Hơn 25% là phiếu kỹ thuật số
Theo dữ liệu từ Verified Voting, đơn vị giám sát việc sử dụng công nghệ trong các cuộc bầu cử tại Mỹ, 70% công dân bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ dùng bút chì và giấy theo cách truyền thống.
Những lá phiếu này sau đó được cộng lại, thường sử dụng máy nhận dạng ký tự quang học (OCR), mặc dù một số tiểu bang vẫn đếm phiếu bằng tay.
5% cử tri bỏ phiếu bằng hệ thống Điện tử Ghi trực tiếp (DRE), trong đó phiếu bầu được ghi lại và đếm trên cùng một thiết bị.
DRE từng được coi là loại máy bỏ phiếu hàng đầu, khi là thiết bị duy nhất tại thời điểm những năm 2000 hỗ trợ công dân khuyết tật bỏ phiếu độc lập và riêng tư.
Những chiếc máy này trở nên phổ biến và khi đạt mức sử dụng cao nhất vào năm 2006.
Theo thông tin từ Election Data Services, khi đó các hệ thống DRE đã được sử dụng để đếm khoảng 38% số phiếu tại Mỹ.
Tuy nhiên, thiếu vắng phương tiện xác minh độc lập đối với DRE khiến những cỗ máy này dần bị thất sủng.
"Tính chính xác của kết quả bầu cử hoàn toàn phụ thuộc vào tính chính xác của phần mềm. Việc bỏ phiếu là tình huống 'hộp đen', bạn không thể theo dõi ai đã bỏ phiếu cho ứng cử viên nào sau khi họ rời khỏi phòng bỏ phiếu, vì vậy không có dấu vết và do đó kết quả hoàn toàn không thể xác minh được", Warren Stewart, một nhà phân tích của Verified Voting cho biết.
Khi sự phổ biến của DRE giảm dần, một loại máy mới đã được đưa ra thị trường dành cho cử tri khuyết tật (sau đó áp dụng với cả cử tri không khuyết tật).
Thiết bị đánh dấu phiếu bầu (BMD) cho phép cử tri chọn ứng cử viên trên màn hình và tạo ra bản in có thể đếm qua OCR hoặc bằng tay. Bản in này có thể được sử dụng để kiểm toán và xác minh kết quả.
Máy đầu tiên thuộc loại này gây được tiếng vang là AutoMARK của ES&S, công ty này sớm nhận thấy thiết bị của mình cũng có thể được sử dụng bởi cử tri không khuyết tật.
Tại thời điểm năm 2018, chỉ khoảng 1,5% người Mỹ được tiếp cận BMD, đến năm 2020 con số này là 20% và hiện tại là hơn 25% - dữ liệu của Verified Voting cho biết.
Tại cuộc bầu cử năm nay, chính thức diễn ra vào ngày 5/11, dự kiến có 25,1% cử tri sẽ sử dụng máy bỏ phiếu.
Những tranh cãi
Các vấn đề với hệ thống DRE một lần nữa lên đến đỉnh điểm vào năm 2006 tại Florida, khi 18.000 phiếu bầu đã bị mất trong cuộc bầu cử Quốc hội tại Quận Sarasota do lỗi máy DRE.
Trong khi chênh lệch dưới 500 phiếu đã đủ để quyết định kết quả bầu cử.
Trong khi đó, dòng máy BMD cũng không tránh khỏi những rắc rối. Năm 2020, Trump tuyên bố trên X (tiền thân Twitter), rằng các thiết bị BMD do Dominion Energy cung cấp đã xóa 2,7 triệu phiếu bầu của ông.
Tuyên bố này được xác định là vô căn cứ và Dominion đã đồng ý nhận bồi thường từ Fox News số tiền 787 triệu USD sau khi đưa kênh tin tức này ra tòa với cáo buộc phát sóng những tuyên bố rằng, công ty đã giúp gian lận cuộc bầu cử chống lại Trump.
Sự quan tâm đến việc bỏ phiếu kỹ thuật số cũng tăng lên, với các quốc gia bao gồm Đức, Canada và Mexico đang thử nghiệm các phương pháp cho phép cử tri bầu cử qua Internet, mặc dù điều này có khả năng gây ra nhiều khó khăn về bảo mật và xác minh cử tri.
Dữ liệu, giải mã và bảo mật
Giám đốc công nghệ thông tin Eduardo Correia của Smartmatic - công ty giải pháp công nghệ bầu cử chia sẻ rằng, cơ sở hạ tầng tùy theo từng quốc gia sẽ có sự khác biệt.
Doanh nghiệp này dựa vào dịch vụ đám mây từ AWS và Microsoft Azure, cũng như một trung tâm dữ liệu đặt tại một trong các trụ sở để hỗ trợ công việc nội bộ.
Ông giải thích rằng, trong khi các máy bỏ phiếu thường tích hợp bộ nhớ riêng, thì một số loại máy "được định cấu hình để giao tiếp với nhiều loại môi trường trung tâm dữ liệu khác nhau", do đó khách hàng có thể tự chủ thiết lập trung tâm dữ liệu riêng hoặc ký hợp đồng dịch vụ với bên thứ ba.
Chẳng hạn, máy bỏ phiếu DRE của Smartmatic có các đơn vị bộ nhớ có thể tháo rời tích hợp để lưu trữ các phiếu bầu được mã hóa. Những đơn vị này có thể được tháo ra và vận chuyển vật lý đến địa điểm kiểm phiếu để giải mã.
Dữ liệu cũng có thể được truyền qua các mạng an toàn, tuy nhiên tất cả các máy đều được cách ly và không kết nối với bất kỳ mạng lưới nào trong quá trình bầu cử.
Ngoài ra, mỗi máy đều có một bộ khóa mã hóa và chứng chỉ duy nhất và các giao thức này được thay đổi trên mọi máy sau mỗi cuộc bầu cử.
Theo giới phân tích, thách thức lớn nhất đối với các nhà cung cấp công nghệ là việc thuyết phục cử tri rằng thiết bị của họ chính xác và an toàn. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo cũng được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng hơn trong những cuộc bầu cử tương lai.
Correia của Smartmatic cho biết: "Tại châu Phi, BMD đang được triển khai cùng với các khả năng sinh trắc học để tăng cường xác thực cử tri và giảm tình trạng giả mạo cử tri, một trong những loại gian lận bầu cử lâu đời nhất".
Trong khi đó, Stewart nhận định sự kết hợp hiện tại giữa xác minh phiếu bầu kỹ thuật số và thủ công đang là cách hiệu quả nhất để đếm phiếu.
(Tổng hợp)