Sáng nay thức dậy, chợt thấy đỏ chót những bông hoa dong riềng.
Củ dong riềng là loài cây thân thảo, rễ củ, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được trồng nhiều ở nước ta. Ở quê tôi ngày trước, củ dong riềng luôn là thức ăn song hành, đồng cam cộng khổ với các loại khoai sắn khác trong kho lương thực của nhà nghèo.
Hoa dong riềng mọc thành từng cụm ở đầu cành. Những bông hoa màu đỏ hoặc vàng rực rỡ, lấp ló trong vườn trên những chiếc lá xanh luôn gợi lên một cảm xúc bồi hồi, xao xuyến.
Hoa dong riềng - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Tuổi thơ của lũ trẻ quê chúng tôi ngày ấy thích nhất là được hút mật hoa dong riềng. Mùa hoa dong riềng trở thành đại tiệc cho cả ong, bướm và lũ trẻ. Chúng tôi bẻ bông hoa xuống, rút nhẹ ra khỏi đài, dùng miệng hút phần cuống hoa. Không như mật hoa dâm bụt, hoa dong riềng mật nhiều và có vị ngọt rất riêng. Không ngọt lịm như đường, chẳng ngọt khay như mật mía mà thanh khiết, vấn vít như sương khói, đọng lại nơi cổ họng, khiến đứa nào cũng sướng lịm người đi.
Hút mật xong, những cánh hoa lại đem cho bọn con gái dùng chơi đồ hàng hay xâu thành vòng, đeo như món trang sức, như thể thổ dân châu Phi. Nhìn những bông hoa dong riềng thắp sáng cả khu vườn sáng nay, ta chợt nhớ những câu thơ ngậm ngùi quá khứ, thảng thốt nhớ thương của Phạm Đức Long “Màu hoa của nỗi buồn vui/ Đơn sơ nồng nàn như đất/ Tuổi thơ như con ong mật/ Hoa cho vị ngọt êm đềm” (Hoa dong riềng)…
Thu hoạch dong riềng, người ta chỉ cần cắt thân gần sát đất, đào xung quanh rồi nhấc cả khóm lên. Một khóm dong riềng có khi cho cả một rổ củ. Dong riềng, khoai lặn luộc ăn thay cơm. Ăn dong riềng không thể ăn vội mà phải từ tốn bóc lớp vỏ ngoài, lấy dao cắt từng miếng mà chầm chậm ăn để thấm, để ngấm cái vị ngọt bùi của củ, ân tình của đất. Củ nào xơ nhiều quá thì nhai nuốt nước, nhả bã.
Ngày nay, đời sống thôn quê không còn nhọc nhằn, lam lũ như trước. Người nông dân chẳng còn cảnh phải tất tưởi chạy ăn từng bữa, thiếu trước hụt sau. Những mảnh vườn xưa hoặc đã chia đất phân lô hay trồng cây cảnh vui thú làng quê. Hoa dong riềng trở nên hiếm hoi, vắng bóng. Có chăng, ở một miền đất nào đó, người ta trồng đại trà để làm nguyên liệu sản xuất miến dong. Dong riềng, khoai lặn trở thành đặc sản, trở thành thức quà ăn chơi cho người ta thưởng thức, hoài niệm vị xưa.
Nhìn chùm hoa dong riềng nở đỏ lấp lánh trong vườn dưới màu nắng mai, ta mơ màng thấy bóng mẹ ta với đôi quang gánh đang tảo tần khoai sắn ngược xuôi; thấy dáng cha ta lầm lũi cùng chiếc cày trên vai dắt trâu ra đồng; thấy bóng dáng ta và lũ bạn đang tranh nhau níu hái những bông hoa để hút vị ngọt ngào của tình đất trong vời vợi tuổi thơ...
Đinh Hạ