Chị H.T.T (37 tuổi, ngụ tại TPHCM), cho biết, chồng chị - một bệnh nhân đái tháo đường - sau chuyến về quê thăm người thân, được giới thiệu một loại gọi là thuốc với quảng cáo có công dụng hạ đường huyết rất tốt, nên đã sử dụng.
Qua quá trình chồng sử dụng thuốc, chị H. không yên tâm về những loại được quảng cáo là thuốc nhưng chưa rõ nguồn gốc nên đã mang thuốc đi kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, loại thuốc này có chứa thành phần phenphormin đã bị cấm sử dụng vì tỷ lệ biến chứng nhiễm acid lactic quá cao.
“Tôi biết được thuốc chứa thành phần độc hại này, mang kết quả xét nghiệm về đưa chồng tôi thì khi đó anh mới ngưng sử dụng”, chị T. cho biết.
Dược sĩ Huỳnh Ngọc Dương - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Y học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc TPHCM cho biết, hiện nay, việc quảng cáo thực phẩm chức năng, dược phẩm quá so với công dụng thực tế khiến người tiêu dùng hiểu lầm - là một vấn nạn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
“Tôi đã được rất nhiều đơn vị nhãn hàng về dược phẩm hay thực phẩm chức năng mời làm chương trình tư vấn, nhưng thật sự ở đó, nội dung của họ đưa ra rất mơ hồ.
Thậm chí, nhiều đơn vị vẽ ra những công dụng không thực tế ví dụ như men vi sinh giúp điều trị trầm cảm bằng câu từ quảng cáo “nếu như chúng ta rối loạn đường ruột, chúng ta sẽ bị rối loạn trầm cảm, suy ra nếu như chúng ta uống men vi sinh, chúng ta hết trầm cảm”. Điều này hoàn toàn sai, cái này phải nói là ngăn ngừa trầm cảm chứ không phải điều trị”, dược sĩ Dương phân tích thêm.
Hiện nay, hầu hết trên các trang mạng, quảng cáo phổ biến thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, các loại thuốc tràn lan. Còn đối với sản phẩm có nguồn gốc và công ty sản xuất thì quảng cáo quá lên có công dụng như thần dược - việc này dẫn đến người tiêu dùng lạc trong ma trận, ảnh hưởng sức khỏe hoặc mất mạng.
Cũng theo dược sĩ Dương, vấn nạn này không mới nhưng rất nhức nhối, sự lèo lái của truyền thông mạng đang tiếp sức cho các quảng cáo quá này. Cơ quan chức năng là đơn vị thực hiện việc xử lý này phải làm mạnh, thu hồi hết các quảng cáo nói quá.“Bản thân tôi hiện nay phải tổ chức các hội thảo trực tiếp với dược sĩ tại các nhà thuốc, làm các chuyên đề cho họ hiểu về các sản phẩm như vậy. Tuy nhiên đáng buồn là họ không biết, không hiểu về chăm sóc da làm gì, chăm sóc liệt dương phải làm sao… Từ đó, người bán và người dân bị chi phối nên rất nguy hiểm. Thông tin kiểm chứng ít, người có tầm ảnh hưởng trong xã hội như KOL, diễn viên, ca sĩ… quảng cáo theo khiến người dân ngộ nhận sử dụng”, dược sĩ Dương nhấn mạnh.