Kiều bào trẻ và nỗ lực gìn giữ, lan tỏa tiếng Việt

Minh Thái| 15/10/2024 10:18

"Tròng trành" hay "chòng chành", đâu mới là cách dùng đúng? "Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay" nghĩa là gì? Những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng lại gợi mở sự phong phú của ngôn ngữ tiếng Việt. Đây là một trong những chủ đề mà trang Facebook “Tiếng Việt giàu đẹp” do anh Lê Trọng Nghĩa, một kỹ sư phần mềm sống tại Tokyo, Nhật Bản, thường xuyên giải đáp cho cộng đồng người Việt xa quê.

Hành trình của dự án “Tiếng Việt giàu đẹp”

Dự án "Tiếng Việt giàu đẹp" bắt đầu năm 2012 như một sở thích cá nhân của Nghĩa khi anh là học sinh lớp 11. Khi ấy, đó là nơi để Nghĩa chia sẻ các bài viết về tiếng Việt và văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, sau khi sang Nhật du học vào năm 2015 và ở lại làm việc, Nghĩa nhận ra rằng tiếng Việt là một người bạn trân quý bởi "dù cho có thông thạo tiếng nước ngoài đến đâu thì cũng chẳng thể nào dùng thứ tiếng ấy để diễn đạt được hết tâm tư, tình cảm như tiếng nói quê mình". Từ đó anh quyết định quyết định phát triển trang "Tiếng Việt giàu đẹp" không chỉ nhằm lan tỏa tình yêu tiếng Việt mà còn giúp gìn giữ ngôn ngữ trong cộng đồng kiều bào.

Kiều bào trẻ và nỗ lực gìn giữ, lan tỏa tiếng Việt
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa (thứ hai từ trái qua), người sáng lập trang "Tiếng Việt giàu đẹp". (Ảnh: Nguyễn Trọng Nghĩa)

Dự án thực sự được biết đến rộng rãi sau sự kiện “Ngày Tôn vinh tiếng Việt” (21/2 - Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ được UNESCO công nhận) vào năm 2021, thu hút sự tham gia của đông đảo cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Để chào mừng sự kiện này, nhóm của Nghĩa tổ chức hai cuộc thi viết ca ngợi tiếng Việt và "Tiếng Việt qua tranh vẽ". Năm 2022, "Tiếng Việt giàu đẹp" tiếp tục tổ chức chuỗi sự kiện kỷ niệm ngày 21/2, bao gồm đăng tải loạt truyện dài kỳ về tiếng Việt, tổ chức cuộc thi viết "Tiếng Việt muôn màu", thi hát "Tiếng Việt trong những lời ca". Nhóm cũng tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến mang tên "Tiếng Việt trong tôi" với sự tham gia của PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và TS Nguyễn Thế Dương - Giám đốc Trường Yêu tiếng Việt tại Úc.

Từ một trang Facebook, “Tiếng Việt giàu đẹp” đã chuyển mình thành một tổ chức phi lợi nhuận với hàng loạt dự án bảo tồn tiếng Việt. Hiện nay, fanpage của tổ chức có hơn 148.000 người theo dõi, tiếp cận hàng ngàn người trẻ Việt ở nước ngoài.

Anh Nghĩa chia sẻ: “Tiếng Việt giàu đẹp” không chỉ là tên của tổ chức mà còn là thông điệp mà tất cả những thành viên muốn gửi gắm đến cộng đồng. Chúng tôi không dừng lại ở việc tìm hiểu cái hay, cái đẹp của tiếng Việt mà còn muốn lan tỏa những cái hay, cái đẹp đó đến với cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ. Với các bài viết gần gũi, sinh động, chúng tôi hy vọng mang đến một góc nhìn thân thiện hơn về ngôn ngữ học, đồng thời khơi dậy niềm tự hào về sự đa dạng, phong phú của tiếng nói quê nhà. Từ đó, mỗi người con Việt sẽ tự nâng cao ý thức giữ gìn, lan tỏa và phát huy những giá trị cao đẹp của tiếng Việt thân thương”.

Lan tỏa tiếng Việt qua văn học và giảng dạy

Câu chuyện giữ gìn tiếng Việt không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu ngôn ngữ, mà còn được thể hiện qua văn học và giảng dạy. Tại Trại hè Việt Nam 2024, Nguyễn Nam Khánh, một thanh niên gốc Việt đang sinh sống tại Pakistan, đã mang theo cuốn "Truyện Kiều" của Nguyễn Du để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Khánh tin rằng văn học là cầu nối giữa cậu và quê hương, giúp duy trì sự kết nối về ngôn ngữ và văn hóa.

“Em thường tìm bản dịch tiếng Anh của "Truyện Kiều" để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè bản xứ”, Khánh nói.

Khánh còn truyền tải tiếng Việt qua những buổi gặp gỡ bạn bè quốc tế. Những bữa ăn truyền thống Việt Nam mà Khánh tổ chức tại nhà đã trở thành cơ hội tuyệt vời để cậu giới thiệu về ngôn ngữ, văn hóa và nguồn cội của mình.

Trong khi đó, Lê Nguyễn Lưu An, một kiều bào trẻ tại Malaysia, chọn cách bảo tồn tiếng Việt bằng việc giảng dạy. Cùng mẹ mình, An tham gia giảng dạy cho con em kiều bào tại Câu lạc bộ tiếng Việt. “Mỗi ngày nhìn các em tiến bộ, có thể viết, đọc và giao tiếp bằng tiếng Việt, em cảm thấy rất tự hào”, An cho biết. Việc dạy tiếng Việt không chỉ giúp các em duy trì ngôn ngữ mà còn gắn kết các thế hệ trong gia đình, giúp các em gần gũi hơn với cội nguồn văn hóa.

Công nghệ - Cầu nối bảo tồn tiếng Việt

Trong thời đại số, công nghệ mở ra nhiều cơ hội cho việc bảo tồn và lan tỏa tiếng Việt. Các ứng dụng học tiếng Việt như Monkey Junior, Duolingo... là công cụ hữu ích cho nhiều bạn trẻ. Tại Chiba (Nhật Bản), bé Bùi Lê Bảo Châu (9 tuổi) đã học tiếng Việt thông qua phần mềm Monkey Junior. Với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, ứng dụng đã thiết kế nhiều bài giảng gần gũi dễ hiểu để trẻ em người Việt ở nước ngoài cũng có thể học tiếng Việt cách dễ dàng. Châu cho biết: “Con học được cách đánh vần và viết tiếng Việt. Nhờ ứng dụng mà việc học tiếng Việt trở nên thú vị hơn rất nhiều”.

Cùng với các ứng dụng, học tiếng Việt qua truyền hình cũng là một phương thức để thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài học ngôn ngữ quê hương. Lên sóng từ năm 2018, chương trình "Xin chào Việt Nam" do VTV4 sản xuất với những hình thức thể hiện mới mẻ là địa chỉ học tiếng Việt quen thuộc dành cho người Việt ở nước ngoài. Với các tập trải nghiệm văn hóa và đời sống tại Việt Nam cùng người nước ngoài, chương trình không chỉ cung cấp kiến thức ngôn ngữ mà còn mang lại cái nhìn gần gũi về quê hương cho người Việt ở xa xứ.

Learn Vietnamese With Annie
Annie, cô gái gốc Việt sống tại Úc giúp nhiều bạn trẻ học tiếng Việt qua kênh YouTube "Learn Vietnamese With Annie". (Ảnh: Learn Vietnamese With Annie)

Bên cạnh đó, các kênh YouTube như "Learn Vietnamese With Annie" cũng trở thành địa chỉ phổ biến giúp giới trẻ gốc Việt tiếp cận ngôn ngữ. Với cách dạy sáng tạo và thực tế, Annie, một cô gái gốc Việt sống tại Úc, đã thu hút gần 40.000 lượt người đăng ký. Những câu chuyện đời thường, tình huống giao tiếp thực tế mà Annie đưa vào bài giảng đã giúp nhiều bạn trẻ dễ dàng học tiếng Việt và tiếp cận với văn hóa Việt Nam.

Các cộng đồng trực tuyến cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn tiếng Việt. Những nhóm Facebook, diễn đàn đã thu hút hàng ngàn thành viên từ khắp nơi, nơi mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm học tập, tài liệu và câu chuyện về ngôn ngữ mẹ đẻ.

Nỗ lực bảo tồn tiếng Việt của giới trẻ kiều bào không chỉ là câu chuyện cá nhân, mà còn là sự kết hợp giữa công nghệ và lòng tự hào dân tộc. Từ các dự án phi lợi nhuận đến sự hỗ trợ của công nghệ, giới trẻ Việt ở nước ngoài đang từng bước giữ gìn và lan tỏa vẻ đẹp của ngôn ngữ quê hương, giữ vững bản sắc văn hóa trong lòng mỗi người con Việt Nam xa xứ.

Bài liên quan
  • Ba nữ ứng viên gốc Việt tranh cử tại Bỉ
    Ngày 13/10, cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp tại Bỉ diễn ra với sự tham gia của ba nữ ứng viên gốc Việt tại thủ đô Brussels, Bỉ. Ba ứng viên này đại diện cho ba đảng khác nhau, bao gồm Quynh Iris Nguyen - de Prelle (đảng Les Engagés, quận Woluwe-Saint-Lambert), Hằng Nguyễn (đảng MR-GM-Engagés, quận Watermael-Boitsfort) và Lê Janssens de Bisthoven Kim Bi (đảng DÉFI, quận Woluwe-Saint-Pierre).
  • Kiều bào xây dựng ý kiến về Đề án chính sách về kiều hối hoàn toàn mới của TP.HCM
    Ngày 11/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã diễn ra hội nghị triển khai Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030.
  • Những Tủ sách tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài
    Sau 2 năm triển khai, đã có 6 Tủ sách tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài tại 5 nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hungary, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Séc. Đây là một điểm sáng trong việc lan toả tiếng Việt của Uỷ ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNNVNVNONN) và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN).
  • Giáo sư người Việt có lời giải đột phá, giúp đại học Mỹ dẫn đầu về đại số
    Giáo sư Phạm Hữu Tiệp đã giúp giải quyết hai vấn đề từng khiến các nhà Toán học thế giới đau đầu trong nhiều thập kỷ. Những phát hiện của ông góp phần đưa Khoa Toán, Đại học Rutgers (Mỹ) tăng cường hiện diện trên trường quốc tế.
  • Hành trình về nguồn của thế hệ trẻ gốc Việt: khám phá bản sắc qua tiếng mẹ đẻ
    Daniel Nguyễn Hoài Tiến sinh ra và lớn lên tại quận Cam (California, Mỹ) trong một gia đình gốc Việt, nhưng anh không có nhiều cơ hội tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ khi còn nhỏ. Bước ngoặt đến với Daniel vào thời điểm anh tham gia khóa học tiếng Việt tại Đại học California, San Diego. "Đó là bước ngoặt đầu tiên để tôi khám phá ngôn ngữ của cội nguồn mình", Daniel chia sẻ.
  • Tiếng Việt và hành trình vươn ra thế giới
    Với khoảng 6 triệu người Việt sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là cầu nối văn hóa giữa các thế hệ người Việt với quê hương. Cộng đồng người Việt đang tích cực đóng góp vào sự phát triển văn hóa - xã hội của địa phương nơi họ sinh sống. Nhu cầu bảo tồn và phát huy tiếng Việt như một phần bản sắc dân tộc đang được chú trọng, với tiềm năng để ngôn ngữ này được công nhận chính thức tại nhiều quốc gia.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Kiều bào trẻ và nỗ lực gìn giữ, lan tỏa tiếng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO