Neuschwanstein được cho là lâu đài tạo nên nguồn cảm hứng của hãng phim Disneyland và các công viên Disneyland trên thế giới, khi hình ảnh của công trình đậm nét cổ tích này không chỉ gợi đến logo của hãng, mà còn là xuất hiện trong bộ phim nổi tiếng Cinderella (Lọ Lem) sản xuất năm 1950.
Sự tích ‘Vua Điên’ điển trai nhất nhì châu Âu
Được xây dựng vào thế kỷ 19, lâu đài Neuschwanstein nằm ở chân một ngọn đồi nằm dưới dãy Alps, thuộc vùng Schawangau, bang Baravia, Đức.
Chủ nhân của lâu đài này là Vua Ludwig Đệ nhị (Vua Ludwig II) của xứ Bavaria, nay là bang Bavaria (bang Bayern, nước Đức). Vô cùng đẹp trai với chiều cao đến 1,93m, tâm hồn bay bổng, yêu thích kiến trúc, âm nhạc, nghệ thuật, ông được dân chúng gọi là ‘Vua Thiên nga’ hay ‘Vua trong truyện cổ tích’. Trong giới quý tộc châu Âu lúc bấy giờ, không ai là không biết đến nét đẹp của vị vua trẻ tuổi này. Tuy nhiên, bên ngoài nước Đức, người ta gọi ông là ‘Vua Điên’ hay ‘Vua Điên Ludwig”.
Ảnh và tranh Vua Ludwig II với vẻ ngoài lãng tử, tuấn tú. (Ảnh: Wikipedia)
Ludwig II lên ngôi khi 19 tuổi nhưng hoàn toàn không có hứng thú với quyền lực và chính trị. Ông là người mơ mộng và hướng nội, không thích các hoạt động trước công chúng và tránh các sự kiện xã hội trang trọng bất cứ khi nào có thể, thích một cuộc sống ẩn dật để theo đuổi nhiều dự án sáng tạo khác nhau.
Vua Ludwig II không kết hôn và cũng không có nhân tình nào được biết đến trong suốt cuộc đời. Từ những bức thư riêng và các tài liệu để lại, có thể nhận thấy xu hướng tình dục đồng giới mạnh mẽ mà vị vua này cố gắng kiềm chế. Người bạn tri kỳ của ông là nhà soạn nhạc Richard Wagner, tài năng nhưng cũng ngông cuồng và đầy tai tiếng. Ludwig II thậm chí từng cân nhắc việc thoái vị để đi theo Wagner rời khỏi vương quốc của mình.
Dù sinh sống tại quần thể cung điện rộng lớn Munich Residenz ở Munich, nhưng tâm hồn tự do phóng khoáng luôn thôi thúc Vua Ludwig II thoát ra khỏi sự phồn hoa đô hội cùng những áp lực triều chính. Từ đó, ông cho xây dựng lâu đài Neuschwanstein, cũng là công trình ông dùng để vinh danh tri kỷ Richard Wagner.
Neuschwanstein – lâu đài phải đến một lần trong đời
Neuschwanstein là hiện thân của phong cách kiến trúc lãng mạn điển hình của thế kỷ 19, với những đường nét giúp công trình đẹp như tranh vẽ. Đích thân ông đã chọn địa điểm “linh thiêng và khó tiếp cận, là một trong những nơi đẹp nhất được tìm thấy”. Tuy chịu trách nhiệm thiết kế là 2 kiến trúc sư, nhưng mọi ý tưởng và sự kiểm soát đến từng chi tiết nhỏ của ‘Vua Điên’ đã khiến lâu đài được coi là công trình sáng tạo của riêng ông.
Ludwig II đã tự trả toàn bộ tiền xây dựng lâu đài này bằng tài sản cá nhân và vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau thay vì sử dụng công quỹ của xứ Bavaria. Được khởi công vào tháng 9/1869, Neuschwanstein chưa bao giờ thực sự hoàn thành toàn bộ như bản vẽ đưa ra. Tuy nhiên, vào năm 1882, lâu đài đã được trang bị đầy đủ tiện nghi, cho phép vị vua khác người có chỗ ở tạm để có thể giám sát việc xây dựng.
Cao 65m, 200 căn phòng lộng lẫy, tổng diện tích khoảng 6000m2, nhưng Neuschwanstein không có không gian cho việc triều chính mà gồm các phòng cho nhạc kịch, hòa nhạc và các phòng để giải trí và để ở.Chi phí xây dựng Neuschwanstein vào thời điểm đó lên tới 6,2 triệu mác vàng Đức (tương đương 47 triệu Euro vào năm 2021). Đến cuối đời, Vua Ludwig II nợ nần chồng chất vì dự án này, thậm chí còn doạ tự sát nếu các chủ nợ chiếm giữ lâu đài đang xây dang dở. Đây cũng là một phần lý do ông bị phế truất.
Lâu đài được dự định làm nơi ở riêng cho nhà vua nhưng ông qua đời vào năm 1886, khi chỉ được ở trong toà lâu đài chưa đúng 172 ngày. Lúc sinh thời, Vua Ludwig II chưa bao giờ có ý định để công chúng tiếp cận lâu đài, nhưng nó được mở cửa cho công chúng ngay sau khi ông qua đời để phần nào bù đắp các khoản nợ. Kể từ đó, hơn 61 triệu người đã đến thăm Lâu đài Neuschwanstein. Hơn 1,3 triệu người ghé thăm hàng năm, với con số lên tới 6.000 người mỗi ngày vào mùa hè.
Cách đơn giản để ghé thăm lâu đài trong mơ
Trong hơn 100 năm qua, Neuschwanstein vẫn luôn là một trong những lâu đài nổi tiếng nhất thế giới mà mỗi người nên đến một lần trong đời. Mạng lưới giao thông công cộng kết nối đến lâu đài của ‘Vua Điên’ khá thuận lợi, đặc biệt là nếu xuất phát từ Munich. Ngoài khám phá lâu đài thần tiên, khám phá cảnh quan thiên nhiên, đi bộ và leo núi cũng là hoạt động được yêu thích.
Cách đi lại: Những tấm vé vùng (vé tàu Bayern hoặc vé tàu Schawangau cho phép du khách có thể đi lại thoải mái trên các chuyến tàu địa phương kết nối Munich với Fussen, thị trấn lớn nằm ngay cạnh lâu đài theo kiểu càng đi đông càng rẻ. Ví dụ, với một nhóm 3 người, tổng chi phí cho việc di chuyển từ Munich đến lâu đài là 42 -45 USD, được kèm 3 trẻ em miễn phí.
Sau khi rời khỏi ga tàu, xe bus số 73 hoặc 78 (miễn phí khi sử dụng vé vùng) đưa khách tham quan đến điểm mua vé.Sau khi mua vé, du khách có thể lựa chọn nhiều cách để đến lâu đài, cách chân đồi khoảng 1,2 km đường bộ. Với 8 Euro, bạn có một chỗ trên xe ngựa trong hành trình khoảng 10 phút đến chân lâu đài.
Một lựa chọn khác là đi bằng xe bus, với chi phí 3 Euro/ người để đi đến chân cầu Marienbrücke, điểm lý tưởng nhất để ngắm toàn cảnh Neuschwanstein lộng lẫy giữa rừng cây. Cầu Marienbrücke cách lâu đài khoảng 15 phút đi bộ qua con đường mòn với khung cảnh thần tiên.
Giá vé: Vì lý do an ninh, du khách chỉ có thể vào bên trong Neuschwanstein theo tour đặt trước với những khung giờ quy định (mức giá: 15 Euro/người). Bạn nên mua trực tuyến để tránh mất thời gian xếp hàng.
Ăn uống: Không có nhiều nhà hàng ở khu vực lâu đài, nhưng điểm du lịch cũng có nơi để du khách ngồi ăn mà vẫn ngắm trọn công trình đẹp như cổ tích. Đa phần du khách tự mang theo nước uống và thức ăn nhẹ trong hành trình khám phá Neuschwanstein.