Hôm nay, cổ phiếu VFS của VinFast Auto Pte. Ltd. - công ty con do Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) nắm 51,52% - chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq sau khi hợp nhất với công ty SPAC Black Spade Acquisition Co.
Theo thỏa thuận hợp nhất giữa VinFast và Black Spade, sau giao dịch, công ty hợp nhất sẽ có mức định giá lên đến hơn 27 tỷ USD.
Còn nhớ hồi tháng 5, trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên của Vingroup, tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh việc đầu tư vào VinFast là thể hiện trách nhiệm xã hội, lòng yêu nước. Không chỉ vậy, ông Vượng còn chia sẻ rằng về mặt kinh doanh, đây là dự án tiềm năng, có thể sau này là dự án tốt nhất của Vingroup.
Không chỉ nói suông, tập đoàn của vị tỷ phú mạnh tay chi cho dự án VinFast từ năm 2017 đến nay. Năm 2017 cũng là lúc Vingroup chính thức công bố và thực hiện khát vọng xây dựng một thương hiệu ô tô Việt ra toàn cầu.
Điều này một phần thể hiện qua chi phí xây dựng cơ bản dở dang mà Vingroup bỏ ra.
Dự án này bắt đầu xuất hiện trên báo cáo tài chính hợp nhất của doanh nghiệp kể từ cuối năm 2017. Tại ngày 31/12/2017, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại dự án VinFast vào khoảng 685 tỷ đồng.
Lúc này, VinFast chỉ là một dự án nhỏ bên cạnh một loạt dự án bất động sản lớn nhỏ khác. Tỷ trọng khoản chi phí mà tập đoàn dành cho VinFast chỉ chiếm khoảng 2%.
Đầu năm 2018, tỷ phú Vượng hiếm hoi xuất hiện trên truyền thông và khẳng định bước vào cuộc cách mạng xe điện đang diễn ra trên toàn thế giới. Cuối năm 2018, chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang tại dự án VinFast tăng vọt lên 26.685 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 46%.
Tuy nhiên sang đến giai đoạn 2019-2021, tỷ trọng chi phí xây dựng cơ bản của dự án này giảm về mức 11-15%. Khoản mục này ghi nhận tại thời điểm cuối các năm vào khoảng 5.966-9.874 tỷ đồng.
Từ năm 2022 đến nay, Vingroup lại tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ bản tại dự án VinFast. Thời điểm cuối năm 2022 và cuối quý II vừa qua, khoản mục này đều ghi nhận trên 25.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Tỷ trọng chi phí xây dựng cơ bản dở dang chiếm từ 22-25% tổng mức chi phí của toàn tập đoàn.
So với hồi cuối năm 2017, tại ngày 30/6, VinFast đã trở thành dự án lớn được nêu trong thuyết minh báo cáo tài chính. Số dư chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại dự án này gần bằng tổng của dự án Vinhomes Long Beach Cần Thơ và dự án khu đô thị khu vực TPHCM.
Không chỉ đầu tư xây dựng cơ bản, để phát triển công nghiệp xe điện, tập đoàn còn chi tiền để sản xuất pin và ắc quy.
Trong nửa đầu năm, Vingroup chi 1.039 tỷ đồng đầu tư vào Công ty TNHH Giải pháp Năng lượng công nghệ cao V-G. Công ty này có địa chỉ tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh. Vingroup hiện giữ 49% tỷ lệ biểu quyết và 24,99% tỷ lệ lợi ích tại doanh nghiệp.