Xung đột giữa Nga và Ukraine rồi sẽ kết thúc, nhưng kết thúc như thế nào và khi nào vẫn chỉ là dự đoán. Một trong những câu hỏi quan trọng nhất là làm thế nào để đảm bảo an ninh tương lai của Ukraine và ai sẽ thực hiện nhiệm vụ đó.
Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào kết cục của cuộc xung đột hiện nay, nhưng có thể thấy rằng, nếu Nga chiến thắng và Ukraine không thể giành lại toàn bộ lãnh thổ, bất kỳ sự đảm bảo an ninh nào cho Kiev cũng chỉ là giải pháp một phần và rất mong manh.
Mặt khác, các quan chức và các nhà phân tích cho rằng, nếu không có đảm bảo an ninh, các nhà đầu tư có thể không muốn quay trở lại Ukraine và sẽ khó ngăn chặn một cuộc xung đột khác bùng phát trong tương lai.
Nếu Ukraine trở thành thành viên NATO
Phần lớn vấn đề hiện nay xoay quanh sự do dự của chính phương Tây. Họ muốn bảo vệ Ukraine nhưng lại không muốn chiến đấu vì Kiev và không muốn đối đầu quân sự trực tiếp với Nga. Phương Tây muốn tìm một giải pháp có thể răn đe Nga mà không khiêu khích Moscow.
Bà Nathalie Tocci, Giám đốc Viện Các vấn đề Quốc tế ở Rome, cho rằng, nếu Ukraine cố gắng giành lại cho dù chỉ là phần lãnh thổ đã mất kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2/2022, thì ở châu Âu và Mỹ sẽ ngày càng có nhiều tiếng nói rằng: “Hãy nhìn vào những chi phí đang phải trả, cả về dân sự và quân sự. Hãy thỏa hiệp”.
Dù vậy, theo bà, Ukraine sẽ muốn đổi lại những cam kết an ninh chắc chắn và điều đó có thể gây chia rẽ phương Tây: các nước Trung và Đông Âu ủng hộ Ukraine trở thành thành viên NATO, còn các nước Tây Âu lại không muốn như vậy.
Dù NATO và Liên minh châu Âu hứa hẹn Ukraine có thể trở thành thành viên, nhưng họ không đặt ra thời hạn và cũng không có cam kết chắc chắn nào. Việc phương Tây ủng hộ Ukraine là một trong những lý do Tổng thống Nga Vladimir Putin viện dẫn cho chiến dịch quân sự đặc biệt ngay từ đầu.
Chừng nào xung đột vẫn còn diễn ra, rất ít khả năng Ukraine có thể giành được sự ủng hộ cần thiết để gia nhập một trong hai tổ chức.
Ông Thomas Kleine-Brockhoff, Cố vấn quỹ Marshall Đức, cho biết cuộc xung đột kết thúc như thế cào cũng sẽ rất quan trọng.
“Nếu Nga thất bại hoàn toàn, khi đó Ukraine giải quyết được vấn đề Crimea và sẽ có một nước Nga khác”, ông nói. Tư cách thành viên NATO sau đó sẽ là một triển vọng dễ dàng hơn đối với Ukraine.
“Nhưng cái giá để [Ukraine] giành được chiến thắng toàn diện là rất lớn, và sau đó thì sao?”, ông Kleine-Brockhoff nói thêm.
Kịch bản Nga thất bại sẽ bao gồm cả rủi ro về sự leo thang của Moscow mà nhiều nhà lãnh đạo quốc gia NATO, bao gồm cả Tổng thống Biden, dường như không muốn mạo hiểm. Khi đó, một nước Nga hỗn loạn và được trang bị vũ khí hạt nhân có thể là điềm báo cho những điều tồi tệ hơn.
Nếu Ukraine không phải thành viên NATO
Bất cứ giải pháp nào khác mà không bao gồm tư cách thành viên NATO, sẽ tương tự như những lời hứa mà Ukraine coi là giả dối. Những hứa hẹn như vậy từng được phương Tây đưa ra vào năm 1994 trong Bản ghi nhớ Budapest. Khi đó Mỹ, Anh và Nga hứa hẹn về sự “đảm bảo an ninh” và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine để đổi lấy việc Kiev từ bỏ vũ khí hạt nhân thời Liên Xô.
Những đảm bảo đó không đi kèm với cam kết nào cả từ Nga, Mỹ và Anh. Thời gian đã chứng minh nó vô giá trị.
“Có một điều trớ trêu, việc không phải thành viên NATO sẽ đòi hỏi ở phương Tây nhiều hơn và lâu dài hơn so với việc Ukraine là thành viên chính thức”, ông Kleine-Brockhoff nhận định.
Một số ý kiến khác cho rằng các đồng minh riêng lẻ, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Ba Lan, có thể đưa binh sỹ của họ vào Ukraine hậu xung đột, theo cách mà NATO đã đưa các lữ đoàn đa quốc gia vào các quốc gia thành viên NATO có biên giới chung với Nga.
Tuy nhiên, sự hiện diện quân sự đáng kể ở một quốc gia không phải thành viên NATO sẽ bị Nga coi là hành động khiêu khích cao hơn và là minh chứng cho lập luận của Nga rằng NATO đang cố gắng tách Ukraine khỏi không gian [ảnh hưởng] của Nga.
Như tướng về hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy Lục quân Mỹ ở châu Âu nhận định, bảo đảm an ninh thực sự duy nhất cho Ukraine là tư cách thành viên NATO. Nhưng dù kết quả thế nào, ông nói, “nó phải dựa trên giả định rằng Nga sẽ không chấp nhận điều đó trừ khi họ bị ép buộc.”
Trong khi đó, ông Camille Grand, cựu trợ lý tổng thư ký NATO hiện đang làm việc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho rằng vẫn có khả năng xung đột kết thúc với việc Nga đã “đạt được một phần mục tiêu”.
“Việc Nga thất bại và Ukraine gia nhập NATO “chỉ là một kịch bản lạc quan”, ông nói.
Nếu Ukraine trung lập
Bất cứ giải pháp nào nếu không bao gồm tư cách thành viên NATO sẽ khó thuyết phục được Ukraine, nhưng trong các kế hoạch chiến tranh, Nga sẽ luôn giả định rằng Ukraine sẽ thực sự là một phần của NATO, tương tự như với Thụy Điển và Phần Lan.
Ông Stefano Stefanini, cựu nhà ngoại giao Italy tại Nga và cựu Đại sứ Italy tại NATO, cho rằng, ý tưởng về đảm bảo an ninh có thể đã lỗi thời. Mặc dù phức tạp nhưng sự đảm bảo thực sự duy nhất cho an ninh của Ukraine là tư cách thành viên NATO.
“Ngay cả khi Ukraine trở thành thành viên NATO, thì đó cũng là một liên minh phòng thủ và đi kèm với những hạn chế”, ông Stefanini nói.
Ông cũng cho rằng không thể loại trừ những tiến triển trong ngoại giao. Các cuộc đàm phán có thể dẫn tới cam kết về sự trung lập của Ukraine, nhưng không bắt buộc giải trừ quân bị. Dù vậy, bất cứ ai không phải là chính trị gia cũng có thể nhận thấy đó là giải pháp phi thực tế.
Theo ông Stefanini, “Chiến thắng hoàn toàn cho bất kỳ bên nào dường như không thể xảy ra”. Vì vậy, đến một lúc nào đó, các nhà ngoại giao sẽ phải sáng tạo, mang lại cho Ukraine một số triển vọng vững chắc về hòa bình và an ninh được các đồng minh bảo đảm bằng cách nào đó./.