Lô cốt án ngữ nhiều năm, người dân TPHCM chật vật di chuyển đến bao giờ?

Hoàng Hướng và Tâm Linh| 04/01/2024 13:00

Nhiều tuyến đường tại TPHCM ngổn ngang bởi các lô cốt án ngữ nhiều năm đến nay vẫn chưa hoàn thành. Người dân tại các khu vực này mong sớm thoát cảnh khói bụi, kẹt xe.

Những ngày đầu năm 2024, ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại các tuyến đường Lương Định Của (TP Thủ Đức), Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) và cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, các lô cốt công trình vẫn đang tồn tại, ảnh hưởng đến giao thông khu vực cũng như cuộc sống của người dân.

Lô cốt án ngữ nhiều năm, người dân TPHCM chật vật di chuyển đến bao giờ? - 1

Công trường xây hầm chui tại giao lộ Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện là dự án giảm ùn tắc và xung đột giao thông cho khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Lô cốt "bất ổn"

Tại đường Lương Định Của (TP Thủ Đức), nhiều năm nay người dân tại khu vực này phải sống chung với dãy lô cốt của công trình xây dựng mở rộng tuyến đường này. Tuyến dài 2,5km được khởi công từ tháng 4/2015 và sang năm thứ 9 vẫn còn nhếch nhác, dang dở.

Dãy lô cốt chiếm một phần đường biến khu vực này thành nút thắt cổ chai. Mỗi ngày người dân lưu thông qua tuyến đây phải luồn lách giữa dòng ô tô tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Theo người dân, công trình này đã triển khai hơn 5 năm qua, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Thường xuyên di chuyển qua tuyến đường này, anh Lê Văn Long (40 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho biết, sau 18h khu vực này khá tối, lô cốt chắn đường gây cản trở cho di chuyển, xe máy và ô tô lưu thông chung một làn, trong khi đường hẹp rất dễ xảy ra tai nạn.

"Chưa kể, phía trước lô cốt khá khuất tầm nhìn, sợ nhiều phương tiện tạt ngang qua nên mỗi lần đi qua đây tôi đều phải căng mắt quan sát", anh Long nói.

Cũng ngay tại dự án này, hồi cuối tháng 9/2023, hàng chục hộ dân tại đường số 18 (nối đường Lương Định Của và Trần Não) nghe . Sáng hôm sau, người dân kiểm tra, bất ngờ phát hiện nhà bị sụt lún, tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt.

Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, xác định sự cố này do rô bốt khoan ngầm thuộc dự án Vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2 gây ra. Phía đơn vị chủ cho biết đây là và đã có những động thái khắc phục cho người dân.

Lô cốt án ngữ nhiều năm, người dân TPHCM chật vật di chuyển đến bao giờ? - 2

Loạt rào chắn trên đường Lương Định Của ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, nhất là vào lúc trời tối (Ảnh: Hoàng Hướng).

Tương tự, tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, gói thầu thi công hầm chui dự án đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) với vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng được khởi công cuối năm 2022, vẫn đang rào chắn.

"Tôi rất ủng hộ việc rào chắn để thi công, tuy nhiên dự án này nằm ở cửa ngõ quan trọng của sân bay nên vào giờ cao điểm ùn tắc thường xuyên xảy ra. Rất mong, chính quyền địa phương, đơn vị thi công sớm có giải pháp phù hợp, sớm hoàn thành công trình để người dân tiện bề di chuyển trong dịp Tết này", một người dân cho hay.

Trong khi đó, tại cửa ngõ phía nam thành phố, dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (đoạn quan địa phận quận 7 và huyện Bình Chánh) cũng được rào chắn. Vào giờ cao điểm các khu vực xung quanh thường xuyên xảy ra ùn ứ ảnh hưởng việc lưu thông của người dân.

Bao giờ gỡ rào chắn 3 công trình giao thông trọng điểm?

Về dự án hầm chui tuyến mở rộng đường nối Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện giảm ùn tắc cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban giao thông - chủ đầu tư) cho biết, dự kiến hoàn thành vào tháng 9 và đưa vào hoạt động từ tháng 12.

Lô cốt án ngữ nhiều năm, người dân TPHCM chật vật di chuyển đến bao giờ? - 3

Tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, lô cốt tại công trình dự án trên đường Trần Quốc Hoàn bị rào chắn khiến mật độ giao thông khu vực tăng cao (Ảnh: Hoàng Hướng).

Bên cạnh dự án mở rộng đường nối cửa ngõ Tân Sơn Nhất nói trên, còn dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) khởi công vào tháng 9/2020, tuy nhiên dự án vẫn chậm tiến độ do gặp nhiều khó khăn như dịch Covid-19, di dời hạ tầng kỹ thuật.

"Các đơn vị đang di dời hạ tầng kỹ thuật ở khu vực dự án. Sau đó sẽ thi công đồng loạt 2 nhánh hầm chui tại nút giao này. Dự kiến hoàn thành thông xe nhánh hầm HC2 trước ngày 30/4 và thông xe nhánh hầm HC1 vào cuối năm nay", đại diện Ban Giao thông (chủ đầu tư dự án) cung cấp thông tin.

Đồng thời, về việc mật độ phương tiện lưu thông qua khu vực thi công rất lớn, Ban Giao thông đã kiến nghị Phòng Cảnh sát giao thông đường sắt - đường bộ Công an TPHCM tiếp tục hỗ trợ điều tiết phương tiện giao thông.

Trong buổi lễ phát động đẩy nhanh thi công các công trình giao thông trọng điểm của thành phố ngày 30/12/2023, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đã khẳng định:

"Thành phố sẽ tập trung triển khai trong năm 2024 và hoàn thành đưa vào sử dụng trước 2 công trình đường nối Trần Quốc Hoàn giảm tải áp lực cho sân bay và nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ thông suốt khu Nam thành phố".

Lô cốt án ngữ nhiều năm, người dân TPHCM chật vật di chuyển đến bao giờ? - 4

Công trường dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ được kỳ vọng giảm ùn tắc giao thông tại khu vực phía Nam TPHCM (Ảnh: Nam Anh).

Đối với dự án đang "đứng hình" Lương Định Của ở TP Thủ Đức được chủ đầu tư là Ban Giao thông cung cấp thông tin, hiện đã thi công đạt khoảng 85% khối lượng công trình. Phần còn lại chưa được triển khai do vướng 4 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng trên đoạn đường 1,8km.

Tại họp báo tình hình kinh tế xã hội TPHCM cuối tháng 12/2023, ông Nguyễn Quang Chi, Phó Phòng Giao thông công chính UBND TP Thủ Đức, cho biết, địa phương sẽ thực hiện biện pháp hành chính sau Tết Nguyên đán đối với các mặt bằng bị vướng để giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công.

Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, việc rào chắn đường có nguy cơ gây ùn tắc giao thông trong những ngày cận Tết do nhu cầu di chuyển tăng cao của người dân. Sở GTVT sẽ phối hợp các đơn vị liên quan có những phương án phù hợp đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường cho người dân an tâm đón Tết.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải TPHCM, tính đến tháng 11/2023, toàn TPHCM có 69 vị trí rào chắn công trình (giảm 5 vị trí so với 9/2023) trên 28 tuyến đường, tập trung vào các cửa ngõ phía đông, phía nam thành phố.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lô cốt án ngữ nhiều năm, người dân TPHCM chật vật di chuyển đến bao giờ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO