Các xã của huyện Châu Thành (Hậu Giang) gồm Đông Phú, Đông Phước A và thị trấn Ngã Sáu đều nằm trong dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) ở một số nơi gặp khó vì người dân chưa đồng ý mức giá bồi thường.
Việc này xảy ra ở một số hộ trồng mai ươm "chạy theo dự án" nhưng vì đơn giá đền bù chưa thỏa đáng nên người dân vẫn chưa giao đất.
Vườn bà Lê Thị Xứng (ấp Tân Long, xã Đông Phước A) trồng 7.500 cây mai con xen dưới các gốc mít, bưởi, chuối... Bà Xứng cho biết, số mai trên được bà trồng từ đầu năm 2022, mua với giá 7.000-9.000 đồng/cây.
"Trồng mai xong rồi mới biết có dự án cao tốc đi qua. Nhà ở và các loại cây khác tôi đồng ý mức bồi thường này nhưng cây mai mà đền bù giá 3.000 đồng/cây thì chắc chắn lỗ. Tôi mong muốn mức bồi thường phải là 15.000 đồng/cây vì thời gian qua đã bỏ công sức, phân thuốc ra trồng", bà Xứng nói.
Theo lời bà Xứng, bà ươm mai đợi cây lớn bán kiếm tiền. Nhưng quan sát thực tế của phóng viên, hầu hết mai trong vườn bà Xứng trồng rất khác thường. Dưới mỗi cây mít, bụi chuối đều có hàng chục cây mai con chen chúc, không theo quy cách vườn ươm. Đã thế cách trồng mai rất sơ sài, phần túi nilon bọc rễ mai cũng không tháo ra khiến nhiều cây không phát triển, trơ trụi lá.
Ông Nguyễn Văn Nguyên ngụ cùng ấp cho biết, trồng mai có thêm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống vì trồng mít không còn hiệu quả nữa.
"Với giá bồi thường 3.000 đồng cây rất eo hẹp, không được nửa giá vốn đầu tư", ông Nguyên nói.
Trao đổi với PV, ông Tạ Trung Hiếu - Trưởng ấp Tân Long cho biết, dự án cao tốc đi qua 42 hộ, trong đó 9 hộ trồng mai.
"Các hộ này trồng mai trước khi cắm cột mốc GPMB, trong 9 hộ đó đã có 4 hộ nhận tiền bồi thường, mỗi hộ nhận khoảng 16-17 triệu đồng. Cách đây 5 ngày địa phương đã vận động các hộ còn lại nhiều hộ đồng ý mức giá bồi thường và sớm bàn giao mặt bằng", ông Hiếu cho hay.
Qua tìm hiểu, toàn huyện Châu Thành có 118 hộ trồng mai trong khu vực GPMB dự án cao tốc, trong đó nhiều nhất là ở xã Đông Phước A với 100 hộ, 48 hộ đặt ống cống. UBND huyện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tất cả hộ dân bị ảnh hưởng dự án.
Theo đó, những hộ trồng mai vàng, tràm trong vườn thực tế, chuyên canh mai, trồng xung quanh nhà, không theo quy cách vườn ươm được thống nhất bồi thường theo số lượng thực tế, đơn giá bồi thường áp dụng theo Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND (cây cao dưới 50cm có giá đền bù 20.000 đồng/cây; 50cm đến dưới 1m là 45.000 đồng/cây; trên 1m là 75.000 đồng/cây…)
Với các hộ trồng mai vàng nhỏ xen các cây khác theo mật độ dày đặc, bất thường sẽ tính vào vườn ươm, hỗ trợ công di dời bằng 15% giá trị của cây. Khoảng cách 20-50cm, chiều cao cây thấp hơn hoặc bằng 0,5m có giá theo quy định là 20.000đ/cây, được hỗ trợ 15%, tức 3.000đ/cây.
Ngoài ra, UBND huyện Châu Thành đề nghị Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang thống nhất bồi thường 39/48 hộ bị ảnh hưởng cống bọng vì có mục đích sản xuất nông nghiệp; không bồi thường 2 hộ vì không vào mục đích sản xuất nông nghiệp, 7 hộ còn lại bồi thường một phần.