Mật ong được sử dụng hàng ngàn năm không chỉ hỗ trợ về vấn đề làm đẹp mà còn dùng để điều trị các vết thương ngoài da và một số loại bệnh khác, đặc biệt là triệu chứng ho khan, ho đờm.
Hiện nay, hầu hết các loại vi khuẩn dần thích nghi với các phương thuốc truyền thống và bắt đầu sản sinh khả năng miễn dịch với kháng sinh. Đây là một vấn đề rất đáng lo ngại với giới y học trên toàn cầu.
“Chúng ta cần phải làm điều gì đó đổi mới, nếu không chúng ta sẽ phải đối mặt với viễn cảnh xấu nhất, đó là quay trở về giai đoạn tiền kháng sinh và chứng kiến sự bành trướng của vi khuẩn.”, chuyên gia đại học Cardiff cho biết.
Theo báo cáo của trung tâm phòng chống bệnh tật Châu Âu, có trên hàng triệu người chết vì nhiễm phải loại vi khuẩn đa kháng thuốc. Trong đó, phổ biến là vi khuẩn Gram âm (NDM-1) khống chế được kháng sinh mạnh nhất thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó các loại vi khuẩn phổ biến như MRSA (tụ cầu vàng) hoặc Neisseria gonorrhoeae (nguyên nhân bệnh lậu) cũng dần có khả năng đề kháng tăng cao trước các phương thuốc đặc trị.
“Trước mắt, chúng tôi đang quay lại với những bài thuốc cổ truyền để xem có thể học hỏi điều gì từ tổ tiên hay không. Vì trước khi có kháng sinh, chúng ta thường dùng thảo dược hoặc phương thuốc cổ xưa để điều trị bệnh rất hiệu quả.”, Giáo sư Les Baillie chia sẻ
“Tình hình thực sự rất đáng báo động, chúng tiến hóa mỗi ngày và tìm mọi cách để có thể sinh tồn bất chấp những liều thuốc tân tiến nhất, bao gồm gia tăng lớp bảo vệ, sản sinh enzym triệt tiêu kháng sinh hoặc làm biến đổi đích tác động của thuốc. Con người đang dần tiến đến giai đoạn bị vượt mặt.”, ông Baillie lo lắng nói thêm.
Theo đó, thách thức lớn nhất hiện nay là tìm được hợp chất kháng khuẩn có trong mật ong, từ đó cô lập và dẫn đến các bài thuốc mới. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn tìm hiểu về thực vật yêu thích của loài ong để khai thác rộng hơn nguồn chứa hợp chất tiêu diệt vi khuẩn.
"Với 12 năm nuôi ong, tôi hiểu rõ lợi ích của mật ong và nghe được rất nhiều câu chuyện về việc chữa lành vết thương, viêm loét bằng mật ông. Thậm chí, họ dùng nó để chữa bệnh sốt cỏ khô (một loại viêm mũi dị ứng hay dị ứng phấn hoa)", theo Gruffudd Rees, chủ trang trại ong.
“Hiện tại, chúng tôi đang xem xét kỹ về cây bồ công anh, vì trong chúng có chứa hợp chất tiêu diệu vi khuẩn và cả vi rút. Những người làm vườn coi chúng là cỏ dại, nhưng thực tế, cây bồ công anh có giá trị rất lớn trong y học. Chúng ta nên khai thác chúng thay vì tìm cách tiêu diệt.”, Giáo sư Baillie khẳng định.
Sau những lợi ích mà các nhân tố trên mang lại trong nhiều năm, con người hoàn toàn có thể hi vọng mật ong và các loài thực vật sẽ được đưa vào y học và thay thế kháng sinh để triệt tiêu vi khuẩn kháng thuốc.