Hương thơm của mè, đậu phộng lẫn với vị ngọt của đường, mạch nha quyện cùng tách trà thơm từ lâu đã đi vào đời sống lẫn sinh hoạt của người dân xứ Huế. Một nghệ nhân làm mè xửng lâu năm tại đây cho biết, do làm từ mè, xưa kia lại được đựng trong xửng nên cái tên mè xửng từ đó mà hình thành.
Hiện nay, TP Huế có khoảng 20 cơ sở sản xuất mè xửng, cung cấp gần 100.000 tấn kẹo mỗi năm cho thị trường, trong đó, nhiều cơ sở có truyền thống làm nghề hàng trăm năm.
Nguyên liệu chính để làm mè xửng gồm bột gạo, đường, đậu phộng, mè, mạch nha, vani được chọn lọc kỹ. Đầu tiên, người làm nấu đường với hỗn hợp bột gạo đã hòa ra nước. Khi bột keo lại, chuyển sang màu trong thì thêm đường rồi nấu tiếp. Kế đó, người làm thêm mạch nha, chờ đến khi kẹo chín thì đổ đậu phộng đã rang vào và đảo đều. Lúc này, người làm trải lên nia lớp mè rang vàng, sau đó, múc kẹo ra đổ lên trên rồi cán mỏng. Thành phẩm này sẽ được cắt thành từng miếng nhỏ bằng dao hoặc kéo.
Ngày nay, mè xửng vẫn được các cơ sở sản xuất giữ nguyên cách làm và nguyên liệu truyền thống. Tuy nhiên, các công đoạn nhồi bột, đảo, cắt kẹo đã được máy móc hỗ trợ, giúp rút ngắn thời gian làm và tăng năng suất. Riêng công đoạn cán mỏng kẹo trên nong tre phủ mè vẫn thực hiện bằng tay để kẹo được dàn đều vừa phải và không dính.
Công thức làm mè xửng đơn giản nhưng để có miếng kẹo mềm, dẻo, không bị cháy, ăn vào miệng thơm mát, dai dai là cả một nghệ thuật. Mè xửng chất lượng là loại kẹo mà đường được nấu tới độ trong vắt, có thể để tới 3 tháng mà không hỏng.
Trong cái tĩnh lặng của buổi sáng sớm hay buổi chiều yên ả, bên tách trà thơm và thanh kẹo mè xửng, người ta tìm thấy hình ảnh thi vị của xứ Huế mộng mơ. Ngày nay, tại Huế có nhiều loại mè xửng như mè giòn, mè đen, mè gương, đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng. Đặc sản này của xứ Huế không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi châu Âu, châu Mỹ.
Thu Hà