Miếng cá, miếng thịt ở trường của trẻ

17/10/2023 15:10

Sự minh bạch và trung thực là điều kiện đương nhiên, cần và phải có trong môi trường giáo dục.

3-4 miếng cá chiên bé bằng hai đầu ngón tay chụm lại, 1 miếng giò lụa xắt mỏng lọt thỏm trên chiếc khay inox 5 ngăn, một ít khoai tây thái mỏng xào và một ít canh có vài sợi giá đỗ. Đó là tất cả suất cơm bán trú trị giá 32.000 đồng dành cho học sinh trường THCS Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội).

Nhìn vào hình ảnh trên, không ai không ngạc nhiên, sửng sốt. Với trẻ học cấp II đang tuổi phát triển mạnh, thông thường ăn không biết no là gì thì với suất ăn này làm sao trụ nổi với chế độ học hành, vận động liên tục ở trường học?.

Miếng cá, miếng thịt ở trường của trẻ - 1

Hình ảnh suất ăn bán trú tại trường THCS Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) do phụ huynh chụp (Ảnh: PHCC).

Không rõ vật giá có đang leo thang hay giá cả tại Hà Nội có đắt đỏ quá mức hay không, nhưng với định lượng như trên cùng cách trình bày quả thực tạo cảm giác rất phản cảm. Đặt bên cạnh suất ăn sau khi đã điều chỉnh, rõ ràng có sự khác biệt, chênh lệch lớn.

Điều đáng nói là phụ huynh chỉ biết về tình trạng sơ sài của suất ăn bán trú nói trên sau khi kiểm tra bếp ăn đột xuất. Giả sử như không có sự giám sát của phụ huynh thì tình trạng trên sẽ kéo dài ra sao? Ở đây một lần nữa cho thấy vai trò của ban đại diện phụ huynh trong việc đảm bảo quyền lợi cho chính học sinh, con em mình.

Sự minh bạch và trung thực là điều kiện đương nhiên, cần và phải có trong môi trường trường học. Song ở một số lĩnh vực tiềm ẩn phát sinh vấn đề thì nên có bên thứ ba giám sát. Theo đó, việc tham dự thường xuyên và chủ động của đại diện phụ huynh học sinh trong công tác kiểm tra bếp ăn nhà trường là cần thiết và hợp lý: Hơn ai hết, phụ huynh có quyền được biết và để đảm bảo không có góc tối, không có một bí mật nào ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.

Ở trường hợp nói trên, nhà trường và đại diện phụ huynh đã làm việc với công ty cung cấp suất ăn. Phía công ty xác nhận hôm đó, do người chia suất ăn chia chưa được đồng đều nên có một số khay thức ăn bị ít thức ăn. Như vậy, phải chăng lỗi chỉ thuộc về người chia thức ăn và tình trạng thức ăn "lèo tèo" cũng chỉ xảy ra vào một thời điểm hi hữu, ở một số khay chứ không phải là tất cả?

Sau sự việc, nhà trường nhận lỗi chưa bố trí cán bộ giám sát trong khâu chia khẩu phần ăn. Còn công ty đã tổ chức rút kinh nghiệm và nhận thiếu sót, cử bổ sung người về giám sát bếp ăn. Tóm lại là "rút kinh nghiệm".

Có thể còn lấn cấn, chưa thực sự thuyết phục trong cách giải thích của phía nhà trường cũng như từ công ty cung cấp suất ăn, nhưng ít nhất là đã có sự cầu thị, tiếp thu và thay đổi.

Miếng cá, miếng thịt ở trường của trẻ - 2

Suất ăn bán trú Trường THCS Yên Nghĩa sau khi được điều chỉnh (Ảnh: PHCC).

Trường THCS Yên Nghĩa chỉ là một trường hợp. Nhìn lại thời gian qua, có biết bao vụ việc ồn ào liên quan đến suất ăn của học sinh tại các trường mầm non, tiểu học, THCS trên cả nước? Bức xúc của phụ huynh ở đâu cũng giống nhau, xuất phát từ những lý do na ná. Vậy mà sao tình trạng lùm xùm đó vẫn xảy ra, vẫn tiếp diễn?

Đành rằng tổ chức suất ăn cho tập thể sẽ có nhiều vấn đề gây bàn cãi, tranh luận, từ yếu tố định lượng, sự đa dạng của suất ăn, vệ sinh, cách trình bày cho đến sự cân bằng dinh dưỡng…, tuy nhiên, tất cả đều cần phải có chừng mực và hợp lý.

Dư luận đặt câu hỏi, có hay chăng tồn tại điều khoản ngoài hợp đồng giữa công ty cung cấp suất ăn với nhà trường nào đó; có hay không phần trăm hoa hồng, các khoản phí trong phí khiến cho suất cơm mỗi học sinh vơi đi nơi vài miếng thịt, chỗ vài miếng cá?

Phụ huynh sở dĩ đăng ký cho con ăn bán trú ở trường, một phần do vấn đề đưa đón, do khoảng cách đi lại, do tạo thuận lợi cho con cái có thời gian ngủ trưa, nhưng hơn cả là sự tín nhiệm và tin tưởng vào nhà trường. Phụ huynh tin con em mình sẽ được nhà trường chăm sóc tốt.

Dẫu có hao hụt đi trong tài khoản 10.000-20.000 đồng mỗi ngày, phụ huynh sẽ không quá để tâm, nhưng khi suất ăn của con bị giảm khẩu phần tương ứng, họ không thể không lo, không buồn, không thể không bức xúc, phẫn nộ.

Vậy nên, lãnh đạo nhà trường để xảy ra tình trạng suất ăn học sinh "lèo tèo", không đảm bảo định lượng, chất lượng… là đã thất tín với phụ huynh, khiến danh dự các bên liên quan đều bị ảnh hưởng.

Vì vậy, với mỗi sự việc liên quan đều cần phải xác định kỹ càng, chi tiết về những khâu xảy ra sai sót hoặc sai phạm để xử lý theo đúng tính chất, mức độ. Một mặt tạo tính răn đe, mặt khác nhằm rộng đường dư luận, tránh trường hợp cá nhân, tổ chức bị ngờ vực, nghi oan.

Thử nghĩ xem, mỗi một lần xảy ra ồn ào, lùm xùm chuyện ăn uống, người lớn (nhà trường, doanh nghiệp) rút kinh nghiệm, có nơi hiệu trưởng đăng thư ngỏ lời xin lỗi, còn trẻ con (học sinh) thì sao?

Việc của trẻ là lớn lên, là trưởng thành: Lớn lên về trí tuệ, nhưng còn phải lớn lên cả về thể chất. Trẻ là trung tâm, nhưng lại không có quyền tự quyết, không được lựa chọn, và nếu như vì lý do nào đó (cố ý hoặc vô tình) mà suất ăn bị bớt xén, không đủ dinh dưỡng, thậm chí là không đủ vệ sinh an toàn thực phẩm, kết quả, trẻ là người phải gánh chịu.

Xã hội dù luôn tồn tại sự đấu tranh, giằng co về lợi ích, nếu đâu đó còn tình trạng "ăn không từ thứ gì" thì xin rằng, đừng bao giờ xâm phạm đến quyền và lợi ích - trong đó có bát cơm - của trẻ!

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/tam-diem/mieng-ca-mieng-thit-o-truong-cua-tre-20231017110731052.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/tam-diem/mieng-ca-mieng-thit-o-truong-cua-tre-20231017110731052.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Miếng cá, miếng thịt ở trường của trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO