Ngày 27/11, Sở Y tế TP.HCM cho biết tính đến nay đơn vị này đã cấp phép hoạt động cho 10 cơ sở tư nhân trong lĩnh vực ung ứng dịch vụ vận chuyển cấp cứu, trong đó 2 cơ sở đóng cửa.
Sở Y tế TP đã tiến hành kiểm tra toàn diện 8 cơ sở đang hoạt động, phát hiện 6 cơ sở có sai phạm và bị đề nghị xử phạt vi phạm hành chính. Chỉ có 2 cơ sở chấp hành đúng quy định của pháp luật trong hoạt động dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh.
Trong số 6 cơ sở chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, các hành vi vi phạm được đoàn kiểm tra ghi nhận bao gồm:
- Không có bãi đậu xe theo như biên bản thẩm định của Sở Y tế (thời điểm xin cấp phép); chưa bổ sung kịp thời đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu trên xe cứu thương theo quy định; bổ sung, thay thế xe vận chuyển cấp cứu chưa qua thẩm định các điều kiện an toàn cho người bệnh.
- Sử dụng nhân sự chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh và chưa đăng ký hành nghề với Sở Y tế; không niêm yết công khai bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở, chưa kê khai giá thu theo quy định với Sở Y tế.
- Chưa lập sổ theo dõi vận chuyển người bệnh, theo dõi chuyên môn các ca cấp cứu, chuyển viện; chưa tiến hành thủ tục xin giấy xác nhận nội dung quảng cáo các dịch vụ cấp cứu, vận chuyển và hỗ trợ người bệnh theo quy định…
Lãnh đạo Sở Y tế TP đã tổ chức buổi gặp gỡ các cơ sở này trên địa bàn nhằm lắng nghe các doanh nghiệp và yêu cầu phải chấn chỉnh, tuân thủ các quy định pháp luật. Qua trao đổi, hầu hết cơ sở dịch vụ dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh chỉ đủ năng lực và điều kiện hỗ trợ vận chuyển người bệnh thông thường.
Sở Y tế TP cho biết sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng để phát hiện, xử lý dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh không phép; kiểm tra việc chấp hành pháp luật, quy định chuyên môn kỹ thuật, điều kiện hành nghề của các cơ sở đã được cấp phép.
Cơ quan này kêu gọi người dân khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh không phép, có dấu hiệu vi phạm, có thể gọi ngay đường dây nóng qua số 0989401155 hoặc phản ánh qua app “Y tế trực tuyến”.
Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, nhiều quốc gia có quy định riêng biệt cho 2 loại hình xe cứu thương không khẩn cấp (Ambulance) và xe cứu thương khẩn cấp (Emergency Ambulance).
Xe cứu thương không khẩn cấp sử dụng để vận chuyển người bệnh từ nhà đến cơ sở điều trị hoặc từ cơ sở này đến cơ sở khác, không can thiệp điều trị cấp cứu hoặc không cần tiếp tục hồi sức trên đường chuyển. Loại hình này không được trang bị hệ thống đèn ưu tiên gắn trên xe và không được trang bị còi hú, nhân viên đi theo xe không nhất thiết là chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện được đào tạo chính quy.
Trong khi đó, xe cứu thương khẩn cấp Emergency Ambulance dùng để đến hiện trường, người bệnh cần nhân viên y tế sơ cấp cứu rồi vận chuyển về bệnh viện để tiếp tục điều trị, cần tiếp tục hồi sức trên xe. Loại hình này phải được trang bị hệ thống đèn ưu tiên và còi hụ, nhân viên đi theo là bác sĩ chuyên khoa cấp cứu hoặc chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện được đào tạo chính quy…
Tại Việt Nam, khi Luật Khám chữa bệnh mới có hiệu lực từ tháng 1/2024, các cơ sở vận chuyển người bệnh cấp cứu phải có nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề cấp cứu viên ngoài bệnh viện.
Sở Y tế kiến nghị các trường thuộc khối ngành sức khoẻ sớm mở thêm mã ngành chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện và mở các khoá đào tạo cho loại hình nhân viên y tế này, kiến nghị Bộ Y tế sớm có quy định rõ hơn về các loại hình xe cứu thương như các nước phát triển trên thế giới.
Chuyến xe cấp cứu Cà Mau - TP.HCM có giá 16 triệu đồng, đắt hay không?Nhiều độc giả cho rằng phải điều xe từ TP.HCM xuống Cà Mau để chuyển bệnh nhân lên TP.HCM rất vô lý. "Chẳng lẽ Cà Mau không có một xe cấp cứu nào đủ tiêu chuẩn sao?", bạn đọc bình luận.