Lập nhóm anti-fan để công kích Hoa hậu Ý Nhi có vi phạm pháp luật?

04/08/2023 18:51

Theo luật sư, nếu vì động cơ cá nhân hoặc thiếu kiểm soát thông tin thì người quản lý hội nhóm anti-fan là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Sau khi giành vương miện Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023, Huỳnh Trần Ý Nhi nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả. Tuy nhiên, ngoài những ý kiến ủng hộ, nhiều người cho rằng cô không xứng đáng với ngôi vị hoa hậu, đặc biệt những phát ngôn "gây bão" sau khi đăng quang.

Thậm chí, một nhóm "anti-fan" Hoa hậu Ý Nhi được tạo trên mạng xã hội đã có tới hơn 500.000 thành viên, con số này dự báo còn tiếp tục tăng. Nhóm anti-fan Ý Nhi đăng nhiều bài viết kêu gọi tẩy chay tân hoa hậu vì loạt phát ngôn thiếu kiểm soát. Cộng đồng mạng chê cách ứng xử, giao tiếp kém tinh tế và bị cho "mắc bệnh ngôi sao" của nàng hậu gốc Bình Định.

Trả lời PV VTC News, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) cho biết, các nhóm anti-fan là mặt đối lập của các fan hâm mộ một nghệ sĩ, người nổi tiếng nào đó.

Đây là hiện tượng xã hội, là biểu hiện rất cụ thể của quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm thái độ ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội, pháp luật không cấm. Đây còn là biểu hiện của dư luận đối với những người có sức ảnh hưởng đối với xã hội.

Tân hoa hậu Ý Nhi.

Tân hoa hậu Ý Nhi.

"Tuy nhiên, nếu những người tham gia các hội nhóm này mất kiểm soát cảm xúc, có những hành vi thiếu chuẩn mực, đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận, đặc biệt nếu người quản lý các hội nhóm này muốn lợi dụng đám đông để dẫn dắt dư luận theo chiều hướng xấu, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân thì sẽ là hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Cường nhấn mạnh.

Ông Cường lưu ý, khi tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội, mọi người cần phải tỉnh táo, không nên bị dẫn dắt bởi những thông tin chưa được kiểm chứng. Những admin, quản lý các hội nhóm là người có trách nhiệm chính liên quan đến thông tin của các hội nhóm (fan hoặc anti-fan) đó.

Nếu vì động cơ cá nhân hoặc thiếu kiểm soát thông tin mà biến các hội nhóm đó trở thành công cụ để thực hiện các hành vi đưa tin trái pháp luật thì người quản lý hội nhóm là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

"Những hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng, hành vi bịa đặt, vu khống hoặc những hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác là những hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết thêm.

Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp phân tích, hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ của mọi người đối với các vấn đề xã hội. Pháp luật cũng không can thiệp đến thái độ, tình cảm của công dân đối với những người khác.

Bởi vậy một người có người yêu, kẻ ghét là chuyện bình thường. Đặc biệt là với những người nổi tiếng, những nghệ sĩ, những người hoạt động xã hội có sức ảnh hưởng đối với xã hội thì sẽ có nhiều người yêu, cũng có nhiều người ghét.

Người nổi tiếng có anti-fan không phải là điều không tốt. Nhờ có nhóm anti-fan mà họ sẽ thận trọng hơn, rút kinh nghiệm được nhiều hơn. Các nhóm anti-fan sẽ chỉ ra các lỗi, điểm khiếm khuyết mà người nổi tiếng đó cần để ý, nhận ra, sửa mình để phát triển tốt hơn...

Tuy nhiên, các nhóm anti-fan cũng có thể tạo ra những tâm lý cảm xúc tiêu cực cho nghệ sĩ, bị quy luật lây lan cảm xúc chi phối khiến họ bị cuốn đi, không kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Bởi những lời nói, chỉ trích có thể như những nhát dao cứa vào lòng tự trọng, tự ái của nghệ sĩ.

Những người trong nhóm anti-fan cũng dễ bị dẫn dắt bởi những thông tin tiêu cực, bị cảm xúc tiêu cực chi phối hoặc hoạt động theo định hướng xấu của người quản lý trang mạng đó nên có thể có những phát ngôn, hành vi thiếu chuẩn mực, thậm chí sai trái gây ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của người nổi tiếng...

Tiến sĩ Cường cho rằng, khen, chê là quyền của mỗi người, bình luận, đánh giá cũng là quyền cá nhân. Tuy nhiên pháp luật nghiêm cấm việc lợi dụng khen chê để cố ý xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, xâm phạm bí mật đời tư cá nhân, bí mật gia đình, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Minh Tuệ

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lập nhóm anti-fan để công kích Hoa hậu Ý Nhi có vi phạm pháp luật?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO