Hồi chuông báo tử
Tại phiên điều trần với Hạ viện vừa qua, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall cho biết, cuộc thử nghiệm nguyên mẫu hoàn chỉnh của tên lửa siêu vượt âm AGM-183A vào giữa tháng 3 đã không thành công. Trước đó, không quân Mỹ chỉ thông báo rằng kết quả thử nghiệm trên đáp ứng một số mục tiêu mà không tiết lộ chi tiết.
Theo trang EurAsian Times, vụ phóng có thể đã thất bại bởi thông báo trên khác với vụ thử hồi tháng 12 năm ngoái, khi không quân Mỹ khẳng định nguyên mẫu hoạt động thành công và đáp ứng tất cả mục tiêu. “Những thử nghiệm mà chúng tôi vừa tiến hành đã không thành công. Chúng tôi không nhận được dữ liệu cần thiết”, trang EurAsian Times dẫn lời Bộ trưởng Kendall.
Nguyên mẫu của tên lửa AGM-183A được gắn dưới cánh máy bay B-52 trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: USAF |
Tên lửa AGM-183A do nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin sản xuất nằm trong khuôn khổ chương trình Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ máy bay (ARRW). Đây một trong những chương trình tên lửa siêu vượt âm đang được không quân Mỹ tiến hành, bên cạnh các dự án vũ khí siêu vượt âm của những quân chủng khác. Theo thiết kế, tên lửa dành riêng cho máy bay ném bom chiến lược B-52 này được thả rơi tự do như bom thông thường, sau đó tự kích hoạt động cơ để giúp đầu đạn đạt tốc độ và độ cao phù hợp. Vỏ bảo vệ sau đó bung ra và đầu đạn lướt tới mục tiêu với tốc độ hơn 6.000km/giờ. Mỗi chiếc B-52 có thể mang tối đa 4 quả tên lửa.
Phiên điều trần trên không đề cập đến việc loại bỏ dự án tên lửa AGM-183A. Phía không quân Mỹ cho biết sẽ vẫn hoàn thành nốt hai đợt thử nghiệm nữa, sau đó mới đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi tới Hạ viện Mỹ, Trợ lý Bộ trưởng Không quân Mỹ Andrew Hunter nêu rõ, hiện tại lực lượng này không lên kế hoạch dành bất kỳ khoản tiền nào trong ngân sách 5 năm tới cho chương trình ARRW. Mặc dù vẫn tiếp tục tồn tại, ít nhất là cho đến khi các cuộc thử nghiệm hoàn tất theo kế hoạch nhưng sẽ không có tiền hỗ trợ và cũng không có đơn đặt hàng tên lửa AGM-183A. Điều đó đồng nghĩa với “hồi chuông báo tử” đối với chương trình này.
Ngã rẽ mới
Việc dừng chương trình ARRW là tin xấu đối với Tập đoàn Lockheed Martin, nhưng lại có thể là một động lực cho các nhà thầu khác. Sau màn thể hiện đáng thất vọng của tên lửa AGM-183A, không quân Mỹ chuyển hướng đầu tư sang loại vũ khí hứa hẹn tiếp theo: Tên lửa hành trình tấn công siêu vượt âm (HACM) của Tập đoàn Raytheon.
Trong phác thảo của mình, Raytheon mô tả tên lửa HACM nhỏ gọn hơn đáng kể so với tên lửa AGM-183A. Do kích thước lớn, tên lửa AGM-183A chỉ được triển khai trên tàu sân bay hoặc máy bay ném bom chiến lược, trong khi tên lửa HACM lại có thể trang bị trên nhiều nền tảng máy bay giúp tăng khả năng chiến đấu của không quân Mỹ. Theo thông tin sơ bộ, các tiêm kích F-15EH của không quân Mỹ sẽ là những phương tiện đầu tiên tham gia vào dự án phát triển tên lửa HACM.
Việc hủy bỏ chương trình ARRW cũng như dự kiến tên lửa HACM chỉ sẵn sàng thử nghiệm vào năm 2025 và biên chế sớm nhất vào năm 2027 nếu mọi thứ suôn sẻ khiến Mỹ tiếp tục chật vật với “trò đuổi bắt” trước những tiến bộ của Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm. Tên lửa siêu vượt âm được coi là “vũ khí vô hình” do tốc độ bay hành trình rất cao (ít nhất gấp 5 lần tốc độ âm thanh hay Mach 5) để tránh được phần lớn hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay. Hiện Bắc Kinh và Moscow là hai gương mặt duy nhất tuyên bố đang khai thác tên lửa loại này.
VĂN HIẾU