3 tuần trở lại đây, nhiều khu vực tại miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng bị cắt điện: báo trước có, cắt xong mới báo cũng có, còn có trường hợp không biết khi nào có điện trở lại. Đáng chú ý, cùng là cắt điện, nhưng người dân phản ánh họ nhận được những thông báo với nội dung rất khác nhau, trong đó có những nội dung không dễ hiểu.
Ví dụ, ngày 1/6 xuất hiện thông báo của Công ty Điện lực Hà Đông (Hà Đông) về việc "huy động máy phát điện của khách hàng" do tình hình quản lý vận hành, tình hình nguồn điện của hệ thống điện miền Bắc đang rất căng thẳng. Cơ quan điện lực sau đó đề nghị "khách hàng thực hiện huy động công suất máy phát của khách hàng thay thế nguồn lưới từ 10h30 đến 12h30".
Tương tự, thông báo cắt điện tại một khu căn hộ thuộc quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) ngày 5/6 phát đi với nội dung về việc "điều chỉnh phụ tải giờ cao điểm". Phương án dự kiến triển khai được ghi là "sa thải nguồn điện lưới và vận hành hệ thống máy phát điện dự phòng".
Một số trường hợp khác thông báo "tiết giảm phụ tải", "tiết giảm công suất", "kế hoạch tiết giảm điện năng"… thực chất đều là cắt điện. Bộ Công Thương cũng đã phải thừa nhận miền Bắc thiếu điện trầm trọng, còn ngành điện thì cho biết không có tình trạng cắt điện luân phiên trên địa bàn Thủ đô. Từ "cắt điện" đang được sử dụng tương đối e dè.
Tại buổi cung cấp thông tin báo chí về tình hình cung ứng điện chiều 7/6, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết hầu hết hồ thủy điện lớn ở miền Bắc đã về mực nước chết, nguồn nhiệt điện cũng gặp khó khăn do nắng nóng, truyền tải điện từ miền Trung ra Bắc thì gần đạt giới hạn tối đa, dễ xảy ra sự cố.
Kết quả là hệ thống điện miền Bắc thiếu hụt khoảng 4.350 MW, đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết giờ trong ngày. Theo ông Hòa, trước khó khăn cung ứng điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải "điều tiết giảm phụ tải" ở miền Bắc.
Cũng tại buổi họp, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, cho biết ngành điện lực đang phối hợp với các cơ quan liên quan trong vấn đề "tiết giảm trong tình huống thiếu hụt điện" sao cho phù hợp nhất với tình hình của từng địa phương.
"Lúc này khi nhu cầu phụ tải trong thời gian nắng nóng tiếp tục tăng cao, nguồn điện cung ứng nhiều lúc còn khó khăn, không đáp ứng đủ, nên một số thời điểm chúng ta phải tiết giảm điện", ông Nhân nói.
Hiện nay, ở khu vực cắt điện được báo trước, EVN đang cập nhật trên website hàng ngày, nêu rõ thời gian tạm ngưng cung cấp dịch vụ. Kế hoạch cắt điện ở khu vực này thực tế đã được phê duyệt từ trước, thường nhằm mục đích bảo trì, bảo dưỡng, cải tạo hệ thống lưới điện.
Ở trường hợp cắt xong mới báo, cơ quan điện lực lý giải nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao đột biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố, thậm chí gây cháy nổ. Do đó, việc ngừng, giảm cung cấp điện khẩn cấp là để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện.
Tại những khu vực này, nhân viên điện lực đang thực hiện nhiều biện pháp, mà chủ yếu là đi xe máy phát loa thông báo, đồng thời kêu gọi người dân sử dụng điện tiết kiệm.