MC VTV bất ngờ với thanh toán không tiền mặt tại chợ quê Nghệ An

20/09/2023 16:30

Nữ MC của VTV tỏ ra bất ngờ khi về quê đi chợ cùng bà nội. Ngay cả người lớn tuổi như bà cũng quét mã QR khi phương thức thanh toán không tiền mặt đã trở nên phổ biến ở chợ quê.

Tại sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2023, MC Khánh Vy chia sẻ về những ảnh hưởng sâu rộng của thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Cô cho biết, một lần về quê (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) theo bà nội ra chợ. Cô bất ngờ khi phương thức TTKDTM trở nên phổ biến ở chợ quê này.

“Vì nghĩ rằng chợ quê chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt nên Vy chuẩn bị sẵn tiền mặt để đi chợ. Nhưng hoá ra những người bán hàng ở đây đều có QR Code để người mua thanh toán. Các bà, các chị ở đây đã quen với việc quét mã từ lâu. Ngay cả bà nội của Vy cũng quay ra hỏi: “răng mi nỏ quẹt?” (sao con không quẹt - PV). Bà nội của Vy hiện cũng đã dùng QR code” , MC Khánh Vy chia sẻ.

MC Khánh Vy chia sẻ tại buổi họp báo.

Nữ MC của VTV cho biết, kể từ khi biết tới việc TTKDTM cô cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều khi không còn phải giữ tiền mặt trong người, việc thanh toán cũng nhanh gọn hơn.

“Thực sự đây là một phần rất quan trọng trong đời sống của tôi. Trước kia mẹ tôi hay dặn con gái ra đường phải mang theo tiền mặt, nhưng bây giờ công nghệ thay đổi, chỉ cần có app là có thể thanh toán. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người ai ai cũng vui về điều này”, Khánh Vy chia sẻ.

Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) nhận định, TTKDTM là xu thế tất yếu trong tiến trình tới xã hội không tiền mặt và phát triển kinh tế số, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Các công nghệ mới, giải pháp hiện đại trong thanh toán đang được các ngân hàng áp dụng như công nghệ thẻ chip tiếp xúc, không tiếp xúc, mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hoá thông tin thẻ (tokenization), xác thực sinh trắc học, phát hành thẻ kép (dualcard) tích hợp đồng thời cả tính năng thẻ ghi nợ lẫn thẻ tín dụng trên cùng con chip thẻ ngân hàng.

Cùng đó, các ngân hàng cũng đẩy mạnh phát hành thẻ ngân hàng vật lý và phi vật lý bằng phương thức điện tử thông qua định danh điện tử (eKYC) nhanh chóng, an toàn, hiệu quả chi phí.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT NAPAS đánh giá, với sự thay đổi không ngừng của công nghệ, NAPAS cùng các ngân hàng, đối tác sẽ mang đến những sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, sáng tạo, giúp khách hàng có thêm những trải nghiệm mới mẻ.

Họp báo công bố sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2023.

Theo số liệu của Vụ Thanh toán (NHNN), đến cuối tháng 7/2023, cả nước có hơn 103 triệu thẻ nội địa và 36,7 triệu thẻ quốc tế đang lưu hành. Trong đó có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng phương thức xác thực điện tử eKYC đang lưu hành.

Các ngân hàng thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng, tiện ích vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hoá, dịch vụ an toàn, thuận tiện với trải nghiệm khách hàng vượt trội.

Việt Nam lại là thị trường tiềm năng với 70% dân số trẻ, trong độ tuổi lao động, thu nhập ổn định, nhu cầu tiêu dùng chưa khai thác còn lớn, do đó rất cần tiềm năng cho việc mở rộng thị trường thẻ tín dụng nội địa.

Đề án phát triển TTKDTM theo Quyết định 1813 của Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng, cung ứng các dịch vụ gia tăng khác; tập trung triển khai hoàn thành chuyển đổi thẻ ngân hàng, gia tăng dịch vụ, tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 để đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hoá, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng.

Vì vậy, việc tích cực thiết kế, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ ngân hàng theo xu hướng số hoá, cá nhân hoá, tự động – thông minh, tăng cường bảo mật dựa trên công nghệ số, hệ sinh thái số và phân tích dữ liệu sẽ là xu hướng nổi bật, đột phá trong thời gian tới.

Với chủ đề “Bứt phá không giới hạn”, chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2023 với nhiều hoạt động. Sự kiện nhằm tiếp tục lan toả tinh thần đổi mới, đột phá dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ thanh toán tiên tiến để TTKDTM trở nên gần gũi, quen thuộc tới nhiều nhóm khách hàng hơn nữa. Đồng thời tiếp tục góp phần hiện thực hoá mục tiêu của Chỉnh phú tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 – 2025 và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Ngọc Tuân

Bài liên quan
  • Những ngành nào có thanh toán không tiền mặt nhiều nhất
    Số liệu giao dịch thống kê qua nền tảng thanh toán Payoo trong các lĩnh vực dịch vụ công, giáo dục, du lịch, F&B, bán lẻ, thời trang, điện máy cũng cho thấy giá trị thanh toán không tiền mặt quý II tăng trưởng mạnh so với quý I/2022.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
MC VTV bất ngờ với thanh toán không tiền mặt tại chợ quê Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO