“Đông, nhưng già”
Là siêu cường quân sự hàng đầu thế giới, Lục quân Mỹ sở hữu số lượng trực thăng quân sự đông đảo. Theo bảng thống kê của Tạp chí quân sự The Military Balance năm 2022, Lục quân Mỹ hiện sở hữu khoảng hơn 700 trực thăng tấn công AH-64 Apache các phiên bản; 2.200 trực thăng vận tải đa dụng UH-60 Black Hawk; 450 trực thăng hạng nặng CH-47 Chinook và hàng trăm máy bay trực thăng hạng nhẹ khác cho nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Lục quân Mỹ đã mở rộng đáng kể quy mô của các đơn vị trực thăng quân sự trong các cuộc xung đột và chiến tranh từ giữa thế kỷ 21. Chính vì thế, qua nhiều giai đoạn phát triển và điều chỉnh chiến lược quốc phòng, các đơn vị trực thăng quân sự của Lục quân Mỹ đã già cỗi và phải kéo dài niên hạn sử dụng trong nhiều năm. Nhiều đơn vị trực thăng quân sự của Lục quân Mỹ đã phục vụ kéo dài hơn 40 năm và tình trạng kỹ thuật của chúng ẩn chứa nhiều nguy cơ khi phải tiếp tục phục vụ. Điều này giúp lý giải cho hàng loạt vụ tai nạn trực thăng diễn ra thời gian qua.
Sở hữu số lượng trực thăng quân sự đông đảo, nhưng Lục quân Mỹ đang phải tìm phương án kéo dài niên hạn phục vụ của các đơn vị trực thăng hiện có, trong đó có nhiều loại đã phục vụ trên 40 năm. |
Vấn đề hiện tại của Lục quân Mỹ chính là không đủ nguồn lực để duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị trực thăng hiện có cho tới khi được tiếp nhận thế hệ trực thăng quân sự mới trong những năm 2030. Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, tướng James McConville đánh giá: “Các đơn vị trực thăng Apache và Black Hawk sẽ tiếp tục phục vụ trong vòng 30-40 năm tới. Quy định này cũng áp dụng với dòng trực thăng hạng nặng CH-47 Chinook. Chúng sẽ bị loại biên vào năm 2060 và chuyển vào viện bảo tàng tương tự như những người tiền nhiệm UH-1 Huey, OH-58 Kiowa Warrior và AH-1 Cobra”.
Để giải quyết vấn đề trực thăng quân sự cũ, ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn, Thiếu tướng Lục quân Mỹ, Mac McCurry cho rằng, trong tương lai, quy mô của các đơn vị trực thăng sẽ được tinh giản với sự kết hợp giữa các đơn vị trực thăng cũ đang phục vụ và các loại trực thăng thế hệ mới. Lầu Năm Góc đang đầu tư vào nhiều chương trình phát triển trực thăng tương lai và một số mẫu đã bước vào giai đoạn tiền sản xuất.
Thay thế “Diều hâu đen”
Một trong những chương trình quan trọng trong tương lai gần của Lục quân Mỹ chính là tìm ra dòng trực thăng mới thay thế các đơn vị UH-60 Black Hawk với tên gọi Future Long Range Assault Aircraft (tạm dịch: Máy bay tấn công tầm xa tương lai). Năm 2019, các hãng chế tạo Sikorsky, Boeing và Bell Textron đã tham gia gói thầu phát triển trực thăng mới dành cho Lục quân Mỹ. Tới tháng 12 cùng năm, mẫu trực thăng lưỡng thể V-280 Valor của Bell Textron đã giành chiến thắng chung cuộc.
Nguyên mẫu trực thăng lưỡng thể V-280 Valor. |
Về thiết kế, V-280 Valor là sự kết hợp giữa trực thăng và máy bay cánh cố định đa nhiệm vụ. Thiết kế này có nhiều nét tương đồng với dòng máy bay V-22 Osprey của Thủy quân lục chiến Mỹ. Trong các bài thử nghiệm, mẫu V-280 Valor đáp ứng tốt các yêu cầu của Lục quân Mỹ. Đặc biệt, ở chế độ cánh cố định, máy bay có thể đạt tốc độ tới 560km/giờ. Nếu đưa vào trang bị, nó sẽ là mẫu trực thăng quân sự có tốc độ bay nhanh nhất thế giới.
Phạm vi hoạt động của V-280 Valor lên tới 4.000km, gần gấp đôi so với người tiền nhiệm “Diều hâu đen” UH-60 Black Hawk. Máy bay có thể chở theo 11 binh sĩ trong các nhiệm vụ chiến đấu.
AH-64 Apache sẽ được thay thế bởi loại máy bay nào?
Cùng với dòng trực thăng lưỡng thể V-280 Valor, Lục quân Mỹ cũng đang phát triển dòng trực trăng trinh sát - tấn công mới để thay thế các đơn vị AH-64 Apache và OH-58 Kiowa sắp bị loại biên.
Chương trình đầy tiềm năng này với tên gọi Future Attack Reconnaissance Aircraft (tạm dịch: Máy bay trinh sát tấn công tương lai) đã xác định 2 ứng cử viên chiến thắng trong năm 2020 với các nguyên mẫu Bell 360 Invictus của Bell Textron và Raider X của liên doanh Sikorsky/Lockheed Martin.
Hình ảnh của trực thăng tấn công - trinh sát tương lai Bell 360 Invictus. |
Dự kiến, nguyên mẫu Bell 360 Invictus sẽ có chuyến bay thử nghiệm trong năm 2023 với nhiều tính năng đáng nể như: Tốc độ bay tối đa đạt tới hơn 300km/giờ. Trang bị động cơ turbin trục mạnh mẽ hơn 50% so với mẫu trang bị trên trực thăng Apache. Đặc biệt, Bell 360 Invictus sẽ có khả năng tàng hình với thiết kế khí động học đặc trưng, áp dụng nhiều vật liệu composite trong chế tạo và khoang vũ khí giấu trong thân máy bay.
Cũng trong năm 2023, nguyên mẫu Raider X có khả năng sẽ xuất hiện dựa trên máy bay trực thăng thử nghiệm công nghệ Sikorsky X2. Thiết kế cánh quạt động trục đặc biệt giúp máy bay hoạt động ổn định ở độ cao thấp và tăng tốc mạnh mẽ nhờ kết cấu cánh quạt đuôi độc đáo. Căn cứ vào thông tin được công bố, Raider X có thể đạt tốc độ tối đa tới 460km/giờ và trần bay đạt 3km.
Nguyên mẫu trực thăng Sikorsky X2. |
Điểm đặc biệt là Raider X mang đầy đủ tính năng của trực thăng tấn công hiện đại là khả năng bay treo và cơ động linh hoạt trên không với các hệ thống vũ khí hàng không hiện đại.
Kéo dài niên hạn sử dụng các đơn vị trực thăng hiện có
Ngoài việc đẩy mạnh phát triển trực thăng mới, vấn đề cấp thiết hiện tại của Lục quân Mỹ là duy trì khả năng hoạt động của các đơn vị trực thăng hiện có thông qua các gói nâng cấp để đối phó với các mối nguy cơ đến từ vũ khí phòng không hiện đại, đặc biệt là tên lửa phòng không vác vai.
Cụ thể, trong năm tài khóa 2024, các đơn vị trực thăng Lục quân Mỹ sẽ nhận được gói tài chính bổ sung để tăng cường khả năng sống sót, tăng cường giáp bảo vệ, hệ thống đối kháng điện tử và phòng thủ trên không.
Trước khi được tiếp nhận các dòng trực thăng mới, hiện Lục quân Mỹ phải bảo đảm khả năng hoạt động ổn định và an toàn các phi đội trực thăng hiện tại thông qua những gói nâng cấp kéo dài vòng đời phục vụ. |
Theo đó, trực thăng tấn công Apache và trực thăng UH-60 Black Hawk sẽ được nâng cấp động cơ mới. Trên trực thăng Apache, hãng chế tạo Boeing sẽ thử nghiệm tích hợp thêm giá treo vũ khí mới dưới thân. Ngoài ra, hệ thống pháo hàng không 30mm cũng được nâng cấp để cải thiện khả năng bắn chính xác hơn trong môi trường tác chiến phức tạp.
Trực thăng đa nhiệm UH-60 Black Hawk sẽ được Sikorsky/Lockheed Martin nâng cấp hệ thống điện tử trên khoang tích hợp trí tuệ nhân tạo để giải phóng thao tác của phi công. Còn trực thăng hạng nặng CH-47 Chinook sẽ được nâng cấp hệ thống cánh quạt mới để tăng tải trọng cất cánh hữu ích. Đó là những chương trình nâng cấp đầy tiềm năng. Vấn đề còn lại chỉ là chúng sẽ tìm được nguồn tài chính từ đâu, khi ngân sách quốc phòng của Mỹ trong vài năm qua liên tục tăng mạnh.
TUẤN SƠN (theo RIAN, Topwar)