Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, thu ngân sách Nhà nước cả năm 2024 ước đạt khoảng 2 triệu tỷ đồng, tăng 15,5% so với thực hiện năm 2023, đánh dấu lần đầu tiên thu ngân sách của Việt Nam đạt cột mốc này.
Lịch sử thu ngân sách của Việt Nam cho thấy sự tăng trưởng đều đặn qua các năm. Từ mức thu ngân sách chỉ hơn 100 nghìn tỷ đồng, con số này đã vượt qua 1 triệu tỷ, rồi 2 triệu tỷ.
Cụ thể, năm 2002, thu ngân sách chỉ đạt hơn 120 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2007, con số này đã vượt 430 nghìn tỷ đồng. Năm 2012 Việt Nam lần đầu ghi nhận thu ngân sách vượt 1 triệu tỷ đồng và 12 năm sau con số này đã cán mốc 2 triệu tỷ đồng.
Điều này cho thấy Việt Nam cần 22 năm để thu ngân sách tăng từ hơn 100 nghìn tỷ lên hơn 2 triệu tỷ đồng.
"Cú hích" quan trọng giúp thu ngân sách của Việt Nam tăng vọt là sau khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Sự kiện này đã thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Năm 2006, GDP bình quân đầu người mới chỉ là 730 USD thì đến năm 2023 đã tăng lên 4.347 USD/người.
Một năm sau khi gia nhập WTO, thu ngân sách đã có sự bứt phá. Năm 2008, thu ngân sách đạt được hơn 548 nghìn tỷ đồng, tăng tới 27% (118 nghìn tỷ) so với năm 2007.
Cùng với sự gia tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài, như dự án Samsung ở Bắc Ninh khánh thành năm 2008 và liên tục mở rộng đầu tư ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, TPHCM cũng góp phần củng cố nguồn thu ngân sách. Các biện pháp cải cách thuế theo hướng tăng nguồn thu nội địa như Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ 1/1/2009 và việc xăng dầu chịu thuế bảo vệ môi trường từ 1/1/2012 cũng đóng góp vào sự tăng trưởng này.
Những năm gần đây, ngành thuế đã tăng cường các biện pháp chống thất thu thuế và tìm kiếm thêm các nguồn thu mới, giúp số thu ngân sách duy trì đà tăng. Tuy nhiên, cùng với đó, thuế cũng thực hiện nhiều biện pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn như giai đoạn dịch bệnh Covid-19, giảm VAT...
Đó là việc thu thuế với các nhà cung cấp nước ngoài, các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, Tiktok,... áp dụng hoá đơn điện tử, chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản, ngăn tình trạng mua bán nhà "hai giá",...
Dù số thu liên tục tăng, nhưng chi thường xuyên vẫn ở mức cao khiến tình hình tài chính quốc gia chưa thực sự vững chắc.
Chi thường xuyên là nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức khác và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nhiều năm gần đây, số chi thường xuyên luôn ở mức trên dưới 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 60-65% tổng chi ngân sách. Phần tiền còn lại dành cho chi đầu tư phát triển, chi trả nợ gốc và lãi. Tất nhiên, số tiền đó là không đủ nên ngân sách mỗi năm phải vay nợ hàng trăm nghìn tỷ.