viên đại học, bố là Giám đốc tiếp thị tại một trong những ngân hàng lớn nhất miền bắc Tây Ban Nha, đồng thời cũng điều hành các dự án công nghệ lớn. Ngoài ra, Arteta còn một chị gái đang sống ở Mallorca và tự mở công ty riêng để kinh doanh.
Đến hiện tại, câu trả lời đã quá rõ ràng. Sau 3 năm làm trợ lý cho Guardiola ở Man City, Arteta trở lại để dẫn dắt Arsenal đang chìm sâu trong khủng hoảng vào tháng 12/2019. Dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân gốc xứ Basque này, "Pháo thủ thành London" lột xác và trở thành đối trọng lớn nhất của chính Man City và Pep Guardiola.
Trong 4 năm ấy, Arteta đã biến Arsenal trở thành đế chế của riêng mình. Không đơn thuần chỉ là lối chơi sắc sảo dựa trên triết lý kiểm soát bóng hay những kết quả ấn tượng trên sân cỏ, Arteta từ "head coach" (HLV trưởng) được thăng chức thành "manager" (nhà quản lý) tại Arsenal, nắm mọi quyền điều hành chuyên môn ở đội bóng, bao gồm cả kế hoạch chuyển nhượng.
Ở trận derby Bắc London với Tottenham Hotspur, danh sách 25 cầu thủ Arsenal được đăng ký, chỉ có 3 cầu thủ không chuyển đến sân Emirates trong nhiệm kỳ của Arteta. Đó là Mohamed Elneny , Gabriel Martinelli và William Saliba. 5 cầu thủ khác trưởng thành từ học việc, tức 17 cầu thủ còn lại đều được chiêu mộ từ kỳ chuyển nhượng tháng Giêng 2020 đến nay.
Arteta kế thừa 11 cầu thủ từ thời Arsene Wenger, 9 cầu thủ dưới thời Unai Emery khi ông được bổ nhiệm vào dịp Giáng sinh năm 2019. Trong kỳ chuyển nhượng đầu tiên, ông chỉ bổ sung 2 bản hợp đồng cho mượn.
3 năm rưỡi sau, kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua, với các thương vụ Rob Holding đến Crystal Palace , Kieran Tierney đến Real Sociedad (cho mượn), Granit Xhaka đến Bayer Leverkusen và Nicolas Pepe đến Trabzonspor, Arsenal hiện tại hoàn toàn mang dấu ấn Arteta.
Sự phối hợp ăn ý giữa nhà cầm quân người Tây Ban Nha và Giám đốc thể thao Edu Gaspar cũng đem đến cho Arsenal chiến lược chuyển nhượng rõ ràng và hiệu quả. Cho đến nay, "Pháo thủ thành London" chủ yếu ký hợp đồng với cầu thủ dưới 24 tuổi và có kinh nghiệm thi đấu tại Premier League.
Chiến lược này trái ngược với cung cách mua sắm vô tội vạ trước đây, điển hình như bản hợp đồng trị giá lên tới 72 triệu bảng mang tên Pepe ở thời điểm Unai Emery làm HLV. Ngoài ra, Arsenal còn chi ra khoản tiền khổng lồ khác để thanh lý những cầu thủ đắt giá nhưng sớm trở nên vô giá trị.
Tiền vệ trị giá 42,5 triệu bảng Mesut Ozil bị chấm dứt hợp đồng sớm 6 tháng. Tiền đạo 58 triệu bảng Pierre-Emerick Aubameyang được trả tiền để hủy hợp đồng sớm 18 tháng. Tiền đạo 50 triệu bảng Alexandre Lacazette ra đi theo diện chuyển nhượng tự do...
Đội hình Arsenal hiện tại là tập hợp của những cầu thủ trẻ trung, tài năng, đẳng cấp và đầy nhiệt huyết. Không ngoa nếu cho rằng "Pháo thủ thành London" sẽ là ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch Premier League lẫn Champions League.
Tất nhiên, đề tài này sẽ bị giễu nhại cho đến khi nào trở thành sự thực, nhưng hãy nhìn Liverpool của Jurgen Klopp. Đội bóng ấy đã bị Man City đánh bại. Đội bóng ấy đã thua Real Madrid ở chung kết Champions League. Nhưng bằng sự kiên định, The Kop đã phá dớp để đăng quang ở cả hai đấu trường quan trọng nhất.
Arsenal mùa giải này cũng đã trở nên lì lợm hơn. Trong số các đội bóng lớn của Premier League, "Pháo thủ" luôn bị xem là kém bản lĩnh nhất. Họ thường xuyên bị ảnh hưởng tâm lý trước thời điểm quyết định hoặc khó khăn. Chiến thắng trước Everton cho thấy một hình ảnh khác.
Đó là đội bóng biết vượt qua khó khăn để đạt mục tiêu tối thượng. Tương tự là cuộc chạm trán Tottenham. Nên nhớ The Spurs đang hồi sinh mạnh mẽ còn Arteta mất tới 4 cầu thủ quan trọng là Thomas Partey, Jurrien Timber, Mohamed Elneny và Gabriel Martinelli, chưa kể Declan Rice chấn thương giữa chừng.
Bóng đá ẩn chứa vô vàn biến cố khôn lường và việc phải đương đầu với cỗ máy hủy diệt Man City do Guardiola nhào nặn là thử thách vô cùng khó khăn. Song, Mikel Arteta và các học trò, như Bukayo Saka, Martin Odegaard, Martinelli, Gabriel Magalhaes hay tân binh đắt giá Declan Rice, không hề là "voi leo cây" như những anti-fan vẫn trêu chọc.
Arsenal dưới thời Mikel Arteta rất có bản lĩnh để chinh phục mọi đỉnh cao, vị thế mà đội bóng này đã đánh mất gần 20 năm.