Citibank: Vàng thế giới có thể lên 3.000 USD/ounce
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/2, giá vàng miếng SJC đứng ở mức 78 triệu đồng/lượng (bán ra), thấp hơn so với mức cao kỷ lục 80,3 triệu đồng/lượng ghi nhận hôm 26/12.
Giá vàng giao ngay thế giới ở mức 2.027 USD/ounce (tương đương 60,9 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí), thấp hơn khoảng 17,1 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 21/2.
Giá vàng thế giới gần đây chững lại do đồng USD bất ngờ mạnh lên sau khi nhiều quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho rằng vẫn còn sớm để ngân hàng trung ương Mỹ đảo chiều chính sách tiền tệ, hạ lãi suất điều hành từ đỉnh cao 22 năm, do lạm phát vẫn còn ở mức cao.
Tuy nhiên, xu hướng trong trung và dài hạn của vàng vẫn được xác định là uptrend (tăng). Mặt hàng kim loại quý có thể vọt lên 3.000 USD/ounce, qua đó đẩy giá vàng miếng SJC trong nước có thể lên ngưỡng 110 triệu đồng/lượng.
Trong nhận định vừa được đưa ra trên CNBC, chuyên gia của Ngân hàng Citi dự báo, giá vàng thế giới sẽ sớm lên 3.000 USD/ounce (tương đương 90,2 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank ở mức 24.700 đồng/USD). Giá có thể cao hơn nếu tỷ giá USD/VND tăng trong tương lai.
Theo Aakash Doshi, trưởng nhóm phân tích hàng hóa khu vực Bắc Mỹ tại Citibank, giá vàng sẽ lên ngưỡng 3.000 USD/ounce trong vòng 12-18 tháng nếu kinh tế toàn cầu suy thoái sâu và nhà băng trung ương các nước tăng mua vàng như đã làm trong 3 năm gần đây.
Với mức chênh 17-20 triệu đồng, giá vàng miếng SJC có thể lên trên ngưỡng 110 triệu đồng/lượng ngay nửa cuối năm 2024 hoặc nửa đầu năm sau.
Theo Doshi, giá vàng thế giới sẽ lập kỷ lục cao mới vào cuối năm 2024.
Nhiều dự báo khác cũng cho rằng, giá vàng sẽ lập kỷ lục cao mới trong năm 2024. Trước đó, Ngân hàng Bank of America đưa ra dự báo vàng lên 2.400 USD/ounce trong năm 2024, cao hơn kỷ lục 2.100 USD/ounce ghi nhận vào gần cuối năm 2023.
Kịch bản nào khiến vàng thế giới lên 3.000 USD/ounce, SJC lên 110 triệu đồng/lượng?
Kịch bản có thể kéo giá vàng lên ngưỡng 3.000 USD/ounce chính là sức cầu của các ngân hàng trung ương tiếp tục gia tăng trong bối cảnh nhiều nước, trong đó có các nền kinh tế mới nổi, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Trong vài năm gần đây, sức cầu tiêu thụ vàng trên thế giới tăng vọt và lập kỷ lục trong năm 2023 với gần 5.000 tấn vàng khi căng thẳng địa chính trị tại Ukraine và Trung Đông dai dẳng và tăng trưởng kinh tế bết bát ở nhiều nước, trong đó có Trung Quốc.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), năm 2023, các ngân hàng trung ương mua ròng vàng nhiều thứ hai trong lịch sử, chỉ kém một chút so với lượng mua kỷ lục năm 2022.
Cụ thể, các ngân hàng trung ương đã mua ròng 1.037 tấn vàng trong năm qua. Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) mua vàng nhiều nhất thế giới với 225 tấn, nâng tổng dự trữ vàng chính thức của Trung Quốc lên 2.235 tấn. Theo sau là Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil.
Ông Aakash Doshi cho rằng, xu hướng phi đô-la hóa vẫn đang diễn ra. Khủng hoảng niềm tin vào USD sẽ diễn ra.
Theo Doshi, nếu trong năm 2024, ngân hàng trung ương các nước mua ròng 2.000 tấn vàng, lực đẩy đối với mặt hàng này sẽ rất lớn.
Tuy nhiên, để vàng lên được ngưỡng 3.000 USD/ounce, cần thêm yếu tố suy thoái kinh tế toàn cầu. Gần đây, nhiều tượng đài kinh tế thế giới như nước Anh, Đức và Nhật lao đao, gần đến suy thoái. Kinh tế Trung Quốc cũng lao dốc vì khủng hoảng bất động sản lan sang lĩnh vực tài chính.
Trên Kitco, chuyên gia Stuart O’Reilly đến từ Royal M cho rằng, nền kinh tế nước Anh đang rơi vào suy thoái, khiến nhiều nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn tại kênh đầu tư vàng.
Nếu Mỹ cũng rơi vào suy thoái, kinh tế toàn cầu khó tránh khỏi một cuộc khủng hoảng. Khi đó, Fed sẽ buộc phải hạ nhanh lãi suất, từ mức 5,25-5,5% hiện tại về 3%, thậm chí 1%, qua đó đẩy đồng USD sụt giảm và vàng sẽ tăng giá rất mạnh.
Dù vậy, khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu được đánh giá không cao.
Bên cạnh đó, tình trạng đình lạm - stagflation (tăng trưởng chậm kèm lạm phát) cũng là một yếu tố góp phần đẩy giá vàng tăng vọt.
Hiện giới đầu tư tìm kiếm manh mối về thời điểm Fed cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 3/2022. Nhiều dự báo cho rằng, Fed sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 6.
Còn ở trong nước, để giá vàng miếng SJC lên mức 110 triệu đồng/lượng, trước tiên, giá vàng thế giới phải vọt lên ngưỡng 3.000 USD/ounce. Bên cạnh đó, mức chênh giá vàng trong nước và thế giới phải được duy trì ở mức cao 17-20 triệu đồng/lượng như hiện tại.
Để giá vàng miếng SJC trong nước cao hơn hẳn giá vàng thế giới quy đổi, nguồn cung vàng trong nước tiếp tục khan hiếm như hiện tại và vàng miếng SJC vẫn là thương hiệu quốc gia độc quyền duy nhất.
Vào cuối tháng 12, khi vàng trong nước tăng vọt lên mức cao kỷ lục trên 80 triệu đồng/lượng và chênh lệch giá vàng rất lớn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ sửa Thông tư 24 về quản lý thị trường vàng (ban hành năm 2012) và đưa ra các giải pháp để ổn định thị trường này trong tháng 1/2024. Tuy nhiên, cho tới nay, cơ quan này vẫn chưa đưa ra giải pháp.
Tại Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu NHNN khẩn trương tổng kết Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. NHNN được yêu cầu phải đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới ngay trong quý I/2024.
Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, NHNN đã lấy ý kiến các bộ, ngành chức năng có liên quan, hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia về báo cáo tổng kết, đánh giá Nghị định 24.
Nếu NHNN có giải pháp, nhiều khả năng mức chênh giá vàng sẽ giảm xuống. Giá vàng miếng có thể chỉ ở mức trên dưới 100 triệu đồng/lượng nếu giá vàng thế giới lên 3.000 USD/ounce.
Mặc dù vậy, theo Ngân hàng Citi, khả năng 3.000 USD/ounce là thấp. Khả năng cao là giá vàng lên mức 2.150 USD nửa cuối 2024.