Lên án hành vi nhân danh cảm xúc cá nhân để hùa nhau tấn công, bắt nạt tập thể

26/08/2023 00:50

Theo các chuyên gia, hoạt động của các nhóm tẩy chay có thể mang đến nhiều hệ lụy, không chỉ cho người bị tẩy chay.

Ngày nay, sự ra đời của các hội nhóm trên mạng xã hội đã trở nên quen thuộc với người dùng mạng. Công nghệ đã giúp gắn kết những người dùng có chung sở thích, mối quan tâm hay mục tiêu. Từ các hội phụ huynh, hội học sinh, hội ẩm thực đến hội hâm mộ các thần tượng, thậm chí có cả những hội nhóm được lập ra để cùng ghét, tẩy chay một ai đó.

Nếu những hội nhóm này chỉ góp ý, phê bình có tính chất xây dựng thì một chừng mực nào đó, có thể là kênh tham khảo để người nổi tiếng thay đổi theo hướng tích cực. Nhưng thực tế, ngày càng có nhiều hội nhóm hành xử cực đoan, thiếu thiện chí, thậm chí có biểu hiện vi phạm pháp luật.

nah.jpeg
Hội anti Hoa hậu Ý Nhi

Bản chất hành vi tấn công vào cá nhân của các hội nhóm tẩy chay chính là bắt nạt trực tuyến. Sỉ nhục, xúc phạm, bịa đặt thông tin, bôi nhọ cá nhân đến mức vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý theo quy định. Thế nhưng, cũng có những hành vi, lời nói tuy chưa vi phạm pháp luật song lại mang tính sát thương cao.

Một số người sẽ lách luật để tránh việc bị xử phạt, ví dụ như không dùng tên thật hay nghệ danh chính thức của người bị công kích, thay vào đó đặt biệt danh riêng cho họ như "nữ hoàng đạo lý", "ông hoàng" hát dòng nhạc này, nhạc kia…

Họ cũng đánh lừa thuật toán lọc từ nhạy cảm của mạng xã hội bằng nhiều cách khác nhau. Câu hỏi đặt ra là tại sao họ quyết tâm tẩy chay một người đến vậy? Có phải chỉ xuất phát từ cảm xúc yêu ghét thông thường?

bat.jpeg
Các nhóm tẩy chay mang lại những tiêu cực

Quan sát hoạt động của các hội nhóm cho thấy, có những trang được tạo ra để thu hút người dùng tham gia càng đông càng tốt. Sau khi những câu chuyện nói xấu đối tượng lắng xuống, những kênh này chuyển thành kênh bán hàng, quảng bá sản phẩm với mục đích thương mại.

Trên thế giới, không ít diễn viên, ca sĩ nổi tiếng chịu nhiều tổn thương vì những hành động ác ý của hội nhóm tẩy chay, có người mất cả sự nghiệp, thậm chí tìm đến cái chết vì không chịu nổi áp lực từ cộng đồng mạng.

Yêu hay ghét quyền của mỗi người, nhưng việc nhân danh cảm xúc cá nhân để hùa nhau tấn công, bắt nạt tập thể với người khác là việc cần phải bị lên án. Mọi sự đúng – sai, tốt – xấu cần phải được đánh giá dựa trên các giá trị, chuẩn mực dựa trên quy định của Hội nghề nghiệp, quy định của pháp luật. Một xã hội nhân văn, ứng xử văn minh là khi mọi cá nhân đều được tôn trọng cho dù họ là ai, họ làm gì và ngay cả khi họ vấp phải sai lầm.

batnaja.jpeg
Việc bị tẩy chay còn mang lại sự độc hại cho cả người tấn công

"Nếu bạn là thành viên của một nhóm anti-fan, bạn có thể gặp những nguy cơ gì. Đầu tiên là về tâm lý. Khi bạn nói xấu người khác và quá quen với điều đó, rồi tạo thành văn hóa đi nói xấu người khác thì không ai thích người hay đi nói xấu người khác cả. Thứ hai là khi tham gia nhóm anti khiến bạn quen đào bới, dần mất lòng tin vào thế giới xung quanh, đó là sự tổn hại lòng tin với chính bạn", chuyên gia văn hóa truyền thông Nguyễn Đình Thành chia sẻ.

Năm 2020, Microsolf đã công bố kết quả khảo sát cho thấy Việt Nam đứng thứ 5 trên danh sách 25 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng, với rủi ro về việc bị xâm phạm, cư xử, rủi ro về tình dục và danh tiếng. Đây là con số đáng suy ngẫm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực xây dựng môi trường văn hóa số lành mạnh.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của một cá nhân đã được quy định trong luật an ninh mạng, luật hình sự, luật dân sự. Nhưng hơn hết, điều quan trọng vẫn là ý thức trách nhiệm và văn hóa ứng xử của mỗi người dùng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lên án hành vi nhân danh cảm xúc cá nhân để hùa nhau tấn công, bắt nạt tập thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO