Biến đổi khí hậu vẫn đang là bài toán khó của nhân loại, khi nó ngày càng ảnh hưởng sâu rộng và khiến nhiều giống loài đối mặt nguy hiểm.
"Nạn nhân" mới nhất của biến đổi khí hậu là loài rêu quý hiếm Takakia (tên khoa học: Takakiophytina), chỉ được tìm thấy trên cao nguyên Tây Tạng - nơi mệnh danh là "nóc nhà của thế giới".
Được biết, chi Takakia chỉ bao gồm 2 loài, và chúng đã tiến hóa qua hàng trăm triệu năm để sống sót trong môi trường có độ cao lớn, luôn bao phủ trong sương giá và bức xạ tia cực tím cao.
Takakia thậm chí có thể được tìm thấy trong các hóa thạch 165 triệu năm tuổi ở khu vực Nội Mông.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng chúng có số lượng gen tiến hóa cao nhất được biết đến dưới sự chọn lọc tích cực, và có thể đã tiến hóa từ cách đây 390 triệu năm.
Mặc dù vậy, chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng đã tác động đáng kể đến môi trường sống tự nhiên của loài này.
Yếu tố quan trọng nhất tác động tới rêu Takakia chính là nhiệt độ. Theo đó, loài rêu này đối phó với sự gia tăng nhiệt độ kém hiệu quả hơn các loài khác.
Kể từ khi các phép đo bắt đầu vào năm 2010, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nhiệt độ trung bình tăng gần nửa độ C mỗi năm tại khu vực cao nguyên Tây Tạng, nơi loài rêu quý hiếm Takakia sinh sống. Đồng thời, các sông băng gần đó cũng bị rút mất gần 50 mét mỗi năm do sự tan chảy.
Trước sự thay đổi này của môi trường, quần thể Takakia đã trở nên nhỏ hơn đáng kể trong thời gian nghiên cứu. Đây là sự đối nghịch, trong khi đa số các loài thực vật khác trong khu vực được hưởng lợi từ sự nóng lên.
Các nhà nghiên cứu lo ngại xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong bối cảnh biến đổi khí hậu vẫn chưa có dấu hiệu bị kiểm soát.
Việc nghiên cứu loài rêu này có thể mang đến những kiến thức quý giá cho nhân loại. "Takakia đã chứng kiến những con khủng long đến và đi. Nó có trên Trái Đất rất lâu từ trước khi con người xuất hiện", GSTS. Ralf Reski từ Đại học Freiburg chia sẻ.
"Điều này khiến Takakia trở thành một hóa thạch sống thực sự, và chúng ta cần bảo vệ chúng".