Tại cuộc họp ứng phó với bão số 5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai sáng 19/10, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết bão đã di chuyển vào vịnh Bắc Bộ và khả năng mạnh thêm trong những giờ tới.
Cơ quan khí tượng đã quan trắc được gió mạnh cấp 5, giật cấp 7 ở đảo Bạch Long Vĩ và nhận định khu vực hứng chịu gió mạnh nhất tập trung ở rìa mây phía bắc của cơn bão.
Chuyên gia cho biết sự tương tác của không khí lạnh tràn xuống vào ngày 20/10 có thể khiến bão đổi hướng và gây ra dông lốc, gió giật trên vịnh Bắc Bộ. Sau khi tiến vào vùng biển phía bắc vịnh Bắc Bộ, hình thái này khả năng quay ngược lại, đi theo hướng tây nam và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
"Hiện chưa có kịch bản nào dự báo bão có nguy cơ đi vào đất liền. Hình thái này nhiều khả năng sẽ tan trên biển trong ngày 21/10", ông Khiêm nói.
Chuyên gia cảnh báo từ đêm nay (19/10), hoàn lưu bão gây ra đợt mưa dông cho khu vực phía nam đồng bằng và Đông Bắc của Bắc Bộ. Lượng mưa phổ biến 15-30mm, có nơi trên 60mm. Trạng thái mưa dông khả năng kéo dài đến hết ngày 21/10.
Đồng thời, mưa lớn sẽ giảm dần và chấm dứt ở khu vực Trung Bộ.
Trong khi đó, mô hình dự báo của Hong Kong đưa ra nhận định bão khả năng mạnh 85km/h, tương đương cấp 9, giật cấp 12 ở thời điểm tiến vào khu vực phía bắc vịnh Bắc Bộ. Khi chuyển hướng đi theo tây nam, hình thái này vẫn duy trì sức gió mạnh nhất cấp 8 trong ngày 21/10, sau đó mới suy yếu.
Trên biển, vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) và vùng biển Quảng Trị có gió mạnh cấp 6-7. Vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Sóng cao 2-4m, sau tăng lên 3-5m, biển động rất mạnh.
Từ đêm 19/10, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh đến Thái Bình cũng có thể ghi nhận gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết bộ đội biên phòng các địa phương từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp để thông báo kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 54.000 phương tiện với trên 246.000 người biết diễn biến của bão để chủ động di chuyển vòng tránh, thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Đến 6h sáng 19/10, còn gần 2.000 tàu với trên 7.700 người hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão và đang di chuyển vòng tránh.
Kết luận cuộc họp, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, nhận định mặc dù dự báo cho thấy bão sớm tan trên biển và ít nguy cơ gây mưa lớn cho đất liền, các đơn vị vẫn không được chủ quan.
Ông Luận đề nghị sau khi mưa lớn giảm dần và chấm dứt ở miền Trung, đơn vị liên quan cần phối hợp với địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ người dân dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau đợt mưa lũ kéo dài vừa qua.