Liên Xô liệu có bị tấn công bất ngờ trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại?

14/04/2025 14:27

Liên Xô liệu có bất ngờ khi phát xít Đức phát động chiến dịch quân sự Chiến dịch Barbarossa tấn công đồng loạt trên toàn bộ mặt trận phía Đông? Theo các thông tin được giải mật sau chiến tranh, Moscow thực tế đã dự tính về cuộc chiến gần như không thể tránh khỏi với phe Trục trong Thế chiến II.

Mọi nỗ lực của Liên Xô thời điểm đó là cố gắng kéo dài thời điểm bắt đầu chiến tranh tới năm 1942 để toàn bộ đất nước chuyển hoàn toàn sang trạng thái thời chiến. Tuy nhiên, phát xít Đức đã bắt đầu cuộc chiến trong năm 1941.

Ngay sau Cách mạng Tháng Mười thành công, Liên bang Xô viết đã bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thế giới mới, mà theo đánh giá của lãnh đạo Liên Xô là không thể tránh khỏi. Cuộc chiến tranh toàn diện với phương Tây tư bản được cho là tàn khốc, đẫm máu và không khoan nhượng. 

Theo học thuyết quân sự của Liên Xô, Hồng quân được cho là phải chống lại đòn tấn công đầu tiên của kẻ thù, đánh bại chúng trong các trận chiến biên giới, tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn và giành chiến thắng quyết định, qua đó đảm bảo "lao động hòa bình của đại gia đình nhân dân đa quốc gia". 

“Liên bang Xô viết sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào của kẻ thù bằng một đòn đánh nghiền nát bằng toàn bộ sức mạnh… Nếu lực lượng địch chiến đấu với chúng ta, Hồng quân Công nông sẽ là lực lượng chủ công mạnh nhất trong tất cả các đội quân. Chúng ta sẽ tiến hành chiến tranh theo hướng tấn công, đẩy chiến tuyến sang lãnh thổ kẻ thù. Các hoạt động chiến đấu của Hồng quân sẽ nhằm mục đích phá hủy, với mục tiêu đánh bại hoàn toàn kẻ thù”, “Sách trắng” của Hồng quân năm 1939 chỉ rõ.

Liên Xô không hề bất ngờ với âm mưu xâm lược của phát xít Đức khi Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại nổ ra. Ảnh: Sputnik 

Công tác chuẩn bị đã được tiến hành từ sớm

Đối với một đất nước như Liên Xô khi trải qua cuộc nội chiến tàn khốc và sự can thiệp của các thế lực nước ngoài, việc hiện đại hóa quân đội là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nhưng cũng rất khó khăn. Người ta chỉ có thể bắt đầu cải cách và tái vũ trang quân đội trên quy mô lớn nhờ vào quá trình công nghiệp hóa bắt đầu ở Liên Xô vào năm 1929. 

Chính vì những vấn đề kinh tế mà Hồng quân đã được xây dựng trong một thời gian dài theo nguyên tắc sử dụng lực lượng tại chỗ: Những người nhập ngũ được huấn luyện chiến đấu ngắn hạn gần nơi cư trú, trong khi số lượng quân nhân chuyên nghiệp rất ít. Vào nửa sau những năm 1930, quân đội được chuyển sang chế độ biên chế, cuối cùng được ghi nhận trong Luật Nghĩa vụ quân sự phổ thông năm 1939.  

Hồng quân với quân số 1,9 triệu người vào thời điểm trước Thế chiến II, đã tăng lên 5 triệu người vào thời điểm phát xít Đức xâm lược. Riêng số lượng sư đoàn đã tăng từ 98 lên 303. Việc tăng lực lượng quân sự dẫn tới thiếu sĩ quan và chất lượng chỉ huy có phần suy giảm. Ngoài ra, những vấn đề về nhân sự khiến quá trình cải tổ Hồng quân cũng gặp nhiều khó khăn. Trong số 5 nguyên soái đầu tiên của Hồng quân, chỉ có 2 người còn sống vào mùa xuân năm 1939. Đáng tiếc nhất là sự ra đi của Konstantin Rokossovsky, người được cho là “cha đẻ” của các học thuyết chiến tranh hiện đại được Hồng quân áp dụng rất thành công trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Trong những năm trước chiến tranh, Hồng quân được trang bị vũ khí với tốc độ chóng mặt. Từ năm 1939 đến năm 1941, số lượng xe tăng của Hồng quân tăng từ 10.000 lên 25.000, máy bay chiến đấu từ 5.000 lên 14.000 và pháo từ 34.000 lên 91.000. Trong số những vũ khí mới nhất được cung cấp cho quân đội có súng trường tự động Tokarev (SVT-40), súng tiểu liên Shpagin, sơn pháo 76mm, lựu pháo 122mm, xe tăng hạng trung T-34, xe tăng hạng nặng KV-2, máy bay chiến đấu Yak-1 và MiG-3, máy bay tấn công Il-2 và máy bay ném bom Pe-2. Tuy nhiên, đến mùa hè năm 1941, tỷ lệ trang thiết bị hiện đại trong Hồng quân vẫn rất thấp.

Về mặt đặc điểm chiến thuật và kỹ thuật, trang bị quân sự không quân của Liên Xô không hề thua kém các máy bay tương tự của Không quân Đức. Tuy nhiên, việc sản xuất chúng chỉ mới bắt đầu vào năm 1941, còn lại phần lớn trang bị đã lạc hậu.

Xe tăng trên đường ra tiền tuyến. Ảnh: Rian 

Không chỉ có trang bị, Hồng quân đã tích cực xây dựng các vị trí phòng thủ dọc biên giới Liên Xô. Vào năm 1928, mạng lưới các khu vực kiên cố ở Belarus, Ukraine, vùng Pskov và Karelia, sau này được gọi là "Phòng tuyến Stalin" đã được xây dựng.

Với chiều dài 1.835km, "Phòng tuyến Stalin" dài gấp đôi tuyến phòng thủ Maginot của Pháp, nhưng lại thiếu trang bị phù hợp. Ngoài ra, do tuyến phòng thủ quá dài, nên việc phối hợp tác chiến giữa các vị trí không thực sự hiệu quả.

Sau khi sáp nhập Tây Ukraine và Tây Belarus vào Liên Xô năm 1939, cũng như các quốc gia vùng Baltic vào năm 1940, biên giới Liên Xô đã được dịch chuyển hàng trăm km về phía Tây. Việc xây dựng "Phòng tuyến Stalin" đã bị dừng lại và các công trình phòng thủ đã bị bỏ hoang sau đó.

Tuy nhiên, những công trình này trong chiến tranh cũng góp phần ngăn chặn đà tiến của quân phát xít. Dựa vào công sự, những đơn vị Hồng quân đã kiên cường chiến đấu và cầm chân địch trong vài ngày, đây là thời gian quý giá để các đơn vị khác rút lui và tránh bị bao vây. Ví dụ, cụm cứ điểm phòng ngự Sebezh đã cầm cự được trong 10 ngày. Khu vực phòng thủ Karelia thậm chí trở thành một trong những điểm then chốt trong hệ thống phòng thủ của Leningrad cho tới khi chiến tranh kết thúc.

Kéo dài thời gian hòa bình lâu nhất có thể

Bất chấp sự chuẩn bị nhanh chóng của Liên Xô cho Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, điều mà không ai nghi ngờ là chắc chắn, thì phe phát xít đã có những hành động nhanh chóng và có phần chủ động trên chiến trường.

Dù vượt trội phát xít Đức về số lượng xe tăng và máy bay, Hồng quân thực sự trông rất ấn tượng, nhưng khả năng cơ động, công tác chỉ huy yếu kém đã khiến các đơn vị chiến đấu Liên Xô không thể hiệp đồng trong chiến đấu.

Trong giai đoạn đầu của chiến tranh, nhiều đơn vị Hồng quân chưa được huấn luyện chiến đấu phù hợp, chưa có tích lũy thực chiến và đang thiếu hụt trầm trọng sĩ quan chỉ huy cấp phân đội. Thêm vào đó là những vấn đề thảm khốc liên quan đến việc thiếu thông tin liên lạc vô tuyến trong quân đội, tổ chức công tác sở chỉ huy và chỉ huy quân đội kém.

Trong lịch sử không có từ "nếu như", nhưng cuộc chiến chống phát xít xảy ra vào năm 1942 sẽ rất khác. Ảnh: Rian 

Giới lãnh đạo Liên Xô nhìn chung đã nhận thức được các vấn đề còn tồn tại và tìm cách trì hoãn thời điểm nổ ra chiến tranh trong vòng 1 năm. Lực lượng biên phòng và quân nhân đồn trú tại biên giới được lệnh không “đầu hàng trước các hành động khiêu khích” của quân phát xít trong mọi tình huống.

Vào tháng 2-1941, trong một cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ Dân ủy Quốc phòng Kirill Meretskov, Tổng tư lệnh I. Stalin yêu cầu: “Tất nhiên, chúng ta sẽ không thể đứng ngoài cuộc chiến cho đến năm 1943. Chúng ta sẽ bị lôi kéo vào cuộc chiến trái với ý muốn. Nhưng có khả năng chúng ta chỉ có thể đứng ngoài cuộc chiến cho đến năm 1942”.

Vào năm 1942, Hồng quân có thể đã hoàn thành các kế hoạch tái tổ chức và tái vũ trang cho lục quân, không quân và hải quân, vốn đang diễn ra gấp rút vào mùa hè năm 1941. Liên Xô thực sự muốn cuộc chiến diễn ra muộn hơn, nhưng thực tế lịch sử chứng minh phát xít Đức không để điều đó diễn ra đúng kế hoạch…

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/nghe-thuat-quan-su-the-gioi/lien-xo-lieu-co-bi-tan-cong-bat-ngo-trong-chien-tranh-ve-quoc-vi-dai-823871
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/nghe-thuat-quan-su-the-gioi/lien-xo-lieu-co-bi-tan-cong-bat-ngo-trong-chien-tranh-ve-quoc-vi-dai-823871
    Nổi bật
        Mới nhất
        Liên Xô liệu có bị tấn công bất ngờ trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO