Màn tư vấn "kịch trần" của NSND Tự Long
Tập 4 Anh trai vượt ngàn chông gai phát sóng tối 27/7. Tiết mục của nhà Xương rồng (Duy Khánh, Bùi Công Nam, Thanh Duy và Thiên Minh) để lại ấn tượng đẹp trong trang phục Bộ đội Cụ Hồ. Ca khúc tôn vinh người chiến sĩ có ý nghĩa đặc biệt khi phát sóng vào ngày Thương binh Liệt sĩ Việt Nam.
Ban đầu, nhà Xương rồng trăn trở khi nhận ca khúc Áo mùa đông và Trở về. Để hiểu rõ hơn về ca khúc cách mạng, nhóm cầu cứu NSND Tự Long. Trong buổi trò chuyện, Tự Long thổi bừng lòng yêu nước cho các anh tài khi truyền tải kiến thức về người lính thời chiến.
"Người hậu phương luôn muốn gửi gắm cái đẹp, ấm áp ra tiền tuyến. Người ở trận tuyến có sức mạnh khi mặc áo được gửi từ hậu phương, cảm nhận được tình yêu của gia đình, làng quê, giúp họ chắc tay súng để diệt quân thù", NSND Tự Long giải thích.
Theo Tự Long, người chiến sĩ vững chãi "ở nơi đầu sóng ngọn gió", nơi biên cương xa xôi, cái chết chỉ đến trong gang tấc. Tuy nhiên, khi được hơi ấm truyền qua áo, người chiến sĩ sẵn sàng đương đầu với thử thách, đối diện quân thù và chấp nhận hy sinh cao cả.
Khán giả khen NSND Tự Long có màn tư vấn "kịch trần".
"Những tấm áo không chỉ là hơi ấm mà được thấm máu của người ra chiến trường, để màu cờ Tổ quốc luôn được đỏ tươi", NSND Tự Long nói trong tự hào.
Sau cuộc trò chuyện, nhóm Xương rồng được truyền cảm hứng.
"Tôi thấy mình được khai sáng nhiều thứ, hình dung cảnh ông cha ta ngày xưa, thấy bản thân dâng lên niềm tự hào", thủ lĩnh Duy Khánh nói.
Sau tập phát sóng, NSND Tự Long tiếp tục được khán giả nhắc tên trên mạng xã hội. Người xem bình luận phần tư vấn của anh trai Tự Long giúp họ hiểu thêm về sự cực khổ của cha ông và người lính, những người đã hy sinh để thế hệ sau có cuộc sống ấm no.
"Quá nể tư duy, kiến thức về lịch sử của NSND Tự Long", "Khi xem trực tiếp tôi đã muốn khóc. Giờ xem lại đoạn cắt càng xúc động hơn", "Tầm cỡ của Đại tá quân đội, Phó giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội và được Nhà nước phong tặng NSND như Tự Long phải có trình độ văn hóa, lịch sử cao"...
Trước đó, NSND Tự Long nhận nhiều lời khen khi phát biểu văn hóa là cội nguồn của dân tộc. Phần biểu diễn Trống cơm của nam nghệ sĩ tạo thiện cảm với người xem. Khán giả nhận định anh tham gia Anh trai vượt ngàn chông gai "không vì danh tiếng mà là vì văn hóa dân tộc".
"Nhắc đến NSND Tự Long, người xem đôi khi nghĩ đây là nghệ sĩ hài, diễn viên tếu táo. Đó chỉ là một phần công việc, ít ai để ý đến góc độ anh là người có văn hóa, xã hội. Anh tinh tế khi truyền tải thông điệp, rất thán phục anh", Tiền Phong dẫn bình luận được nhiều người đồng tình trên mạng xã hội.
Toàn cảnh tiết mục hoành tráng của nhà Xương rồng.
Khán giả xúc động với hình ảnh chiếc áo trấn thủ
Đến phần biểu diễn, khán giả xúc động khi nhóm thể hiện hình ảnh những cựu chiến binh lạc quan, yêu đời, tận hưởng cuộc sống tự do quê hương thời bình thông qua ca khúc Trở về.
Tiếp đó, 4 anh tài dẫn khán giả đến bối cảnh hào hùng, khí thế dân tộc trong ca khúc “Áo mùa đông” bằng ngôn ngữ âm nhạc thính phòng, cải lương. Tiết mục còn kết hợp giai điệu hiện đại, cùng với đó là hình ảnh “người thiếu niên thuở nào”.
Theo đó, người chiến sĩ cách mạng với tên gọi trìu mến Bộ đội Cụ Hồ khoác lên mình màu áo lính, cùng chiếc áo trấn thủ đầy khí phách, can trường lúc chiến đấu vì hòa bình dân tộc.
Điều khiến khán giả xúc động nhất ở mashup Trở về & Áo mùa đông là việc các anh tài tìm hiểu sâu sắc ca khúc mình thể hiện.
Khi tìm hiểu tư liệu cội nguồn gắn với ca khúc Áo mùa đông, nhóm biết được thông tin "chiếc áo trấn thủ" là vật biểu trưng cho tình quân dân, tình đoàn kết dân tộc, tình của hậu phương dành cho chiến sĩ cách mạng nơi tiền tuyến.
Phần biểu diễn khiến khán giả xúc động.
Lấy cảm hứng từ vật dụng biểu tượng này cho tiết mục, Duy Khánh, Bùi Công Nam, Thanh Duy, Thiên Minh mong muốn đại diện cho người trẻ để thể hiện lòng yêu nước, tình cảm hậu phương dành cho quân dân, lòng biết ơn sâu sắc đến sự hy sinh của cha ông đã hy sinh nơi chiến trường để mang lại hòa bình cho dân tộc.
“Chúng ta đều là người Việt Nam kiên cường, bất khuất. Chúng ta đang thừa hưởng sự tự do, điều tuyệt vời mà ông cha ta đã hy sinh để mang lại”, thủ lĩnh Duy Khánh chia sẻ trên sân khấu.
Thanh Duy tiếp tục mang chất liệu văn hóa truyền thống vào bản mashup. Với lối hát đặc trưng cải lương Nam bộ, anh tài lấy nước mắt khán giả với phần ngâm thơ: "Đông về nhớ bạn tòng chinh/Tự tay đan áo tỏ tình mến yêu/Ai ơi bầu bạn sớm chiều/Khuyên nhiều chiến sĩ lập nhiều chiến công".
Trước đó, khi nhận bản mashup Trở về & Áo mùa đông, nhóm lo lắng vì đây là ca khúc khó làm mới, không phổ biến. Việc nắm giữ mấu chốt để làm mới, tạo tác phẩm dành cho khán giả là điều khó.
"Chúng tôi gần như bế tắc, đi vào ngõ cụt. Trước đó không ai dám nhận bài hát vì các anh trai không hình dung được ca khúc sẽ thế nào khi được dựng trên sân khấu", thủ lĩnh Duy Khánh nói.
Sau cùng, nhà Xương rồng nhận cái kết đẹp khi vượt 6 nhóm còn lại, đứng đầu Công diễn 1.
Trên mạng xã hội, khán giả chia sẻ nhiều về phần trình diễn của nhóm Xương rồng. Tiết mục tôn vinh người lính, phong trào Mùa đông binh sĩ, hình ảnh chiếc áo trấn thủ có ý nghĩa quan trọng khi phát sóng vào ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.
Theo Tiền Phong