Loạt máy bộ đàm vừa phát nổ ở Liban có thể là hàng giả, nhái thương hiệu Nhật Bản

19/09/2024 08:19

Bộ truyền thông Liban cho biết các máy bộ đàm vừa phát nổ hàng loạt là do công ty ICOM của Nhật Bản sản xuất. Tuy nhiên, công ty này phản hồi rằng các thiết bị đó là hàng giả do mẫu máy của họ đã ngừng sản xuất từ lâu.

Chú thích ảnh
Hình ảnh được cho là một máy bộ đàm vừa phát nổ ở Liban, trong làn sóng tấn công phá hoại thứ hai liên tiếp nhằm vào các thành viên Hezbollah. Ảnh: X

Bộ Truyền thông Liban cho biết các thiết bị bộ đàm phát nổ, tiếp sau làn sóng nổ máy nhắn tin, là một mẫu máy đã ngừng sản xuất của công ty ICOM ở Nhật Bản.

Bộ trên nói rằng các máy bộ đàm IC-V82 không được cung cấp bởi một đại lý chính thức, không được chính quyền cấp phép và chưa được các cơ quan an ninh kiểm tra.

Trong khi đó, trên trang web của mình, nhà sản xuất ICOM cho biết mẫu bộ đàm IC-V82 đã ngừng sản xuất và hầu hết các máy đang lưu hành hiện nay đều là hàng giả.

Một phân tích của CNN phát hiện ra rằng các bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội vào ngày 18/9, cho thấy một số thiết bị đã phát nổ, có dấu hiệu giống với mẫu IC-V82.

Một giám đốc bán hàng tại công ty con tại Mỹ của nhà sản xuất bộ đàm Nhật Bản ICOM nói với hãng tin AP rằng các thiết bị vô tuyến phát nổ ở Liban có vẻ là hàng nhái và không phải do ICOM sản xuất.

"Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng chúng không phải là sản phẩm của chúng tôi", ông Ray Novak, giám đốc bán hàng cấp cao bộ phận vô tuyến nghiệp dư của Icom America, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 18/9 tại một hội chợ thương mại ở Providence, Rhode Island.

Xem video loạt máy bộ đàm phát nổ ở Liban (Nguồn: Timesofisrael)

Ông Novak nói rằng ICOM đã giới thiệu mẫu bộ đàm hai chiều V82 cách đây hơn hai thập kỷ và đã ngừng sản xuất từ ​​lâu. Ông cho biết sản phẩm này được các nhà điều hành bộ đàm nghiệp dư ưa chuộng và sử dụng trong các hoạt động liên lạc xã hội hoặc khẩn cấp, bao gồm cả những người theo dõi lốc xoáy hoặc bão.

Novak cũng cho biết ông đã mất cả ngày để trả lời các cuộc gọi và cố gắng bác bỏ thông tin sai lệch về thiết bị đã ngừng sản xuất của ICOM. Ông đã trực tiếp cho một phóng viên xem trên điện thoại di động của mình về việc tìm thấy các phiên bản giả mạo của sản phẩm bộ đàm V82 được bán trực tuyến dễ dàng như thế nào.

Trước đó, ngày 18/9, loạt máy bộ đàm của các thành viên Hezbollah lại phát nổ tại nhiều khu vực ở miền Nam Liban, ngoại ô Beirut và Thung lũng Bekaa, chỉ một ngày sau khi hàng loạt máy nhắn tin của nhóm này phát nổ trên khắp đất nước, khiến 12 người chết, bao gồm 2 trẻ em, và gần 3.000 người bị thương.

Bộ Y tế Liban cho biết, trong loạt vụ nổ mới, có 20 người thiệt mạng và 450 người bị thương.

Một trong những vụ nổ ngày 18/9 còn xảy ra gần lễ tang của những nạn nhân đã thiệt mạng từ hôm trước. Một phóng viên của Reuters tại Beirut chứng kiến các thành viên Hezbollah gấp rút tháo pin ra khỏi những máy bộ đàm chưa phát nổ và vứt bỏ chúng. Một nguồn tin an ninh cho biết, Hezbollah đã mua các máy bộ đàm này cách đây 5 tháng, cùng thời điểm họ mua máy nhắn tin. Theo các nguồn tin từ Liban, cơ quan tình báo Israel Mossad đã gài thuốc nổ bên trong các thiết bị này nhiều tháng trước. Hiện tại, quân đội Israel chưa có phản hồi nào về cáo buộc này.

Hôm 18/9, nhà sản xuất máy nhắn tin ở Đài Loan (Trung Quốc) Gold Apollo đã phủ nhận việc sản xuất các máy nhắn tin phát nổ hàng loạt trước đó một ngày tại Liban. Gold Apollo cho biết các thiết bị này được sản xuất theo giấy phép nhượng quyền của một công ty có tên là BAC, đặt trụ sở tại thủ đô Budapest của Hungary.

Trong khi đó, cùng ngày 18/9 Hezbollah tuyên bố đã tấn công các vị trí pháo binh của Israel bằng tên lửa, đánh dấu đợt tấn công đầu tiên kể từ khi các vụ nổ xảy ra. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng nổ ra một cuộc chiến quy mô lớn tại Trung Đông.

Quân đội Israel xác nhận còi báo động vang lên nhiều lần ở miền Bắc nước này, nhưng không có báo cáo thiệt hại hay thương vong. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết, chiến sự đang tập trung về phía Bắc, khu vực giáp Liban và đã điều thêm lực lượng quân đội cùng nguồn lực đến đây.

Hiện chưa có thông tin về thời điểm Hezbollah tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa mới nhất, nhưng thông thường nhóm này sẽ thông báo về các cuộc tấn công như vậy ngay sau khi thực hiện, tức họ đã bắn vào các vị trí pháo binh của Israel hôm 18/9.

Hezbollah, lực lượng ủy nhiệm mạnh nhất của Iran tại Trung Đông, tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ Hamas ở Gaza và Israel nên chờ phản ứng đối với "vụ tấn công thảm khốc" máy nhắn tin khiến các chiến binh của họ và nhiều người khác bị thương hoặc tử vong. Một quan chức Hezbollah cho biết vụ nổ máy nhắn tin là "vụ xâm phạm an ninh lớn nhất" trong lịch sử của nhóm này.

Theo baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/the-gioi/loat-may-bo-dam-vua-phat-no-o-liban-co-the-la-hang-gia-nhai-thuong-hieu-nhat-ban-20240919072300017.htm
Copy Link
https://baotintuc.vn/the-gioi/loat-may-bo-dam-vua-phat-no-o-liban-co-the-la-hang-gia-nhai-thuong-hieu-nhat-ban-20240919072300017.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Loạt máy bộ đàm vừa phát nổ ở Liban có thể là hàng giả, nhái thương hiệu Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO