Kinh tế số sẽ là động lực tăng trưởng chính

14/07/2023 10:58

Chuyển đổi số là phương thức phát triển mới giúp đẩy nhanh, rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trọng tâm của chuyển đổi số vẫn là nhắm vào tăng trưởng kinh tế.

Báo VietNamNet xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số (ngày 12/7/2023).

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số tạo ra kinh tế số và kinh tế số sẽ là động lực tăng trưởng chính. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi xanh và chuyển đổi số (CĐS) là 2 chuyển đổi quan trọng nhất để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc vào năm 2045. Nhưng muốn xanh thì phải số. Bởi vậy mà số hoá toàn diện sẽ là nền tảng của một nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và có sức chống chịu cao.

CĐS là phát triển nhanh vì kinh tế số tăng trưởng gấp 3-4 lần tăng trưởng GDP. CĐS là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên, lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu. CĐS làm tăng sức chống chịu của nền kinh tế vì môi trường số thì không khoảng cách, không tiếp xúc. CĐS là phát triển bao trùm vì bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, nếu có sóng di động và chiếc điện thoại thông minh là có thể tiếp cận được mọi dịch vụ số, không bị bỏ lại phía sau.

Số hoá toàn diện sẽ là nền tảng của một nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và có sức chống chịu cao. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Công nghệ số sẽ trở thành lực lượng sản xuất cơ bản, nhân tài số thành nguồn lực cơ bản và đổi mới sáng tạo số thành động lực cơ bản cho sự phát triển.

Chúng ta đã đi được 1/2 chặng đường của Nhiệm kỳ XIII. Nhận thức về CĐS đã đến được mọi cấp chính quyền và người dân. Thể chế số đã cơ bản được hoàn thiện, nhiều luật, nghị định, chiến lược quốc gia về CĐS đã được ban hành. Hạ tầng viễn thông và hạ tầng dữ liệu đã được coi là hạ tầng thiết yếu quốc gia và đang được đặc biệt chú trọng phát triển. Các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả. An toàn, an ninh mạng được coi là điều kiện cần để thực hiện CĐS. Đào tạo số bao gồm, đại học số, cao đẳng dạy nghề số, đào tạo kỹ năng số online cho người dân, là lời giải cho nhân lực số Việt Nam. 6 tháng còn lại của năm nay, 2 năm rưỡi còn lại của Nhiệm kỳ này là tập trung CĐS để tạo ra những giá trị thiết thực cho người dân, cho doanh nghiệp, cho hệ thống chính quyền các cấp.

Trước đây thì nguồn lực hạn chế các quyết định. Còn bây giờ thì quyết định tạo ra các nguồn lực. Bởi vậy mà nhận thức mới để dẫn đến các quyết định mới là yếu tố quan trọng số một.

CĐS của mỗi quốc gia thì đều phải đi con đường của mình, phù hợp với ngữ cảnh của mình. Báo cáo chuyên đề về CĐS quốc gia hôm nay gửi tới các đồng chí có thể coi là phác thảo bước đầu về con đường CĐS của Việt Nam.

CĐS là phổ cập. Muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải đi đều 2 chân: một là phổ cập nhanh cái cơ bản thông qua các nền tảng số dùng chung toàn quốc; hai là đi nhanh về cái mới thông qua một số đầu tàu. Từ cái mới đã được các đầu tàu triển khai thành công thì nhanh chóng biến thành cái cơ bản để phổ cập, đây là công việc quan trọng của quản lý Nhà nước.

CĐS là toàn dân và toàn diện, tức là phải phổ cập. Từ đầu tàu rồi phải đến phổ cập. Đầu tàu mà không dẫn đến phổ cập thì không tạo ra sự thay đổi, không tạo ra sự chuyển đổi, và sẽ không có CĐS. CĐS thì phải đặc biệt coi trọng sự phổ cập.

Hạ tầng số phải đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để phát triển hạ tầng số. Ảnh: Trọng Đạt

CĐS thì cần hạ tầng số. Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng công nghệ như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng số Việt Nam thì phải dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Năm 2023 này là năm thương mại hoá 5G và điện toán đám mây. 5G và điện toán đám mây là hai thành tố quan trọng vào loại bậc nhất của hạ tầng số. Cả hai hạ tầng này sẽ được triển khai mạnh mẽ từ năm nay, để đến 2025, Việt Nam có hạ tầng 5G và điện toán đám mây hiện đại, thuộc nhóm 50 các nước dẫn đầu.

Người nào nắm nền tảng số người đó nắm dữ liệu và sẽ quyết định tất cả. Phát triển các nền tảng số Việt Nam là lời giải chính cho CĐS Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

CĐS thì tạo ra kinh tế số (KTS) và KTS sẽ là động lực tăng trưởng chính. Nghị quyết TW 6 Khoá XIII nhấn mạnh, CĐS là một phương thức phát triển mới giúp đẩy nhanh, rút ngắn quá trình công nghiệp hoá (CNH), hiện đại hoá (HĐH) đất nước. CNH là CĐS lĩnh vực chế biến, chế tạo và sản xuất. HĐH là CĐS toàn diện, cả kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị và môi trường. Nhưng trọng tâm của CĐS vẫn là nhắm vào tăng trưởng kinh tế. Dự kiến hết năm nay, KTS của Việt Nam sẽ chiếm 17% GDP, và vẫn tiếp tục tăng trưởng trên 20% một năm. KTS của Việt Nam sẽ là trên 20% GDP vào năm 2024, tức là chúng ta sẽ về đích sớm 1 năm so với mục tiêu Đại hội XIII đặt ra.

Để thúc đẩy phát triển KTS mạnh mẽ hơn nữa, Bộ TT&TT sẽ làm việc với từng bộ, ngành để xác định và phát triển các nền tảng số ngành. Chúng giống như hạ tầng của các ngành trên không gian mạng.

CĐS phải dựa trên các nền tảng số. Trong không gian mạng thì người nào nắm nền tảng số người đó nắm dữ liệu, và vì nắm dữ liệu mà người đó sẽ quyết định tất cả. Bởi vậy, CĐS Việt Nam mà không dựa trên các nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi chính từ CĐS Việt Nam lại không phải Việt Nam. Phát triển các nền tảng số Việt Nam là lời giải chính cho CĐS Việt Nam.

An toàn số mức cơ bản để bảo vệ cho mọi người dùng viễn thông, Internet phải là trách nhiệm của nhà mạng. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

CĐS thì phải có đầu tư tập trung. Thời CNTT thì mỗi cấp, mỗi đơn vị một hệ thống CNTT riêng biệt, và vì vậy mà ngân sách CNTT chia hết cho từng bộ ngành, từng địa phương, không còn ngân sách cho các hệ thống dùng chung. Nhưng đặc trưng cơ bản nhất của thời CĐS là các nền tảng số dùng chung.

Một nền tảng, một phần cứng, một phần mềm dùng chung cho cả Trung ương, cho cả các bộ, ngành, các địa phương và cả 10.500 xã. Bởi vậy, ngân sách CNTT phải dành ra một phần để đầu tư các trung tâm dữ liệu quốc gia, các nền tảng số quốc gia dùng chung, sau đó còn lại mới chia ra cho các bộ, ngành và địa phương. Cách đây trên 20 năm là mô hình đầu tư CNTT tập trung, hơn 10 năm trở lại đây là phân tán, thì nay là kết hợp tập trung và phân tán. Bộ TT&TT sẽ đề xuất Chính phủ về cái gì tập trung, cái gì phân tán.

Giải pháp Ứng dụng du lịch thông minh MobiFone Smart Travel tại Diễn đàn Make in Việt Nam lần thứ 4.

CĐS thì cần an toàn số. An toàn số mức cơ bản để bảo vệ cho mọi người dùng viễn thông, Internet phải là trách nhiệm của nhà mạng. Trước đây, chúng ta đi theo cách dùng phần mềm cài vào từng thiết bị của người dân, tiếp cận theo hướng đây là trách nhiệm của người dân. Nhưng không thành công. Thì nay, chúng ta thực hiện việc này tại thiết bị của nhà mạng và coi đây là trách nhiệm bảo vệ khách hàng của nhà mạng, và miễn phí. Việc bảo vệ có thể được thực hiện ngay với mọi thiết bị của khách hàng, ngoài ra, khách hàng có thể yêu cầu cấu hình thêm, thí dụ chỉ cho con cái chơi game vào những giờ, những ngày nhất định. Đây là bước tiến căn bản để tạo ra niềm tin số. Phải có niềm tin số thì mới có CĐS.

CĐS tạo ra cơ hội mỗi người có một trợ lý. Công nghệ số đã tạo ra quá nhiều thông tin, nhưng ít tạo ra tri thức và sự thấu hiểu. Đã đến lúc công nghệ số phải giúp con người tạo ra nhiều hơn tri thức và sự thấu hiểu từ quá nhiều thông tin, quá tải thông tin. Và AI, trợ lý ảo là lời giải cho câu chuyện này. Mỗi người một trợ lý ảo chính là cách tốt nhất để tăng năng suất lao động.

Phát triển trợ lý ảo cho công viên chức nhà nước. Một trong những ứng dụng hiệu quả nhất mà AI mạng lại, nhất là khi xuất hiện “generative AI” dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn, là trợ lý ảo. Trợ lý ảo là đặc biệt hữu dụng đối với các loại lao động dựa trên quy định, như công chức Nhà nước, vốn chỉ được phép làm những gì mà pháp luật quy định. Với cả một “rừng” các quy định thì trợ lý ảo sẽ giảm tải, giảm gánh nặng, giảm rủi ro pháp lý, tăng chất lượng, tăng năng suất lao động cho công viên chức Nhà nước.

Trợ lý ảo đã được phát triển từ rất lâu, nhưng chỉ khi xuất hiện mô hình ngôn ngữ lớn thì mới có sự phát triển mang tính đột phá. Trợ lý ảo cho hệ thống công viên chức Nhà nước là một bước tiến lớn của Chính phủ số. Việc xây dựng trợ lý ảo công viên chức Nhà nước sẽ đi cùng với phát triển mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt. Mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt cũng sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp khác phát triển các loại trợ lý ảo tiếng Việt khác, thí dụ trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho mọi người dân. Bộ TT&TT đang chủ trì hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển các nền tảng trợ lý ảo này.

Từ nay đến cuối năm, để thúc đẩy CĐS quốc gia, Bộ TT&TT cũng đang tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành một số chiến lược quốc gia rất quan trọng: Chiến lược Công nghiệp công nghệ số, Chiến lược Công nghiệp bán dẫn, Chiến lược Dữ liệu.

Xin chúc tất cả các đồng chí sức khoẻ, niềm vui và thành công, hoàn thành các nhiệm vụ CĐS của năm 2023 và chuẩn bị tốt cho CĐS năm 2024 với nhiều đổi mới và bứt phá!

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/kinh-te-so-se-la-dong-luc-tang-truong-chinh-2165138.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/kinh-te-so-se-la-dong-luc-tang-truong-chinh-2165138.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế số sẽ là động lực tăng trưởng chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO