Sáng nay, tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, UBND TP Hà Nội tổ chức chương trình "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 25 năm Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" (Ảnh: Thành Đông).
Tham dự chương trình có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng lãnh đạo các ban, bộ ngành TƯ, TP Hà Nội, đại biểu đại diện các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao và đông đảo nhân dân Thủ đô.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dâng hương trước Tượng đài Vua Lý Thái Tổ (Ảnh: Thành Đông).
Ngày hội là dịp quy tụ giao lưu lớn nhất giữa các nghệ nhân, nghệ sĩ và nhân dân đại diện cho 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô. Hơn 8.000 người, bao gồm 5.000 người dân và đại diện các lực lượng từ các quận, huyện, thị xã tham gia vào các màn diễu hành, trình diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, bao gồm những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO và quốc gia công nhận, cùng những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của Thủ đô (Ảnh: Thành Đông).
Phần mở đầu tái hiện lễ chào cờ đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 10/10/1954, sau khi Thủ đô được giải phóng (Ảnh: Thành Đông).
Màn thực cảnh hùng tráng mang tên "Ngày về chiến thắng", tái hiện lại thời khắc lịch sử trọng đại của Thủ đô và đất nước ngày 10/10/1954 (Ảnh: Thành Đông).
Đoàn quân tiến về Hà Nội trong thời khắc lịch sử ngày 10/10/1954, khi Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp quản Thủ đô, đánh dấu sự kết thúc ách đô hộ của thực dân Pháp (Ảnh: Thành Đông).
Đoàn quân trở về Thủ đô trong sự chào đón hân hoan của người dân bên đường (Ảnh: Đỗ Ngọc Lưu).
Những hình ảnh quen thuộc như Cầu Long Biên, nơi đoàn quân tiến vào tiếp quản Thủ đô hay Cột cờ Hà Nội, nơi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong lễ chào cờ đầu tiên vào ngày 10/10/1954 được tái hiện rõ nét (Ảnh: Đỗ Minh Quân, Thành Đông).
"Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" là sự kiện văn hóa lớn của Hà Nội, được kỳ vọng tạo ra hiệu ứng truyền thông đặc biệt, lan tỏa giá trị lịch sử và văn hóa của Thủ đô đến với cả nước cùng với bạn bè quốc tế (Ảnh: Thành Đông).
Một cô gái Nga tham dự buổi lễ chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất thích thú với cuộc diễu hành, rất nhiều màu sắc, ánh sáng và rất đẹp mắt, tôi yêu Hà Nội cùng những con người Việt Nam" (Ảnh: Đỗ Minh Quân).
"Tôi cảm thấy rất tự hào, vinh dự khi được tham gia đội diễu hành, không khí cuộc diễu hành hôm nay rất hào hứng", chị Mộc Thúy (sống tại Gia Lâm) nói (Ảnh: Đỗ Minh Quân).
Thông qua sự kiện này, Hà Nội không chỉ khẳng định vị thế của thành phố lịch sử, văn hóa mà còn là trung tâm du lịch, kinh tế, chính trị quan trọng của cả nước (Ảnh: Đỗ Minh Quân).
Việc tổ chức "Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" cũng là một phần trong chiến lược phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa gắn với các sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô hàng năm, góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa và phát triển kinh tế bền vững cho Thủ đô (Ảnh: Đỗ Ngọc Lưu).