Khủng hoảng lương thực: Ám ảnh kịch bản 2008

Vũ Đoàn Kết| 28/05/2022 09:25

Hạn hán, mất mùa tại nhiều nước, xung đột kéo dài tại Ukraine cùng chính sách đóng cửa khiến viễn cảnh về khủng hoảng lương thực hiện hữu hơn bao giờ hết.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres thảo luận với Nga và một số quốc gia khác về biện pháp giải quyết tình trạng thiếu lương thực toàn cầu. (Nguồn: AP)
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres thảo luận với Nga và một số quốc gia khác về biện pháp giải quyết tình trạng thiếu lương thực toàn cầu. (Nguồn: AP)

Ngày 4/5/2022, World Food Program (Chương trình lương thực thế giới), một tập hợp các tổ chức phát triển muộn nhất thế giới bao gồm cả Chương trình viện trợ lương thực Liên hợp quốc (WFP), đã công bố một báo cáo trong đó cảnh báo cuộc khủng hoảng lương thực thế giới hiện đang lên đến đỉnh điểm.

Theo báo cáo này, trên thế giới hiện có 800 triệu người thiếu lương thực, trong đó có 193 triệu người đang không được cung cấp đủ lương thực ở mức tối thiểu, “nhiều hơn 40 triệu người so với năm 2020”.

Tại Tây Phi, hiện có tới 27 triệu người đang thiếu đói trầm trọng. Đông Phi sẽ chứng kiến thêm 20 triệu người nữa đối mặt với nạn đói trong năm 2022. Tình hình hiện rất trầm trọng tại một số nước như Burkina Faso, Niger, Nigeria, Tchad, Mali, Kenya và Somalia. Tổ chức phi chính phủ Oxfam ước tính cứ 40 giây lại có một người bị chết đói.

Cũng theo báo cáo này, điểm chung của số cư dân châu Phi này là họ phụ thuộc rất lớn vào lương thực nhập khẩu từ Ukraine và Nga. Tuy nhiên, xung đột tại Ukraine từ tháng 2/2022 đã làm gián đoạn nguồn cung lương thực từ hai quốc gia chiếm tới 30% thị trường thế giới này.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng lúa mì và ngô của Ukraine năm 2022 sẽ chỉ đạt mức 25% và 50% so với năm 2021. Các quốc gia như Ai Cập hay Lebanon, vốn nhập 23% và 50% lúa mì từ Ukraine, sẽ đứng trước nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng.

Mặt khác, xung đột leo thang dẫn đến giá nhiên liệu tăng cao, làm giá lương thực cũng như các nhu yếu phẩm thiết yếu tăng mạnh, tác động lớn đến các nước phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài như các nước châu Phi và thậm chí là các nước châu Âu vốn có thể tự chủ về lương thực.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, các nước chậm phát triển phải chi 50% tiêu dùng quốc gia để nhập khẩu lương thực. Trong tháng 3/2022, chỉ số giá lương thực thế giới của Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO) tăng mức kỷ lục 17%. Theo Viện Nghiên cứu và Sáng tạo Pháp, giá dầu ăn, bột mì và mì sợi tại Pháp đã tăng lần lượt là 9,98%, 10,93% và 15,31% năm qua, mức kỷ lục kể từ 2008.

Nguy cơ hiện hữu

Kịch bản năm 2008 có lặp lại? Năm 2008, hàng loạt các cuộc bạo động do nạn đói đã bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới. Do gián đoạn nguồn cung từ Australia và do đầu cơ, giá lương thực ở các thành phố lớn tại các nước đang phát triển, nhất là ở khu vực Trung Đông - châu Phi, leo thang và tiêu tốn phần lớn thu nhập của bộ phận cư dân này. Đợt khủng hoảng lương thực kéo dài từ năm 2008 đến 2013 này được xem là một trong những nhân tố dẫn đến phong trào “Mùa Xuân Arab” năm 2011.

Đáng ngại thay, tình trạng khủng hoảng lương thực có nguy cơ lặp lại một lần nữa. Trong bản tin công bố ngày 6/5/2022 , Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) ước tính sản lượng lương thực năm 2021 đạt 2.799 triệu tấn, tăng 0,8 % so với năm 2020. Theo con số này, nhu cầu lương thực của nhân loại chỉ tương đương 2/3 sản lượng này. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở khả năng tiếp cận được nguồn lương thực đang dư thừa trên thế giới. Bởi lẽ, hơn 1/2 lượng lương thực sản xuất hàng năm lại được sử dụng vào mục đích chăn nuôi hay sản xuất nhiên liệu sinh học.

Trong khi đó, theo thống kê của Công ước Liên hợp quốc năm 1994 về chống sa mạc hóa (UNCCD), hơn 1/3 sản lượng nông nghiệp thế giới bị lãng phí do thiếu cơ sở hạ tầng bảo quản và chế biến ngay tại nơi sản xuất.

Một lý do khác có thể giải thích cho tình trạng khan hiếm và leo thang giá lương thực là tình trạng đầu cơ tích trữ. Từ đầu mùa hè năm nay, hạn hán tại Ấn Độ, châu Âu, mất mùa tại Trung Quốc cùng với xung đột kéo dài tại Ukraine tiếp tục làm đứt đoạn nguồn cung càng làm trầm trọng hơn tình hình khi thúc đẩy các nhà đầu cơ giữ hàng để tăng thêm lợi nhuận. Song điều này có thể để lại hệ quả nghiêm trọng.

Năm 2008, đầu cơ tích trữ lương thực là yếu tố quan trọng khơi mào khủng hoảng lương thực. Khi đó, nhiều nhà đầu tư tìm cách bảo toàn vốn trong khủng hoảng kinh tế bằng cách đầu cơ vào thị trường lương thực dài hạn. Trong năm 2022, khi giá nhiên liệu tăng cao, nhiều nước xuất khẩu năng lượng có thể sẽ dồn các nguồn thu thặng dư vào thị trường lương thực, góp phần làm tăng giá lương thực thế giới lên cao như những gì đã diễn ra vào năm 2008.

Ông Olivier De Schutter, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình trạng nghèo đói và nhân quyền cho rằng: “Các quỹ đầu tư đang đặt cược vào khả năng giá cả (lương thực) tăng cao và điều này nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực”. Việc Indonesia cấm xuất khẩu cọ dừa trước đó, hay chính sách mới đây của Ấn Độ về hạn chế xuất khẩu lương thực phản ánh phần nào cách thức các quốc gia riêng lẻ ứng phó với những biểu hiện của khủng hoảng lương thực.

Người dân tiếp nhận lương thực tại Nam Sudan. (Nguồn: AP)
Người dân tiếp nhận lương thực tại Nam Sudan. (Nguồn: AP)

Trách nhiệm không của riêng ai

Trước thách thức của cuộc khủng hoảng, LHQ và hàng loạt các thể chế quốc tế đã phải lên tiếng kêu gọi các quốc gia hành động có trách nhiệm nhằm tránh lặp lại kịch bản năm 2008.

Vấn đề an ninh lương thực toàn cầu đã trở thành một trong những nội dung thảo luận quan trọng tại Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp các nước Nhóm G7 (Stuttgart, Đức) nhóm họp trong hai ngày 13 và 14/5. Hội nghị cũng kêu gọi Nga cho phép Ukraine xuất khẩu tối thiểu 25 triệu tấn lương thực. Sau cuộc họp, Bộ trưởng Nông Nghiệp Đức Cem Ozdemir chỉ trích Ấn Độ về quyết định “hạn chế xuất khẩu lúa mì, đóng cửa thị trường, làm nghiêm trọng thêm khủng hoảng, gây hại cho Ấn Độ và nông dân nước này”.

Một tuần sau, ngày 19/5, tại Hội nghị về xung đột và an ninh lương thực, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trên tư cách chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an LHQ, kêu gọi Nga “ngừng phong tỏa các cảng ở Biển Đen, ngừng đe dọa hoặc từ chối xuất khẩu lương thực và phân bón tới những nước chỉ trích hành động” của Nga tại Ukraine.

Ông Blinken cáo buộc “nguồn cung lương thực cho hàng triệu người Ukraine và người dân trên thế giới đang bị quân đội Nga bắt làm con tin theo nghĩa đen”.

Đáp trả chỉ trích của Mỹ, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố: “Nga luôn sẵn sàng thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ. Nhưng chúng tôi cũng mong được đối tác thương mại hỗ trợ, bao gồm trên các nền tảng quốc tế”.

Trong bối cảnh các quốc gia và tổ chức quốc tế đang quan tâm đến an ninh lương thực, ngày 19/5, Ngân hàng thế giới công bố “chương trình hành động” trị giá 30 tỷ USD để ứng phó với nạn đói và củng cố an ninh lương thực thế giới: 18 tỷ USD từ nguồn vốn chưa sử dụng cùng 12 tỷ USD bổ sung khẩn cấp trong 15 ngày tới đều hướng đến hỗ trợ nông nghiệp tại châu Phi, Trung Đông, Đông Âu, Trung và Nam Á.

Phát biểu về nỗ lực này, Chủ tịch Ngân hàng thế giới David Malpass khuyến nghị các nước “phối hợp các nỗ lực”, không chỉ tăng nguồn cung về năng lượng, phân bón, hỗ trợ nông dân sản xuất và tăng sản lượng, mà còn “dỡ bỏ các chính sách đang cản trở việc xuất và nhập khẩu (…) hay khuyến khích việc tích trữ vô ích”.

Tại Hội nghị hôm 19/5, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi Nga hỗ trợ giải phóng xuất khẩu lương thực của Ukraine nhằm ngăn chặn khủng hoảng đang hiện hữu. Theo ông, “các tuyến vận tải thay thế” cho hàng hải “có thể phải được nghiên cứu cho dù chúng ta biết rõ điều đó không đủ để giải quyết vấn đề”.

Ngoài ra, Tổng thư ký LHQ cũng kêu gọi đảm bảo khả năng “tiếp cận không giới hạn” với dự trữ lương thực và phân bón của Nga, vốn bị hạn chế bởi cấm vận về giao dịch tài chính. Theo ông, đảm bảo an ninh lương thực thế giới sẽ “đòi hỏi thiện chí của tất cả các bên”, cho dù đó là Nga, Ukraine, Mỹ, EU, Ấn Độ, Indonesia hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/khung-hoang-luong-thuc-am-anh-kich-ban-2008-185055.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/khung-hoang-luong-thuc-am-anh-kich-ban-2008-185055.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
  • Chính trường thế giới 2024: Xáo động từ Đông sang Tây
    Chính trường thế giới năm 2024 chứng kiến nhiều diễn biến nóng quan trọng từ Đông sang Tây, từ cuộc bầu cử Mỹ, vụ thiết quân luật ở Hàn Quốc, nội chiến ở Syria, đến biến động chính trường Pháp, Đức...
  • Khi hẹn hò online thành bẫy tình nguy hiểm
    Từ tình online tới tình đời là ranh giới mong manh trong thời đại số hiện nay và “chuyện cổ tích” chỉ là con số cá biệt. Nhiều chị em bị lừa dối rơi vào trạng thái chông chênh, bất ổn, bị trầm cảm, tuyệt vọng về niềm tin, không ít người phải tìm đến chuyên gia tâm lý, tiền mất tật mang. nỗi đau đời mà những cuộc hẹn hò online gây ra sẽ còn dai dẳng mãi chưa thôi…
  • Bài thi cảm động của cô bé mắc bệnh u nguyên bào võng mạc
    "Dù thật buồn vì năm nay bệnh cũ tái phát nên em chưa được đến lớp và phải đi chữa trị nhưng luôn có những dòng tin nhắn hỏi han của cô và các bạn nên em mạnh mẽ lắm, tiêm đau cũng không khóc. Em nhớ trường, nhớ lớp...", đó là tâm sự khiến độc giả nghẹn lòng của Trần Bảo Anh - cô học trò mắc bệnh u nguyên bào võng mạc.
  • Khắc tinh của những 'anh trai say bye' xuyên quốc gia
    Sau nhiều năm nỗ lực đàm phán, Công ước Hà Nội về tội phạm mạng đã đứng trước thềm được ký, phê duyệt và có hiệu lực.
  • Quảng Bình ‘chốt’ các tên mới sau khi hợp nhất sở, ngành
    Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Bình đã ban hành kết luận thống nhất việc hợp nhất sở, ngành cũng như thống nhất nhiều tên mới sau khi hợp nhất, sáp nhập.
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng lương thực: Ám ảnh kịch bản 2008
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO