Bắp cải là một loại rau rất phổ biến trong chế độ ăn hàng ngày, được biết đến với nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhất là là trong việc cung cấp vitamin C, chất xơ và các chất chống oxy hóa. Nhưng có những bệnh cần hạn chế sử dụng bắp cải trong bữa ăn.
Một trong những lý do chính để người bệnh thận cần hạn chế hoặc tránh ăn bắp cải là lượng kali cao trong loại rau này. Kali là một khoáng chất cần thiết cho cơ thể, nhưng nếu chức năng thận bị suy giảm, cơ thể không thể bài tiết kali một cách hiệu quả. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tăng kali huyết - một tình trạng nguy hiểm có thể gây rối loạn nhịp tim. Bệnh nhân suy thận cần đặc biệt chú ý đến lượng kali trong chế độ ăn uống để ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến tăng kali huyết.
Bắp cải, đặc biệt là khi ăn sống hoặc chưa qua chế biến, có thể chứa một lượng kali đáng kể. Một bát bắp cải sống chứa khoảng 350-400 mg kali, trong khi nhu cầu kali hàng ngày đối với bệnh nhân suy thận có thể chỉ vào khoảng 1500-2000 mg, tùy thuộc vào mức độ suy thận của từng người. Việc ăn bắp cải quá nhiều có thể dễ dàng vượt quá lượng kali cho phép, gây áp lực lên thận và làm tăng nguy cơ các biến chứng.
Bên cạnh đó, bắp cải cũng chứa các oxalate, hợp chất có thể kết hợp với canxi trong cơ thể tạo thành các tinh thể canxi oxalate, gây ra sỏi thận. Mặc dù nghiên cứu về oxalate trong bắp cải vẫn chưa hoàn toàn thống nhất, nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều oxalate có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận, nhất là ở những người có vấn đề về thận. Theo các chuyên gia từ American Society of Nephrology, bệnh nhân có tiền sử sỏi thận nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm giàu oxalate để giảm nguy cơ tái phát.Người bệnh thận cần thận trọng khi tiêu thụ bắp cải vì cả hai yếu tố: Lượng kali cao và khả năng tạo sỏi thận. Để bảo vệ sức khỏe thận, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn phù hợp.