Nhật thực vừa rồi tại Bắc Mỹ có thể coi là sự kiện "trăm năm có một" với thời gian dài lịch sử cũng như số lượng người xem kỷ lục. Hấp dẫn là vậy, nhưng có vẻ như không phải ai cũng quan tâm đến hướng dẫn an toàn trong khi quan sát hiện tượng kỳ thú này, bao gồm việc đeo kính bảo hộ mắt.
Bằng chứng là số liệu trên Google Xu hướng chỉ ra lượt tìm kiếm cho các cụm từ liên quan đến đau mắt trong tiếng Anh như "eyes hurt" hay "my eyes hurt" tăng vọt cùng lúc nhật thực diễn ra, khoảng 11h sáng giờ Thái Bình Dương. Các cụm từ tìm kiếm liên quan đạt đỉnh vào khoảng 1 tiếng sau đó.
Một số cụm từ tìm kiếm nổi bật trong thời gian này ở Mỹ gồm có "can I look at the sun" (tôi có thể nhìn vào Mặt trời không?" hoặc "solar eclipse no glasses" (không đeo kính xem nhật thực). Thậm chí trên mạng xã hội X, cụm từ "MY EYES" (Ôi mắt tôi) còn chiếm xu hướng với khoảng 100.000 bài đăng.
Một điều thú vị là Google Xu hướng có bản đồ cho các khu vực tìm kiếm tăng cao đối với những cụm từ trên. Không có gì ngạc nhiên, các bang như Maine, Rhode Island, Pennsylvania, hay Texas - những nơi mà nhật thực đi qua - có lượt tìm kiếm cao nhất.
Quan sát nhật thực bằng mắt thường nguy hiểm ra sao?
Theo Cung thiên văn Adler, việc xem nhật thực mà không có kính bảo hộ thích hợp có thể dẫn đến tổn thương mắt không thể phục hồi chỉ trong vòng vài giây, chưa kể mắt người thiếu các đầu dây thần kinh để ghi nhận cơn đau khi nó xảy ra để cảnh báo. Hơn nữa, đồng tử sẽ giãn ra khi nhật thực xảy ra, khiến nhiều tia có hại lọt vào mắt hơn so với một ngày nắng bình thường.
Kính râm thông thường, thậm chí cả loại kính râm rất tối, đều không an toàn khi xem nhật thực.
Trong lần nhật thực năm 2017, một phụ nữ ở New York bị mờ mắt và có đốm đen vĩnh viễn sau khi nhìn thẳng vào nhật thực.
Cô nói với các bác sĩ rằng ban đầu cô nhìn vào Mặt trời trong nhật thực suốt 6 giây, sau đó cô mượn một cặp kính mà cô tưởng là kính nhật thực và nhìn lên mặt trời trong 15 đến 20 giây nữa. Bệnh nhân quan sát nhật thực bằng cả hai mắt. 6 tuần sau nhật thực, cô vẫn nhìn thấy những đốm đen ở mắt trái.
Nia Payne, 26 tuổi, nói với CNN vào thời điểm đó: “Thật đáng xấu hổ. Mọi người sẽ cho rằng tôi là một trong số những người cứ nhìn chằm chằm vào Mặt trời hoặc không kiểm tra kính bảo hộ. Đó là điều mà tôi phải chung sống đến hết cuộc đời. Nhưng nó có thể còn tồi tệ hơn rất nhiều, và tôi cố gắng nghĩ là mình vẫn còn may".
Các bác sĩ chẩn đoán Payne mắc một trường hợp bệnh võng mạc mặt trời cấp tính hiếm gặp xảy ra khi võng mạc của mắt bị tổn thương nghiêm trọng do nhìn thẳng vào mặt trời.
Bệnh võng mạc mặt trời cấp tính là do độc tính quang hóa khi ánh sáng có thể làm hỏng võng mạc và các cấu trúc bên dưới. Theo NCBI, mặc dù mắt có một số cách để tự bảo vệ khỏi những tổn thương như vậy nhưng một số tiếp xúc nhất định với ánh sáng vẫn có thể dẫn đến tổn thương tạm thời hoặc vĩnh viễn.