Kính tiềm vọng: Bước tiến mới của Nhật Bản

31/10/2023 09:40

Việc tuyên bố bắn thử nghiệm thành công pháo điện từ trên biển đã đánh dấu một thành tựu đáng kể của Nhật Bản trong tham vọng phát triển loại vũ khí thế hệ mới này.

Mới đây, The EurAsian Times dẫn thông báo từ Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần (ATLA) thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đã hoàn tất đợt bắn thử trên biển với pháo điện từ hạng trung từ một bệ phóng đặt trên tàu. Đây là cuộc bắn thử đầu tiên của mẫu pháo điện từ này, trong bối cảnh quân đội xứ mặt trời mọc đang nỗ lực tăng cường khả năng tác chiến trên biển.

Giới chức quân sự Nhật Bản không tiết lộ thêm thông tin, nhưng đã đăng tải một video về đợt bắn thử này trên mạng xã hội X, cho thấy nhiều góc độ của khẩu pháo trong quá trình khai hỏa. “Nhật Bản đang thúc đẩy triển khai công nghệ pháo điện từ càng sớm càng tốt, nhằm bảo vệ tàu chiến khỏi các mối đe dọa trên không và trên biển”, ATLA nêu rõ.

Các nguồn thông tin mở cho thấy loại pháo điện từ đang được Nhật Bản phát triển có cỡ nòng 40mm, bắn đạn nặng 320g với vận tốc khoảng 2.230m/s (tương đương Mach 6,5 hay gấp 6,5 lần vận tốc âm thanh), nhưng chưa rõ tầm bắn cụ thể. Pháo sử dụng nguồn năng lượng 5 megajoules (MJ), một đơn vị đo năng lượng được quy ước trong hệ đo lường quốc tế (SI).

Được coi là một trong những vũ khí của tương lai, pháo điện từ không dùng thuốc súng hay chất nổ mà tận dụng dòng năng lượng của các đường ray điện từ để phóng viên đạn đi với vận tốc lý thuyết tới Mach 7 trở lên, có khả năng vươn đến khoảng cách hàng trăm ki-lô-mét, đồng thời có thể khai hỏa liên tục. Đầu đạn diệt mục tiêu nhờ động năng va chạm chứ không phải bằng sức công phá, trong khi việc không có thiết bị điện tử bên trong giúp nó miễn nhiễm trước biện pháp gây nhiễu và tác chiến điện tử. Loại pháo này cho phép tàu chiến yểm trợ hữu hiệu cho lực lượng đổ bộ lên bờ biển, đồng thời tấn công tàu chiến và đối chọi với tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo của đối phương.

Hình ảnh pháo điện từ trong đợt thử nghiệm do Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần (ATLA) thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố. Ảnh: ATLA 

Trong một bài viết trên tờ Forbes, chuyên gia Loren Thompson tại Viện nghiên cứu Lexington (Mỹ) chỉ ra một số ưu điểm của pháo điện từ so với các hệ thống phòng thủ hiện có trên tàu chiến, như: Tốc độ bắn và thời gian phản ứng nhanh hơn nhiều pháo thông thường, đầu đạn của pháo điện từ có kích thước nhỏ hơn đầu đạn truyền thống ở cỡ nòng tương đương nên tăng đáng kể số lượng đạn mang theo và giảm gánh nặng hậu cần, đầu đạn ổn định trong khi bay và không bị suy giảm năng lượng như vũ khí laser...

Theo The EurAsian Times, thực chất Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống Mặt đất (GSRC) của ATLA đã từng tiến hành nghiên cứu một dự án pháo điện từ “sơ khai” với cỡ nòng chỉ 16mm từ năm 1990. Tuy nhiên, phải tới năm 2016, ATLA mới thực sự chú trọng đến lĩnh vực này bằng việc khởi động phát triển công nghệ pháo điện từ, giữa lúc nhiều quốc gia đang tích cực đầu tư nghiên cứu vũ khí siêu vượt âm. Hai năm sau, hình ảnh đầu tiên về một nguyên mẫu pháo điện từ cỡ nòng nhỏ mới được ATLA công bố. Dẫu vậy, mẫu pháo điện từ mà cơ quan này vừa thử nghiệm được cho là loại tân tiến hơn. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định có thể ứng dụng công nghệ mới từ các công ty trong nước để chế tạo các thành phần của pháo do cơ cấu đẩy điện từ phát nhiệt rất lớn cũng như đạn pháo cần phải làm bằng vật liệu có độ bền cao và dễ dẫn điện.

Nikkei Asia đánh giá việc Nhật Bản theo đuổi chương trình pháo điện từ sẽ củng cố năng lực của quân đội nước này nhằm đánh chặn vũ khí siêu vượt âm và đáp trả các vụ tập kích tên lửa, vốn được một số chuyên gia nhận định là “lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của nước này”. Kết hợp với các loại tên lửa phòng không, pháo điện từ có thể cung cấp năng lực đánh chặn nhiều lớp. Hiện chưa rõ pháo điện từ có khả năng được đưa vào biên chế trên loại tàu chiến nào của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF).

VĂN HIẾU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan. 

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Kính tiềm vọng: Bước tiến mới của Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO