Lương chưa tăng, giá điện nước đã tăng

10/05/2023 11:12

Tăng lương để bù đắp những khó khăn cho người lao động là hợp lý. Nếu ổn định được mặt bằng giá cả thì tăng lương mới có ý nghĩa thực sự.

Việc tăng lương tối thiểu đã được cơ quan chức năng tính toán từ nhiều năm trước nhưng vì dịch bệnh, điều kiện kinh tế chưa cho phép nên không thể thực hiện.

Thực tế cho thấy, mỗi lần có thông tin về việc tăng lương thì gần như ngay lập tức, mặt bằng giá cả thị trường lại leo thang và số tiền lương được tăng nhiều khi không đủ bù trượt giá. Ảnh minh họa, ảnh: Hoàng Hà

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, các đại biểu mới thảo luận và cho ý kiến về phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở. Cuối cùng, phương án được đưa ra là sẽ tăng từ 1/7/2023 với mức tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng/tháng. Thông tin về việc tăng lương mang đến niềm vui cho đông đảo người lao động.

Bên lề kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, việc tăng lương cần được triển khai kịp thời để hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc sau đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, những lo lắng lương tăng thì giá cả cũng tăng lại trở thành hiện thực.

Nghe thì có vẻ nghịch lý, nhưng thực tế cho thấy, mỗi lần có thông tin về việc tăng lương thì gần như ngay lập tức, mặt bằng giá cả thị trường lại leo thang và số tiền lương được tăng nhiều khi không đủ bù trượt giá.

Lần này cũng không là ngoại lệ, tháng 7 mới tăng lương nhưng do nhiều yếu tố khách quan tác động ít nhất giá điện đã tăng, giá nước cũng sắp tăng.

Ngày 27/4/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Cụ thể, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) được áp dụng từ 4/5/2023.

Mức điều chỉnh này tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Thật ra việc tăng giá điện, ngành này đã rục rịch từ lâu. Ngày 1/3/2023, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN. Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Điều này cũng dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN năm 2022 lỗ tới hơn 26.462 tỷ đồng.

Hà Nội lại cũng vừa có kế hoạch tăng giá nước sạch. Sở Tài chính Hà Nội có tờ trình gửi UBND Hà Nội đề xuất về phương án điều chỉnh giá nước sinh hoạt trên địa bàn.

Theo tờ trình, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024; từ 10-20m3 (hộ/tháng) tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; từ 20-30m3 (hộ/tháng) tăng từ 8.669 đồng/m3 lên lần lượt mức 12.000 đồng/m3 và 16.000 đồng/m3.

Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 nếu sử dụng trên 30m3/hộ/tháng.

Giá điện, nước tăng sẽ tạo áp lực lên mặt bằng giá cả, đẩy các mặt hàng khác tăng theo dù Chính phủ sẽ trình Quốc hội việc giảm thuế giá trị gia tăng.

Các yếu tố lớn ảnh hưởng đến lạm phát năm 2023 có nhiều điểm đáng quan tâm. Giá hàng hóa và dịch vụ năm 2023 chịu áp lực từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội làm cho tổng cầu tăng đột biến, trong khi đứt gãy chuỗi cung ứng chưa được khắc phục; áp lực lạm phát chi phí đẩy trong bối cảnh USD tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu; khi USD tăng giá do Fed tăng lãi suất sẽ gây nên áp lực tăng tỷ giá hối đoái giữa VND và USD...

Tăng lương để bù đắp những khó khăn cho người lao động là hợp lý. Nếu ổn định được mặt bằng giá cả thì tăng lương mới có ý nghĩa thực sự.

Bài liên quan
  • EVN muốn tăng giá điện: Lúc nào và bao nhiêu?
    Trước đề xuất tăng giá điện của EVN, chuyên gia cho rằng không thể hạch toán được giá thành điện để điều chỉnh theo cường độ nhanh, chu kỳ ngắn như giá xăng; cũng cần công khai, minh bạch chi phí...
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lương chưa tăng, giá điện nước đã tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO