Làng quê Hải Dương ‘thay da đổi thịt’

27/12/2022 14:50

Tỉnh Hải Dương đã có nhiều bước tiến trong xây dựng nông thôn mới như: diện mạo làng quê thay đổi, đời sống nhân dân được nâng cao, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được rút ngắn.

Rút ngắn khoảng cách nông thôn và thành thị

Nhiều địa bàn trên tỉnh Hải Dương đã có đường bê tông to đẹp, điện chiếu sáng, wifi lắp đặt miễn phí tại nhà văn hóa thôn, trang bị dụng cụ tập luyện thể dục thể thao… phục vụ nhu cầu người dân. Ông Trần Xuân Mên, ở thôn Đột Hạ, xã Nam Tân (Nam Sách) chia sẻ, “Tôi cảm thấy ở quê nhưng không thiếu thốn thứ gì so với thành phố. Mọi tiện tích, dịch vụ đều được cung ứng tận nơi mà không mất nhiều thời gian, công sức. Chỉ cần gọi một cuộc điện thoại, dịch vụ sẽ được cung ứng đến tận nhà. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao”.

Thôn Đột Hạ đã có những dãy nhà cao tầng san sát, đường làng to đẹp… Hiện thu nhập trung bình của người dân nơi đây đạt 96 triệu đồng/người/năm, vượt cao so với mức trung bình của cả xã. Đây cũng là thôn được xã Nam Tân chọn thí điểm để xây dựng “thôn thông minh”. Với mục tiêu này, địa phương đang chỉnh trang cơ sở vật chất, lắp đặt wifi miễn phí, hệ thống camera giám sát, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào cuộc sống. Trong tương lai không xa, Đột Hạ hứa hẹn trở thành vùng quê hiện đại với nông dân văn minh, kiểu mẫu.

Đột Hạ chỉ là một trong số nhiều làng quê tại Hải Dương đang khoác lên mình “chiếc áo mới”. Ông Nguyễn Văn Nhự, Chủ tịch UBND xã Nhân Quyền (huyện Bình Giang) khẳng định: “Từ làng quê nghèo khó, đến nay Nhân Quyền đã là xã nông thôn mới kiểu mẫu. Những con đường đá sỏi được thay bằng bê tông áp phan, có vỉa hè và điện cao áp thắp sáng. Khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được rút ngắn không chỉ ở diện mạo mà còn ở đời sống tinh thần của người dân. Khắp các thôn, xóm đều có sân vận động, nhà văn hóa để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân”.

Lãnh đạo xã cho biết, Nhân Quyền đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã không ngừng được hoàn thiện. Không chỉ là đường bê tông, trong năm 2022, Nhân Quyền đã hoàn thiện 4km đường Asphalt ở trục chính của 2 thôn Đa Loan và Hòa Loan với kinh phí khoảng 12 tỷ đồng. Năm 2023, địa phương sẽ tiếp tục làm thêm gần 5km đường Asphalt ở 2 thôn còn lại với kinh phí trên 20 tỷ đồng. Ngoài kinh phí hỗ trợ của xã, người dân tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình, góp công, góp của.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Xác định mục tiêu chính của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, xã Nam Tân đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật mới tiên tiến vào sản xuất. Các mô hình trên góp phần nâng cao mức sống người dân. Từ mức thu nhập đầu người năm 2019 là 70,4 triệu đồng/người lên 72,6 triệu đồng/người vào năm 2022.

Ngoài mô hình nuôi cá lồng bè trên sông, Nam Tân còn nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, bắt kịp xu thế nông nghiệp xanh, điển hình là mô hình trồng nấm của tổ hợp tác Nấm Sao Mai.

Anh Nguyễn Văn Chăm, Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: “Sản xuất nấm sạch là hướng phát triển kinh tế mới cho người dân. Hiện trang trại trồng nấm của tổ hợp tác có diện tích 6.000m2, sản lượng gần 2 tấn/tháng. Với giá bán khoảng 100.000 VNĐ/kg cho các cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội, thu lãi 100 triệu đồng/tháng. Đây cũng là sản phẩm OCOP của địa phương”.

Những năm gần đây, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển phù hợp với đặc điểm của địa phương được triển khai và không ngừng nhân rộng như mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Kinh tế ở các địa phương cũng có sự chuyển dịch theo hướng nâng cao tỷ trọng kinh tế công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng kinh tế nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn. Trong đó tập trung phát triển các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở trong dân góp phần tạo ra nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo và giảm việc di dân từ nông thôn ra thành thị.

Theo ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh Văn Phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, Hải Dương là một trong những địa phương sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Theo kế hoạch, tỉnh có thêm 16 xã được công nhận chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao lên 59 xã và 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số các xã đã đạt lên 14 xã.

Ngoài vận dụng sức mạnh nội lực của từng địa phương, UBND tỉnh đã phân bổ hơn 108 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để hỗ trợ các xã khó khăn, xã xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Đình Sơn

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Làng quê Hải Dương ‘thay da đổi thịt’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO