Theo đó, hệ thống phòng không này được thiết kế để tiêu diệt các phương tiện bay không người lái, máy bay và tên lửa hành trình và có thể gây ra mối đe dọa khá nghiêm trọng, vì chúng sử dụng tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, có tầm bắn khoảng 25-30 km với độ chính xác cao.
Ngoài ra, tổ hợp này cũng có thể khai hỏa mọi mẫu tên lửa được dùng trên chiến đấu cơ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hiện tại, được biết hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa NASAMS đã được phía Tây Ban Nha chuyển giao cho Latvia. Theo dữ liệu sơ bộ, Latvia nhận khoảng tổ hợp NASAMS. Tuy nhiên, đánh giá qua các bức ảnh, trên thực tế chúng ta có thể nói về số lượng hệ thống phòng không lớn hơn nhiều so với các quốc gia NATO đang cố gắng bố trí.
Hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa NASAMS. (Ảnh: Flickr) |
Phạm vi tiêu diệt tối đa của tổ hợp NASAMS lên tới 50 km. Đồng thời, những tổ hợp này được triển khai theo cách mà chúng có thể bao phủ một phần lãnh thổ Nga. Theo các chuyên gia, đây có thể được coi là một bước đi “nguy hiểm” của NATO.
Đến nay vẫn chưa có thông tin chi tiết về việc điều chuyển vũ khí này, tuy nhiên, việc Latvia trang bị các hệ thống phòng không tầm trung tiên tiến cho thấy NATO có thể chuẩn bị cho một cuộc xung đột vũ trang.
NASAMS là hệ thống phòng không do tập đoàn công nghiệp quốc phòng Raytheon của Mỹ và tập đoàn quốc phòng vũ trụ Kongsberg của Na Uy hợp tác sản xuất. Bắt đầu đưa vào biên chế từ năm 1998 vũ khí này hiện được sử dụng tại 12 quốc gia.
Trước đó, hôm 27/6, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan xác nhận Mỹ đang chuẩn bị gửi các tên lửa phòng không tối tân cho Ukraine.
“Tôi có thể xác nhận trên thực tế rằng gói viện trợ bao gồm vũ khí phòng không đang trong quá trình hoàn tất”, ông Sullivan nói với các phóng viên bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7.
Theo ông Sullivan, Tổng thống Joe Biden đã thông báo với người đồng cấp Volodymyr Zelensky rằng Mỹ sẽ bắt đầu gửi cho Ukraine các loại tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa hiện đại.
Ngoài tên lửa phòng không, Mỹ cũng đang chuẩn bị nhiều trang thiết bị khác để viện trợ Ukraine, bao gồm đạn pháo, các hệ thống radar phản pháo dùng để định vị vị trí pháo binh của đối phương.
Trong khi đó, Phó chỉ huy lực lượng tên lửa phòng không của không quân Ukraine Yuriy Andriychuk cho hay, NASAMS với tên lửa AMRAAM sẽ là sự thay thế tốt cho hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Buk M1 của Ukraine. Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ cần được huấn luyện trước khi sử dụng hệ thống NASAMS nếu được cung cấp.
Tuần trước, Mỹ công bố khoản viện trợ quân sự 450 triệu USD cho Ukraine gồm 4 hệ thống rocket phóng loạt và các loại đạn pháo. Trước đó, cũng trong tháng 6, Mỹ cung cấp 1 tỉ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, gồm lựu pháo, đạn và hệ thống phòng thủ bờ biển.
Thanh Bình (lược dịch)