Sáng ngày 8/3/2024, tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ đã diễn ra chương trình đồng diễn áo dài: “Tôi yêu áo dài Việt Nam”, đây là một trong những hoạt động nổi bật nhất trong khuôn khổ Lễ hội áo dài TP.HCM lần thứ 10 năm 2024.
Sự kiện quy tụ hơn 5.000 người gồm lãnh đạo TP.HCM, các sở ban ngành và đoàn thể, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ, các đại sứ Lễ hội Áo dài, văn nghệ sĩ và người dân TP.HCM tham gia chương trình đồng diễn.
Điểm mới của sự kiện đồng diễn áo dài năm nay là hoạt động múa đồng diễn của hơn 5.000 người do biên đạo Biên đạo múa Minh Nhật và nhóm múa Rex hướng dẫn.
Dịp này cũng diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 - Ngày hội của phụ nữ trên thế giới; biểu dương ý chí đoàn kết đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ, tiến bộ xã hội, vì mục tiêu bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ.
Lễ hội đã truyền cảm hứng, lan tỏa tình yêu áo dài Việt Nam đến nhân dân TP, kiều bào và khách du lịch quốc tế với thông điệp “Tôi yêu Áo dài Việt Nam”, bà Trân đánh giá.
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM nhìn nhận, qua 9 lần tổ chức, lễ hội Áo dài đã trở thành một trong những sự kiện thường niên, với sự đầu tư quy mô và đổi mới về nội dung.
“Với tinh thần Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và tinh thần khởi nghĩa Hai Bà Trưng quật khởi, lãnh đạo TP luôn kỳ vọng, tin tưởng phụ nữ TP.HCM sẽ luôn đoàn kết, sáng tạo cùng khát vọng vươn lên. Qua đó, phong trào phụ nữ sẽ ngày càng phát triển bền vững, góp phần cùng TP triển khai thắng lợi các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội", bà Trân tin tưởng.
Tiết mục văn nghệ khai mạc chương trình đồng diễn áo dài sáng ngày 8/3/2024.
Theo đó, sự kiện không chỉ tôn vinh giá trị của áo dài và giới thiệu hình ảnh TP.HCM sống động, chương trình đồng diễn áo dài còn là hoạt động tôn vinh vẻ đẹp thể chất và tâm hồn, ý chí bền bỉ nhưng cũng không kém dịu dàng của phụ nữ Việt Nam nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Sự kiện chào mừng kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Trong sắc màu rực rỡ của hàng ngàn tà áo dài thướt tha, rạng ngời.
Mong rằng chương trình đồng diễn cứ thế tiếp tục diễn ra hàng năm cũng như Lễ hội áo dài TP.HCM cũng là điểm nhấn truyền thống của TP.HCM mình, chị Châu chia sẻ.
Năm thứ 2 tham dự đồng diễn áo dài trên Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ, chị Vũ Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ P.15 Q.Phú Nhuận cảm nhận, năm nay chương trình diễn ra hoành tráng và sôi động hơn với sự góp mặt cùng hơn 5 ngàn hội viên phụ nữ đến từ các quận, huyện.
Dịp này chị em phụ nữ lại có cơ hội xúng xính trong tà áo dài, cùng nhau quy tụ về đây giao lưu trong không khí nhộn nhịp và tất nhiên tâm trạng ai nấy đều rất vui, phấn khởi trong một buổi sáng rộn ràng, vui vẻ như thế này.
Điểm mới của sự kiện đồng diễn áo dài năm nay là hoạt động múa đồng diễn của hơn 5.000 người.
Chương trình nhằm tôn vinh vẻ đẹp của áo dài trong đời sống thường ngày.
Cùng với sự đa dạng trang phục áo dài, truyền thống và áo dài cách tân, biến tấu...
Lễ hội nhằm tôn vinh vẻ đẹp của áo dài trong đời sống thường ngày thông qua sự đa dạng trong trang phục áo dài của người tham dự.
Tâm Như, học sinh lớp 10, THPT Lê Quý Đôn hào hứng cho hay, lần đầu tiên tham dự sự kiện, bọn em vô cùng bất ngờ vì không nghĩ nhiều áo dài đến vậy.
Cả phố đi bộ ngập tràn sắc màu rực rỡ tà áo dài của các dì, các cô… chương trình thật hoành tráng, ấn tượng..., Phương Linh góp lời.
Năm 2024 là năm đánh dấu kỷ niệm 10 năm lễ hội Áo dài là một thập kỷ đầy yêu thương và tự hào, đưa áo dài dân tộc ra thế giới, tạo nên tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy lễ hội phát triển hơn về quy mô, sáng tạo, độc đáo và tràn đầy sức sống, đem đến nét đẹp đặc trưng - nét đẹp áo dài - Sắc màu TP.HCM.
Lễ hội Áo dài TP.HCM năm 2024 với chủ đề "Tôi yêu Áo dài Việt Nam", diễn ra từ ngày 7 đến 17/3; gồm chuỗi các hoạt động diễn ra tại các địa điểm:
Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên Lam Sơn, Nhà Văn hóa Thanh niên, Bảo tàng Áo dài, Quảng trường QT4 (Công viên Bờ sông Sài Gòn Thủ Đức) và tại các di tích lịch sử, văn hóa, điểm du lịch nổi tiếng của TP.HCM.