Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trẻ em không thể tới trường và hạn chế ra khỏi nhà, không gian mạng trở thành nơi giúp các em duy trì việc học tập, giải trí và giữ liên hệ với bạn bè.
Trẻ em đang lớn lên trong một thế giới trực tuyến như một phần bình thường trong cuộc sống ngày nay. Các em có thể sử dụng máy tính, điện thoại, Internet thành thạo từ rất sớm.
Thậm chí, nhiều em còn sử dụng các ứng dụng trên máy tính cục bộ, máy tính có kết nối với máy chủ Cloud như những chuyên gia công nghệ được đào tạo bài bản.
Không gian mạng giúp trẻ em có thể tiếp thu những cái mới, cung cấp nhiều chương trình học tập bổ ích, nhưng đi kèm với đó là những rủi ro thường trực như virus máy tính, phần mềm tống tiền, cho đến những nguy cơ trên mạng xã hội, tin giả và bạo lực học đường…
Cụ thể, các em có thể bắt gặp nội dung xấu, không phù hợp với lứa tuổi như bạo lực, khiêu dâm. Thông tin, hình ảnh đăng tải hay chia sẻ có thể bị kẻ xấu sử dụng vào mục đích xấu như tung tin, lừa đảo, bêu riếu hay đe dọa, bị cư dân mạng chế giễu, chỉ trích, miệt thị hay bình luận ác ý.
Một số kẻ xấu tiếp cận, làm quen, và gạ gẫm các em tham gia vào các hành vi như gửi tin nhắn đồi trụy hoặc chia sẻ hình ảnh, đoạn video nhạy cảm…
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc trung tâm tư vấn và đào tạo an ninh mạng Athena, để bảo vệ, phụ huynh cần phải có các hướng dẫn cho con em mình khi tham gia vào không gian mạng như:
Nói không: Không làm quen và trò chuyện với người lạ. Nếu đã lỡ kết bạn thì bỏ chế độ kết bạn và chặn người mà mình không quen biết ngoài đời thực. Không chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng. Tuyệt đối không chia sẻ thông tin, hình ảnh nhạy cảm, tâm trạng riêng tư.
Kiểm soát: Thoát khỏi chương trình, trang thông tin, phòng chat, xóa phần mềm ứng dụng, tắt máy tính hay điện thoại. Không chia sẻ vị trí định vị của bạn khi sử dụng các ứng dụng trên mạng.
Thông báo: Chia sẻ với bố mẹ, thầy cô – người mà các em tin tưởng về các rắc rối mà bé gặp phải để được tư vấn, trợ giúp. Tuyệt đối không giấu kín rắc rối.
Kiềm chế: Cân nhắc, suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ, bình luận một nội dung, hình ảnh của người khác. Không nên a dua, có những bình luận ác ý, hay hành vi khiếm nhã khi tương tác trên không gian mạng, vì nên nhớ, các hành động của các bé có thể ảnh hưởng xấu, gây đau khổ cho bạn bè và những người khác.
Cha mẹ cần trao đổi, chia sẻ cho các em biết, nhiều chương trình trên mạng rất thu hút, nhưng bên trong có chứa dữ liệu độc hại ẩn trong những tựa game trông khá hấp dẫn, thậm chí trong ứng dụng không gắn quảng cáo, nhưng lại mang theo các mã độc có thể xâm nhập vào điện thoại, từ đây có thể kiểm soát thu thập thông tin, đe dọa, bắt nạt, xâm hại các em.
Việc trao đổi và chia sẻ này từ cha mẹ là rất quang trọng, điều này sẽ giúp cho các em ý thức được các rủi ro, nguy hiểm trên không gian mạng. Từ đây từng bước các em sẽ có vắc xin đề kháng trước những thông tin độc hại, nguy hiểm trên không gian mạng.
Bảo vệ trẻ em trên Internet: Cần có sự chung tayĐể giải quyết được bài toán bảo vệ trẻ em trên Internet, cần có sự phối hợp, tham gia của nhiều đơn vị liên quan.