Mệt mỏi vì ngày nào cũng nhận cuộc gọi rác

An Thanh| 28/11/2023 18:35

Nhiều người cho biết, họ nhận được hàng chục các cuộc gọi rác với nội dung từ tuyển cộng tác viên online, mua bán bất động sản, cho vay đến lừa đảo,... khiến nhiều người rơi vào trạng thái bất lực.

Phiền não vì quá nhiều cuộc gọi rác

N.T.Q.C (21 tuổi, sinh viên) cho biết, cứ cách một hai ngày cô lại nhận được vài cuộc gọi rác mời chào mua bất động sản, làm đẹp, tuyển cộng tác viên online,... khiến cô vô cùng mệt mỏi. “Giống như mình đang bị khủng bố, muốn điên đầu luôn!”, C ngán ngẩm cho biết.

Cũng theo nữ sinh viên này cho hay, có những cuộc gọi đến bất chấp giờ giấc, dù là sáng sớm hay đêm muộn. Có lần, C nhận được cuộc gọi vào 5 giờ sáng, khiến cô bạn giật mình thức giấc. “Mình tưởng phải có việc gì quan trọng lắm người ta mới gọi sớm như này, mình vừa nhấc máy thì bên kia bảo muốn tư vấn bất động sản, căn hộ gì đó. Lúc đó, mình cực kỳ khó chịu, tự nhiên bị phá bĩnh giấc ngủ vào ngày nghỉ”, nữ sinh viên tỏ vẻ phiền não.

z4920410441035_176511934987488964278a8ffab9212e(1).jpg
Các cuộc gọi rác từ đầu số 029 liên tục gọi đến cho Q.C. (Ảnh: NVCC).

C cũng đã thử nhiều cách để chặn các cuộc gọi rác nhưng không hiệu quả. “Mình đã dùng các ứng dụng chặn cuộc gọi, nhưng họ vẫn gọi bằng số khác. Mình cũng không muốn đổi số điện thoại vì sợ mất liên lạc với bạn bè, người thân”, nữ sinh viên nói.

Không chỉ C, nhiều bạn trẻ khác cũng bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng cuộc gọi rác ngày càng tràn lan. B.T.T.N (21 tuổi, sinh viên) cũng gặp phải trường hợp tương tự. Không chỉ bị các cuộc gọi rác “dội bom” ngày đêm, N còn bị các tin nhắn rác làm phiền. “Không chỉ có tin nhắn với số đầu 02, 05, 07 thôi đâu, mình còn nhận được cả tin nhắn rác nữa, không tránh được”, T.N cho biết.

z4920435592309_b53e87381205867435b45102e9bb3ffd.jpg
Một số tin nhắn rác mà N nhận được. (Ảnh: NVCC).

Nữ sinh cũng tỏ ra lo lắng: “Không biết thông tin cá nhân của mình có bị lộ không mà nhận nhiều cuộc gọi, tin nhắn rác thế nhỉ? Cũng không thể nào chặn tất cả các số lạ, lỡ có việc gì quan trọng mà mình bỏ lỡ thì rắc rối lắm".

Núp bóng để lừa đảo

Vào ngày 30/10, chị H.T.K (24 tuổi, nhân viên bán hàng online) nhận được cuộc gọi từ số máy 02488870825 của một người tự xưng là nhân viên của sàn thương mại L thông báo chị K. là một trong những khách hàng sẽ nhận được quà tri ân từ sàn thương mại này nhân ngày 20/11. “Người nhân viên đó nói với mình, mình không phải chi trả bất kỳ khoản phí nào, chỉ cần kết bạn Zalo với người đó để nhận danh sách quà tặng và chọn món quà ưng ý nhất”, K kể.

z4920451436328_ff49df2f00fc99257600946162d0f4a9.jpg
Số điện thoại đã gọi đến, tự xưng là nhân viên sàn L thông báo chị K được nhận quà tri ân nhân ngày 20/11. (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, là một người thường xuyên theo dõi thông tin qua báo chí, chị L nhanh chóng nhận ra đây là thủ đoạn lừa đảo. “Lúc trước, mình lướt mạng cũng thấy chia sẻ về việc này. Ban đầu thì nói cho nhận hàng không cần trả phí nhưng đến nơi thì dọa nạt, đòi trả tiền. Cũng có trường hợp, lần đầu tiên cho nhận hàng mà không tốn phí thật, nhằm củng cố niềm tin của đối phương, nhưng đến lần thứ hai thì lại bắt nộp một số tiền để nhận được món quà lớn hơn. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền thì không thấy tăm hơi của người gửi đâu”, chị L rút kinh nghiệm từ những câu chuyện bản thân đọc được qua báo đài, Internet.

Còn với T.T.M.T (22 tuổi, sinh viên), nữ sinh bất mãn vì nhận được nhiều cuộc gọi tuyển dụng online với những yêu cầu vô lý. “Mình thường xuyên nhận được các cuộc gọi tuyển cộng tác viên online với nội dung kiểu như: cày view kiếm tiền, làm nhiệm vụ kiếm tiền, rảnh làm bận nghỉ, việc nhẹ lương cao, nhận tiền liền trong ngày, không yêu cầu tuổi tác, bằng cấp. Sao người ta có thể nghĩ ra được những điều vô lý như thế, việc nhẹ, không yêu cầu bằng cấp nhưng lương cao thì kiếm đâu ra. Những lúc như vậy mình cũng chỉ lịch sự từ chối rồi cúp máy nhưng mình vẫn thấy phiền”, nữ sinh chia sẻ.

Thực tế, tuyển cộng tác viên online "việc nhẹ lương cao" được xem là hình thức lừa đảo phổ biến nhất và được nhiều cơ quan chức năng, báo chí ra cảnh báo. Các nhóm đối tượng này thường lợi dụng tâm lý của nhiều người muốn có công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao, sử dụng thủ đoạn lừa đảo thông qua việc tuyển cộng tác viên làm việc online với tỷ lệ hoa hồng lớn. Dù đã có nhiều cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người bị dính bẫy.

Từ kinh nghiệm được đúc kết qua nhiều lần đối mặt với những cuộc gọi lừa đảo, T cho biết, dấu hiệu nhận diện của các nhóm đối tượng dạng này có thể kể đến như: yêu cầu tạm ứng tiền trước khi bắt đầu công việc; yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản cá nhân, bao gồm số thẻ tín dụng hoặc thông tin ngân hàng, với lý do để thực hiện thanh toán hoặc tạo tài khoản; hứa hẹn công việc có thu nhập cao và dễ dàng, mà không yêu cầu kỹ năng hay kinh nghiệm đặc biệt,...

SIM rác tràn lan

SIM rác là loại SIM không chính chủ, đã được kích hoạt sẵn bằng thông tin cá nhân của người này nhưng lại được người khác sử dụng. Trên thực tế, tình trạng SIM không chính chủ là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc gọi quảng cáo, lừa đảo, đe dọa…

Theo Luật sư Nguyễn Vũ Tuấn Tú, Trưởng phòng Đào tạo pháp luật của Viện nghiên cứu Pháp luật phía Nam, tình trạng mua bán SIM rác thường diễn ra với nhiều hình thức khác nhau. Mặc dù đã có nhiều động thái từ các nhà mạng cấm bán SIM rác, nhưng tình trạng mua bán SIM rác trực tiếp tại cửa hàng vẫn tiếp diễn. Chỉ cần bỏ từ vài chục ngàn, bất kỳ người nào cũng có thể dễ dàng mua được SIM đã được kích hoạt sẵn ở hầu hết các cửa hàng điện thoại, tạp hoá điện tử, cửa hàng dịch vụ SIM.

Bên cạnh đó, mua bán SIM rác còn tràn lan từ lề đường tới sàn thương mại điện tử. Có không ít điểm bán SIM di động trực tiếp trên lề đường, đặc biệt là gần các khu công nghiệp, ngoại ô, gần các trường đại học,... Chỉ với một chiếc ghế nhựa và một tấm standee lớn mang những nội dung quảng cáo đầy mãi lực, SIM 4G, SIM gọi chỉ vài chục ngàn. Tương tự, trên các sàn thương mại điện tử, SIM rác được bày bán công khai nhưng không rõ đăng ký chính chủ như thế nào.

Ngoài ra, người dùng di động cũng có thể mua SIM rác trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,… hay website cá nhân qua các bài đăng bán SIM số lượng lớn và hầu hết không cần đăng ký chính chủ. Theo đánh giá, đây là kênh bán nhiều nhất do sự bùng nổ về thói quen mua hàng trên internet tại Việt Nam trong những năm gần đây.

z4920591831448_0f90445b1a5e751f90c676ed202d324b.jpg
Luật sư Nguyễn Vũ Tuấn Tú, Trưởng phòng Đào tạo pháp luật của Viện nghiên cứu Pháp luật phía Nam chia sẻ về tình trạng SIM rác vẫn còn tràn lan hiện nay. (Ảnh: NVCC).

Quy định của pháp luật

Luật sư Tuấn Tú cho biết, việc mua bán, sử dụng SIM đã được pháp luật quy định tại Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông được sửa đổi bởi Nghị định 49/2017/NĐ-CP. Theo đó, nghĩa vụ và mức phạt đối với người dân sử dụng SIM và cá nhân/tổ chức kinh doanh SIM được quy định như sau:

Đối với người dân, khi sử dụng dịch vụ thuê bao di động sẽ phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ cá nhân như: xuất trình giấy tờ tùy thân có liên quan như Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu khi thực hiện đăng ký lại thông tin thuê bao, bổ sung thông tin thuê bao, đăng ký SIM mới; cho phép giao dịch viên chụp ảnh khuôn mặt để lưu hồ sơ; ký tên chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của giấy tờ đã xuất trình.

Người dân chỉ được sử dụng SIM di động cho bản thân mình, con đẻ hoặc con nuôi dưới 14 tuổi và những người thuộc quyền giám hộ của mình theo quy định pháp luật; người dân được phép sử dụng SIM di động cho các thiết bị dùng cho bản thân mình hoặc gia đình mình. Người dân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc sử dụng các SIM di động đã được cung cấp. Trong mọi trường hợp khi không sử dụng SIM di động đã đăng ký, người dân phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng SIM di động hoặc yêu cầu nhà mạng ngừng cung cấp dịch vụ, thu hồi SIM di động đã cấp.

Trường hợp người dân không thực hiện thủ tục đăng ký lại thông tin thuê bao theo yêu cầu sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ (một chiều sau 15 ngày, hai chiều sau 15 ngày kế tiếp) và bị thu hồi số thuê bao sau 60 ngày kể từ ngày đầu tiên nhà mạng gửi thông báo yêu cầu chủ thuê bao đăng ký lại thông tin thuê bao.

Trường hợp người dân chuyển quyền sử dụng SIM mà không thực hiện thủ tục chuyển quyền hoặc có hành vi giả mạo; sử dụng giấy tờ của các cá nhân khác để mua SIM di động sẽ bị phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.

Đối với tất cả các cá nhân/tổ chức bán – lưu thông SIM di động phải chấp hành đúng các quy định sau: mọi hành vi bán, lưu thông SIM di động chỉ được thực hiện khi cá nhân/tổ chức đó đã được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Mọi hành vi sau sẽ bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, cụ thể: bán SIM thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước. Bán, lưu thông trên thị trường thiết bị đầu cuối không dùng SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước. Mua bán, trao đổi hoặc sử dụng SIM đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt sẵn dịch vụ cho SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước cho SIM thuê bao.

Cũng theo Luật sư Tú, việc tràn lan SIM rác đã tạo điều kiện cho các cuộc gọi, tin nhắn rác hoành hành khiến cá nhân anh nói riêng và hầu hết người dân Việt Nam nói chung rất bức xúc khi bị làm phiền hầu như mỗi ngày, nhẹ thì bị gọi, nhắn tin quảng cáo, nặng thì bị các đối tượng xấu tiếp xúc nhằm mục đích lừa đảo.

Để loại bỏ tình trạng SIM rác vẫn tràn lan hiện nay, Luật sư Tú cho rằng, nên nghiêm túc hơn trong việc cắt quyền kích hoạt SIM của các đại lý/cá nhân. Thay vì lựa chọn các cửa hàng nhỏ lẻ khó kiểm soát, có thể uỷ quyền cho các chuỗi cửa hàng hay chuỗi siêu thị lớn trên cả nước. Như vậy, có thể dễ dàng trong việc kiểm soát, đào tạo, thanh tra việc mua bán SIM. Các nhà mạng cũng cần triển khai các biện pháp rà soát SIM rác từ người dân, tất cả thuê bao đều cần được xác minh chính chủ lại. Để giám sát việc kích hoạt SIM từ nhân viên và nhà mạng nên có hệ thống trung gian của nhà nước.

Bên cạnh đó, các trang thương mại điện tử, website cũng cần được rà soát kỹ. Về đầu số của cơ quan công quyền, cũng cần nhanh chóng khóa sóng 2G để tránh bị thiết bị giả trạm BTS làm giả đầu số. Hình sự hoá các vụ việc sử dụng SIM rác/mạng viễn thông để làm phiền người khác cũng như lừa đảo. Đồng thời, tăng mức phạt hành chính lên cao và áp dụng các biện pháp mạnh tay như rút giấy phép kinh doanh nếu các tổ chức kinh doanh SIM vẫn để tình trạng SIM rác diễn ra.

Trước tình trạng các cuộc gọi rác gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư, an ninh và an toàn thông tin của người dùng, Luật sư cảnh báo mọi người nên nâng cao cảnh giác đối với các cuộc gọi lừa đảo giả mạo nhà tuyển dụng tuyển cộng tác viên cho các công việc làm thêm online, “việc nhẹ lương cao” hay tặng quà tri ân khách hàng. “Không ai mang đồ miễn phí tới cho mình cả, không bao giờ có chuyện người lạ hoặc tổ chức lạ tặng quà cho bạn. Do vậy, tuyệt đối không bao giờ được chuyển tiền của mình cho bất kỳ ai mình không quen với bất kể lý do gì. Nếu đã trót bị lừa, phải báo công an ngay, tuyệt đối đừng chuyển thêm dù chỉ một đồng, để tránh bị lừa thêm”, anh Tú chia sẻ.

Luật sư Tuấn Tú cũng khuyên mọi người nên bảo mật nhiều lớp mọi loại tài khoản cá nhân của mình như: số điện thoại, email, tài khoản ngân hàng, tài khoản app liên quan thông tin cá nhân, các trang mạng xã hội, tin nhắn,... Không đưa thông tin cá nhân của mình lên mạng xã hội, đặc biệt là về tài chính. Đồng thời, đừng dễ tin bất kỳ ai, chỉ nên mua bán ở nơi uy tín, nếu có người muốn vay tiền hãy xác nhận thật kỹ.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mệt mỏi vì ngày nào cũng nhận cuộc gọi rác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO