Hoa hậu dường như là một từ đã bao hàm đủ các phẩm chất xinh đẹp, thông minh, nhân hậu còn tên cuộc thi đi đằng sau, có lẽ được tạo ra để đi xin cấp giấy phép tổ chức cho đỡ trùng. Bởi thế cuộc thi Hoa hậu giờ nhiều đến mức chả khán giả nào còn nhớ nổi ai đã từng đăng quang cuộc thi Hoa hậu nào.
Năm ngoái, giới truyền thông đã thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 30 cuộc thi Hoa hậu, chưa tính cấp địa phương hay ngành nghề, như vậy, một năm sẽ sản sinh ra 30 Hoa hậu và hơn 60 Á hậu, cùng hơn 300 Người đẹp đạt các giải phụ. Nếu bắt đầu tính năm 2022 là cột mốc của việc "lạm phát" Hoa hậu thì đến năm 2032, tức 10 năm sau, chúng ta sẽ có khoảng 300 Hoa hậu, hơn 600 á hậu, và hơn 3.000 Người đẹp đạt các giải phụ.
Việc bội thực các cuộc thi Hoa hậu phải chăng cũng khiến lịch sử các cuộc thi sắc đẹp của Việt Nam ghi nhận một trường hợp hy hữu.
Một Hoa hậu mới đăng quang chỉ khoảng hai tuần đã có group anti chính hơn nửa triệu thành viên cùng hàng loạt yêu cầu tước vương miện. Đây cũng không phải Hoa hậu đầu tiên bị lập group anti. Việc khán giả tức giận có đơn thuần chỉ vì sự thiếu khiêm tốn trong những câu trả lời của cô gái hay còn vì lý do nào nữa? Theo BTV Thư Hiền, một phần nguyên nhân của sự tức giận xuất phát từ sự bội thực và tên gọi của các cuộc thi.
Cách gọi các cuộc thi Hoa hậu vô hình chung ảnh hưởng đến khán giả, khiến họ trở nên khắt khe hơn trong việc đánh giá các thí sinh. Khán giả cho rằng người mang vương miện là người đại diện cho nhan sắc, cho giá trị của phụ nữ Việt, nên đòi hỏi Hoa hậu phải ưu tú hơn cả về ngoại hình và nhân cách. Điều đó không sai, nhưng nó chỉ đúng cách đây tầm 20, 30 năm về trước khi mà cả nước chỉ có 1, 2 cuộc thi Hoa hậu cấp quốc gia được tổ chức.
Còn với việc bội thực cuộc thi Hoa hậu như hiện nay thì lấy đâu ra lắm người đẹp ưu tú mà thi đến thế để vừa lòng công chúng. So bó đũa, chọn cột cờ. Cột cờ không có, nhưng Hoa hậu thì phải có.
Cách đặt tên cuộc thi sao cho càng sang miệng càng tốt, với BTC, có lẽ, nó giúp họ dễ kéo tài trợ. Còn với thí sinh hiện nay, hai từ Việt Nam nằm trong tên gọi các cuộc thi cũng khiến họ lầm tưởng về phạm vi của danh hiệu, lầm tưởng rằng mình là đại diện sắc đẹp của cả dân tộc, mà quên mất bản chất, người giành đc vương miện cũng chỉ là người phù hợp nhất với quan điểm về sắc đẹp trong con mắt của tập thể BGK cuộc thi đó mà thôi.
Khán giả thắc mắc, thí sinh thi Hoa hậu để làm gì mà nhiều bạn phải đăng ký hết cuộc thi nhan sắc này đến cuộc thi nhan sắc khác?
Sau rất nhiều cuộc thi và những câu trả lời ứng xử ý nghĩa, rất nhiều Hoa hậu bước ra từ các cuộc thi mất hút. Nếu không mất hút, có thể họ đang bận làm người mẫu hoặc Tiktoker. Thành ra câu trả lời thực tế nhất cho câu hỏi thi Hoa hậu để làm gì, bao năm qua, có một thí sinh vẫn là người chia sẻ thẳng thắn, thật thà nhất. Đó là:
Việc phổ cập Hoa hậu có sự đóng góp không nhỏ của các đơn vị tổ chức đứng đằng sau. Trong một bài đăng xin lỗi gửi đến khán giả, BTC cuộc thi đã dành phần lớn thời lượng để xin lỗi nhà tài trợ kim cương.
Và ngay hôm qua (4/8), cơ quan chủ quản của cuộc thi Hoa hậu đó lại vừa livestream họp báo cho một cuộc thi Hoa hậu khác.
"Được mùa thì mất giá" - câu nói này tưởng chỉ đúng trong lĩnh vực nông nghiệp, mà không ngờ, đến giờ, nó lại còn rất hợp trong bối cảnh loạn các cuộc thi nhan sắc.
Hoa hậu thì cần ý nhị, phong thái thì ý tứ và phải ý thức được mỗi phát ngôn cùng hành động của mình; nếu không biết kiểm soát khiến mọi thứ phản tác dụng, thì lúc đó chỉ biết đổ cho ý trời. Xin được gửi đến các thí sinh đang và sắp thi hoa hậu, câu hỏi khó trả lời nhất không chỉ nằm trong phần thi ứng xử: Bạn sẽ làm gì nếu đăng quang Hoa hậu?