Nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến biên soạn, lựa chọn sách giáo khoa (SGK) hay sách chỉ sử dụng được một lần gây lãng phí rất lớn được các chuyên gia góp ý tại hội nghị triển khai chương trình, SGK phổ thông mới do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Văn hóa, giáo dục tổ chức hôm qua (2/8).

Đổi mới với nhiều bất cập

Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tình hình nhân dân đối với đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 cho thấy, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc Bộ GD&ĐT ban hành quyết định phê duyệt danh mục SGK dùng trong các nhà trường nhưng thực tế vào đầu năm học một số trường học đưa danh mục không rõ ràng giữa SGK và các tài liệu tham khảo, sách bài tập dẫn đến chi phí mua sách đội lên rất nhiều; giá SGK nhiều thời điểm tăng cao, gây khó khăn, lãng phí tiền của nhân dân.

Việc triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông đang tồn tại việc trong cùng một địa phương có thể lựa chọn giảng dạy các bộ sách khác nhau. Điều này sẽ phát sinh những bất cập, gây lãng phí, tốn kém khi một bộ sách không được sử dụng nhiều lần; gây thiếu đồng bộ trong việc tiếp cận kiến thức chung.

Lãng phí sách giáo khoa ảnh 1
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Đổi mới chương trình GDPT chưa có sự chuẩn bị kỹ càng

GS.TS Nguyễn Lân Dũng Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục - Môi trường nêu những vấn đề bất cập, nổi cộm trong chương trình, SGK hiện nay. Thứ nhất, Việt Nam xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và đưa vào áp dụng đại trà trên toàn quốc mà không qua giai đoạn thực nghiệm.

Trong khi đó, tham khảo SGK các nước, nội dung, kiến thức trong bậc THCS - THPT không quá nặng nề nhưng học sinh vẫn đủ để tiến thẳng vào ĐH mà không cần phải học thêm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến các chuyên gia và khẳng định, việc biên soạn, thẩm định SGK có quy trình chặt chẽ, hạn chế tối đa để lọt “sạn” và đổi mới là quá trình lâu dài. Đoàn đại biểu Quốc hội mới giám sát quá trình thực hiện, chưa phải kết quả thực hiện.

Thứ 2, dạy học bộ môn Ngoại ngữ không thành công bởi nhiều học sinh hiện nay sau 12 năm học không thể giao tiếp được. Một chương trình quá nặng nề về ngữ pháp, học sinh học những từ khó không bao giờ dùng đến, học để thi.

Giá sách “cõng” chi phí phát hành

Lãng phí sách giáo khoa ảnh 2
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành giáo dục thực hiện đổi mới chương trình, SGK trong khi chưa chuẩn bị kỹ

GS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, một chương trình, nhiều bộ SGK nhưng qua thực tiễn cho thấy nhiều bộ giống nhau đến hơn 90%. Điều khác là có sách xếp nội dung này đầu năm, sách khác xếp cuối năm hoặc giữa năm.

Cần phải xem xét, những môn như Thể dục, Âm nhạc… có nhất thiết phải có nhiều SGK hay không. “Năm nào học sinh cũng mua mới SGK và 200 -300 nghìn đối với những gia đình khó khăn cũng là rất khó. Cần phải có cách làm để tái sử dụng SGK, không nên chỉ dùng một lần rồi bỏ đi rất lãng phí”, ông Nhĩ nói.

GS Nhĩ cũng phản đối việc trao quyền cho các địa phương chọn sách thay vì giáo viên. Cách làm đó khiến các NXB chạy đua, tính toán đủ cách làm sao để các hội đồng quyết định chọn sách của mình. Tiền chiết khấu có thể khiến SGK đội giá cao như hiện nay.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng nói, đổi mới chương trình GDPT là chủ trương lớn nhưng do chưa có sự chuẩn bị kỹ càng từ đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất nên va vào thực tế đã bị lúng túng. Bà Doan chỉ ra cái thiếu đầu tiên đó là ngành giáo dục chưa chuẩn bị kỹ tâm lý cho đội ngũ, người học về đổi mới để họ hình dung.

Bà Doan khẳng định, việc biên soạn nhiều bộ sách nhưng trao quyền cho UBND tỉnh thành lập một hội đồng để chọn sách nên người dân có ý kiến là đúng. Điều này dẫn đến khi sách về đến trường học, có trường có tới 3 bộ sách xuất hiện trong 1 lớp. Khi học sinh chuyển trường, lại khó khăn vì các trường dạy học bộ sách không giống nhau.

“Sách giáo khoa đẹp nhưng sách bài tập cho học sinh viết vào năm sau không thể sử dụng gây lãng phí rất lớn. Nhà trường đưa SGK về cho học sinh còn kèm nhiều sách tham khảo. Để đến tình trạng đó là do yếu trong quản lý, chỉ đạo”, bà Doan nói.

Ngoài ra, một số chuyên gia chỉ ra các vấn đề như, chương trình GDPT mới chưa thực sự giảm tải. Việc xây dựng một số môn tổ hợp ở bậc THPT gây khó khăn cho học sinh. Tổ chức dạy học tích hợp bất cập khi đào tạo giáo viên đi sau, chương trình thực hiện trước.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lãng phí sách giáo khoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO