Nhà báo Lại Văn Sâm
Nhà báo - MC Lại Văn Sâm là một trong những gương mặt kỳ cựu của VTV. Tên tuổi anh gắn liền với nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng như SV 96, Chiếc nón kỳ diệu, Hãy chọn giá đúng, Chúng tôi là chiến sĩ, Ai là triệu phú… Lại Văn Sâm để lại ấn tượng cho nhiều thế hệ khán giả bởi lối dẫn hóm hỉnh, thông minh.
Trải qua hơn ba thập kỷ làm nghề, nhà báo Lại Văn Sâm vẫn không thể quên dấu ấn gắn liền với sự ra đời của kênh VTV3. Đó là vào năm 1995, khi anh đang làm trong Ban Chuyên đề của chương trình VKT - Văn hóa, khoa học (từ năm 1989 đến năm 1995). Anh nhận được cuộc điện thoại từ Phó Tổng Giám đốc Trần Đăng Tuấn, với hai lựa chọn một là ở lại Ban Chuyên đề có thể sẽ được cân nhắc làm cán bộ lãnh đạo, hai là sang chương trình mới ở kênh VTV3.
"Tại kênh mới, tôi chỉ được làm nghề mà thôi", Lại Văn Sâm từng nói. Vì thế, sau cuộc trao đổi với Phó Tổng giám đốc Trần Đăng Tuấn, anh không ngần ngại mà lựa chọn sang VTV3, gắn bó đến khi nghỉ hưu vào năm 2017.
Nhà báo Tạ Bích Loan
Tạ Bích Loan (SN 1968), bắt đầu được công chúng biết đến là MC - BTV của loạt chương trình trên VTV như: Bảy sắc cầu vồng, Người đương thời, Chuyện đương thời, Khởi nghiệp... Với chương trình Đường lên đỉnh Olympia, chị không chỉ đảm nhận vai trò dẫn dắt mà còn là tác giả kịch bản - người đưa ra ý tưởng về chiếc vòng nguyệt quế dành cho thí sinh chiến thắng.
Nhờ tài năng và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, hiện Tạ Bích Loan là Trưởng Ban Sản xuất các chương trình Giải trí (VTV3). Chị còn là Ủy viên BCH Hội nhà báo Việt Nam.
Là một trong những người phụ nữ quyền lực của nhà Đài, nhưng trong cuộc đời làm truyền hình, Tạ Bích Loan cũng có những sự cố khiến chị nhớ mãi. Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị nói trong bất kỳ chương trình nào, liều lượng luôn là thách thức. Với chương trình sự kiện trực tiếp, Tạ Bích Loan thường bị "lố giờ".
Tạ Bích Loan nhớ lại dịp dẫn chương trình trực tiếp ngày Tết, khi chị đang "thao thao bất tuyệt" thì nghe phòng điều khiển chỉ đạo: "Đoạn này dài sếp bảo cắt đi". Mấy phút sau, chị lại nghe: "Dài cắt đi", rồi lại: "Dài quá, sắp hết giờ, cắt đi".
Chị kể: "Chuyện đến đúng lúc hay, không thấy sếp nói gì nữa. Tôi nghĩ bụng: "May quá chắc chuyện hay, được thêm giờ, mình lại… hỏi tiếp".
Hết chương trình trực tiếp, tôi hỏi anh em: "Sếp nhận xét chương trình thế nào?". Họ bảo: "Anh bỏ về lâu rồi". Đó là một lời nhận xét".
Nhìn lại những kỷ niệm đã qua với nghề, nhà báo Tạ Bích Loan nhận thấy mình nhận được nhiều điều khi làm truyền hình. "Là được cảm nhận nguồn năng lượng từ những con người Việt Nam, lắng nghe những câu chuyện của họ, và chia sẻ để nhân lên những bài học hay.
Những người làm báo chúng ta được đóng vai trò cầu nối lan tỏa những câu chuyện bình dị và sâu sắc của người Việt Nam tới người Việt Nam, đó vừa là nghĩa vụ và niềm vui nghề nghiệp", Tạ Bích Loan chia sẻ với phóng viên Dân trí.
BTV Hoài Anh
Nhắc đến "biểu tượng" của bản tin Thời sự 19h, khán giả sẽ lập tức nghĩ đến BTV Hoài Anh. Cô cũng là BTV giọng miền Nam đầu tiên của chương trình, được đông đảo khán giả yêu mến. Năm 2014, trong lần đầu tổ chức VTV Awards, Hoài Anh đã nhận giải thưởng "Người dẫn chương trình ấn tượng nhất".
Trước đó, cô được tạp chí truyền hình VTV trao giải "Người dẫn chương trình được yêu thích nhất", với sự bình chọn của khán giả lẫn hội đồng chuyên môn.
15 năm làm nghề, từng nhiều dịp dẫn sóng trực tiếp nhưng nữ BTV sinh năm 1980 vẫn không thể quên lần đầu tiên được phân công dẫn điểm cầu, trong một chương trình cầu truyền hình trực tiếp.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, chị kể: "Điểm cầu của tôi năm đó là quảng trường thành phố Đà Lạt. Trời đêm đó rét cóng, gió to. Khi tất cả đã sẵn sàng, ổn định vị trí và chỉ còn vài phút nữa đầu cầu của tôi sẽ lên sóng, thì bất ngờ một tờ kịch bản dẫn của tôi bị gió thổi tung xuống đất.
Sai lầm tiếp nối sai lầm. Vì tờ giấy rơi xuống nên tôi phải cúi xuống nhặt, và vì thế hình tôi mất hút trên màn hình camera".
Dù chỉ vài giây, nhưng Hoài Anh đã khiến cả ê-kíp đầu cầu của mình thót tim, bởi thời gian chuẩn bị lên sóng chỉ còn tính bằng giây. May mắn, cô đã kịp nhặt kịch bản và trở lại vị trí đứng trước khi phát sóng trực tiếp. Nhờ vậy, Hoài Anh đã rút được kinh nghiệm, một là phải bình tĩnh, quan sát tốt, hai là cần chuẩn bị phương án dự phòng khi chẳng may không có kịch bản.
Một kỷ niệm tiếp theo khiến Hoài Anh nhớ mãi đó là lần đọc văn bản tuyên bố chung trong bản tin Thời sự 19h, cách đây nhiều năm. Khi ấy, bản tin chỉ có một người dẫn, cô phải đọc đến 20 phút không nghỉ mới hoàn thành được văn bản hôm đó.
Hoài Anh chia sẻ: "Lần đó, những trang văn bản dày đặc con chữ và sự tập trung cao độ để đọc không sai sót các câu từ khiến tôi có những lúc tưởng như hoa mắt, không thể đọc tiếp nữa. Lúc đó cảm giác của mình như kiểu đang bơi giữa biển.
Tôi hiểu rằng, duy nhất chỉ có một mình mình, sẽ không một ai có thể yểm trợ nếu lỡ có rủi ro gì xảy ra, nghĩa là bắt buộc bản thân phải bơi vào bờ thành công, không cho phép thất bại, cũng không cho phép dừng lại.
Những suy nghĩ đó khiến tôi thật sự căng thẳng, và chỉ biết cố gắng hết sức. Lần đó, chỉ dám nói là mình đã thật may mắn khi mọi việc suôn sẻ, không có sự cố nào xảy ra, tôi cũng đọc gần như không vấp một chữ nào, hoàn thành nhiệm vụ chuyển tải chính xác hàng chục trang văn bản quan trọng".
Sự nỗ lực của Hoài Anh đã được khán giả và lãnh đạo Đài truyền hình Việt Nam ghi nhận. Khi hết sóng bản tin, cô mới biết lãnh đạo Ban đã đứng ngoài theo dõi từ đầu đến cuối. "Khi thấy tôi, chị đã ôm lấy vai tôi chúc mừng. Một cử chỉ ấm áp mà tôi nhớ mãi", Hoài Anh kể.
Sau nhiều năm làm việc tại Ban Thời sự, đầu năm 2022 Hoài Anh chuyển công tác sang Ban Văn nghệ, đều đặn lên sóng chương trình Không gian văn hóa nghệ thuật.
Khác với hình ảnh chỉn chu, nghiêm túc trên sóng Thời sự, khán giả được thấy một Hoài Anh trẻ trung, vui vẻ hơn, xuất hiện với đa dạng trang phục. Cô nói: "Tôi cũng thấy được là chính mình hơn. Ở bản tin Thời sự tôi phải giữ vẻ nghiêm nghị và tiết chế cảm xúc".
BTV Anh Tuấn
Anh Tuấn (SN 1974) là một trong những BTV thuộc thế hệ đầu tiên của kênh sóng VTV3. Với kiến thức sâu rộng về âm nhạc, cùng lối dẫn sôi nổi, anh thường đảm nhận những chương trình như Sao Mai điểm hẹn, Trò chơi âm nhạc…
Sở hữu ngoại hình điển trai, được nhận xét là "trẻ mãi không già" nhưng ít ai biết rằng thời gian đầu làm nghề, Anh Tuấn từng bị mắng vì khuyết điểm ngoại hình.
Nam BTV kể khi mới bước chân vào VTV3, anh rất sợ đạo diễn Bùi An Ninh. Anh kể: "Tôi bị cô mắng nhiều lần vì vai quá xuôi. Nhưng sau khi mắng, cô lại tìm cho tôi hai chiếc áo phông để độn vai. Nhờ đó mà tôi đẹp và phong độ hơn khi lên hình".
Nhờ sự nghiêm khắc của đạo diễn Bùi An Ninh, Anh Tuấn ý thức hơn về việc chỉn chu ngoại hình mỗi lần lên sóng. Anh chăm chỉ tập luyện để có một bờ vai đạt tiêu chuẩn, không còn phải sử dụng đến áo độn vai khi ghi hình.
BTV Diệp Chi
Diệp Chi (SN 1986) bén duyên với truyền hình khi cộng tác làm MC chương trình Rung chuông vàng, phát trên kênh VTV3. Khi ấy, cô đang là sinh viên Đại học.
Sau nhiều năm làm nghề, Diệp Chi nhớ mãi khoảnh khắc lần đầu tiên rơi nước mắt trên sóng, trong chương trình Rung chuông vàng. Cô xúc động khi chứng kiến một bạn sinh viên vượt qua câu hỏi thứ 30 và rung được chuông vàng. Cả trường quay như vỡ òa, bản thân nữ BTV cũng không ngăn được những giọt nước mắt. Cô khẳng định, đó là những cảm xúc tuyệt vời mà nghề đã mang lại cho mình.
Sau Rung chuông vàng, Diệp Chi tiếp tục gắn bó với loạt chương trình như Đường lên đỉnh Olympia, Điều ước thứ bảy... Cô đảm nhận vai trò dẫn dắt chương trình Đường lên đỉnh Olympia từ năm thứ 17 đến năm thứ 21.
Vài năm gần đây, nữ BTV ít xuất hiện mà lui về hậu trường làm công tác đạo diễn, sản xuất.
BTV Minh Trang
Minh Trang (SN 1987) gắn bó với khán giả truyền hình nhiều năm qua với các chương trình Dự báo thời tiết, Chào buổi sáng. Hiện cô dẫn sóng Thời sự 19h, gây ấn tượng bởi lối dẫn chuyên nghiệp, giọng nói nhỏ nhẹ cùng nhan sắc xinh đẹp.
17 năm làm nghề, Minh Trang nhớ mãi kỷ niệm khi còn là người dẫn chương trình thời tiết. Thời ấy, BTV lên hình vẫn phải mặc áo dài. Sáng sớm, cô đến cơ quan dẫn bản tin bằng xe ôm, không may tà áo dài bị quấn vào bánh xe máy. Minh Trang ngã đập đầu xuống mặt đường, ngay tại cổng Đài nhưng tất cả những gì cô nghĩ lúc đó là phải vào trường quay cho kịp giờ lên sóng.
Chiếc áo dài bị rách, cô được bác xe ôm đưa cho chiếc áo khoác để chạy vào phòng thay đồ. Dẫn xong bản tin, nữ BTV mới biết rằng phía sau đầu, máu đã chảy ướt cổ áo cô. Ngay sau đó, cô hôn mê, tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong bệnh viện.
Thế nhưng, câu đầu tiên cô hỏi mọi người vẫn là mình có dẫn được bản tin đó không. Minh Trang liên tục nhắc đến chuyên viên Khí tượng, thủy văn Hữu Thành, người làm việc cùng cô sáng hôm đó, vì cô sợ dẫn không chính xác.
Đến nay, thi thoảng khi thời tiết thay đổi, Minh Trang vẫn bị đau nhức vì vết thương năm xưa. Sau tai nạn ấy, bạn bè, người thân đều xót xa, khuyên cô tìm công việc khác, nhưng nữ BTV vẫn lựa chọn gắn bó với truyền hình. Mỗi khi mệt mỏi, áp lực, cô đều nhớ về sự cố ấy để trở nên mạnh mẽ hơn.