Hơn 16 năm làm việc và trải qua nhiều thăng trầm nhưng chưa khi nào bà T.T.K, công nhân (CN) Công ty TNHH N.B (quận 12, TP HCM), có ý định nghỉ việc. Ngoài việc cần thu nhập để trang trải cuộc sống, lý do bà K. bám trụ công ty là duy trì thời gian tham gia BHXH lâu dài để được hưởng lương hưu khi về già.
"Khi rút BHXH một lần, nhiều người viện lý do sợ không sống được đến tuổi nghỉ hưu. Nhưng tôi thì có suy nghĩ khác, sống mà không có tiền mới đáng lo" - bà K. giải thích.
Vất vả giữ việc làm
Bà K. cho hay trước đây bà làm việc tại xưởng 1 của công ty. Năm 2020, khi xảy ra dịch COVID-19, công ty gặp khó khăn nên tạm dừng hoạt động xưởng, cho CN nghỉ chờ việc 3 tháng.
Thời điểm đó, lãnh đạo công ty cho hay không biết thời gian ngừng hoạt động kéo dài bao lâu và có khả năng sẽ giải thể xưởng, từ đó khuyến khích người lao động (NLĐ) nghỉ việc để hưởng hỗ trợ. Cụ thể: NLĐ làm trên 5 năm được trợ cấp 1 tháng lương; trên 10 năm được 2 tháng lương và trên 15 năm được 3 tháng lương.
Người hưu trí nhận lương hưu tại điểm chi trả của BHXH TP HCM
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và việc làm không ổn định, hơn 1.000 CN đã quyết định nghỉ việc để vừa hưởng chính sách hỗ trợ của công ty, bảo hiểm thất nghiệp, vừa rút BHXH một lần. Sau gần 3 tháng ngừng hoạt động, công ty đóng cửa xưởng 1 và quyết định cho khoảng 280 CN còn lại, trong đó có bà K., nghỉ việc. Do NLĐ không đồng ý nên công ty chuyển họ sang làm việc ở xưởng 4.
Làm việc ở xưởng mới chưa bao lâu, năm 2021, bà K. lại đối diện với khó khăn khác khi công ty thông báo chuyển đổi hình thức trả lương từ lương thời gian sang lương sản phẩm. Nếu thực hiện theo phương án này, mức lương cơ bản gần 9 triệu đồng của bà K. sẽ trở về bằng mức lương tối thiểu vùng (khoảng 4,9 triệu đồng/tháng), đồng nghĩa với mức lương tham gia BHXH cũng giảm.
Do vấp phải phản ứng quyết liệt của NLĐ nên công ty hoãn thực hiện. Tuy nhiên, sau đó công ty vẫn âm thầm chuyển đổi từ lương thời gian qua lương sản phẩm bằng cách tiếp tục thỏa thuận chuyển lương đối với CN cũ và trả lương sản phẩm đối với CN mới. Do không đồng ý với hình thức chuyển đổi lương nói trên, bà K. đã lọt vào danh sách cắt giảm lao động của công ty.
"Tôi chỉ mong đóng BHXH đủ 20 năm để được hưởng lương hưu nhưng thực tế quá bạc bẽo. Nay tôi 42 tuổi nên rất khó tìm được việc làm mới và đóng tiếp BHXH. Do vậy, nếu bị cắt giảm, tôi chỉ mong công ty hỗ trợ đóng đủ 4 năm BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu" - bà K. bày tỏ.
Bà P.T.M - 41 tuổi, đồng nghiệp của bà K. - cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tục đóng BHXH để hưởng lương hưu. Bà M. có 16 năm đóng BHXH và cũng có tên trong danh sách cắt giảm lao động lần này. Thời gian qua, do không đồng ý chuyển qua nhận lương sản phẩm, bà M. bị điều chuyển sang làm những công việc lặt vặt. Dù bức xúc với cách hành xử của công ty nhưng bà M. phải chấp nhận vì muốn giữ việc làm và kéo dài thời gian tham gia BHXH. Bà M. hiện độc thân nên lương hưu chính là hy vọng khi về già.
Thấp thỏm tương lai
Không muốn nhờ vả con cái khi về già nên sau khi nghỉ việc ở công ty cũ và có gần 15 năm đóng BHXH theo tổng thu nhập 16 triệu đồng/tháng, ông Lê Đức Nhã (41 tuổi) quyết định không rút BHXH một lần mà bảo lưu để tiếp tục tham gia ở đơn vị mới.
Đầu năm 2023, ông Nhã được Công ty CP T.G (quận Bình Thạnh, TP HCM) tuyển làm kỹ sư thiết kế với lời hứa hẹn sẽ tham gia đầy đủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp nhưng mức lương tham gia BHXH chỉ là 5,6 triệu đồng/tháng, trong khi tổng thu nhập của ông là 22 triệu đồng/tháng. Không đồng tình với việc lương một đằng, đóng BHXH một nẻo nhưng trong bối cảnh khó tìm việc làm, ông Nhã đành chấp nhận.
Song, oái oăm là đến nay dù đã nhiều lần yêu cầu nhưng công ty vẫn chưa ký hợp đồng lao động và tham gia BHXH cho ông. Qua tìm hiểu, ông Nhã mới biết công ty đang nợ BHXH của NLĐ từ đầu năm 2023 đến nay với tổng số tiền hơn 3,1 tỉ đồng. Trước tình cảnh trên, ông quyết định nghỉ việc. Hiện ông vẫn chưa tìm được việc làm mới để tiếp tục tham gia BHXH.
Bền bỉ tham gia BHXH để hưởng lương hưu từ khi mức lương khởi điểm mới có 635.000 đồng/tháng đến khi đạt mức lương hơn 9 triệu đồng/tháng, nhưng khi đóng BHXH được 20 năm 1 tháng, bà Vũ Thị Thu - 46 tuổi, CN một công ty gỗ tại TP Thủ Đức, TP HCM - lại bị công ty cắt giảm do thiếu đơn hàng.
Gần 1 năm qua, bà cố gắng tìm cách để tiếp tục tham gia BHXH nhưng không thành. "Tìm một công ty tuyển vào làm chính thức và có tham gia BHXH là điều gần như không tưởng. Các nơi chỉ tuyển lao động thời vụ và không tham gia BHXH. Nếu chỉ dừng lại với 20 năm đóng, không biết lương hưu có đủ cho tôi sống khi về già?" - bà Thu băn khoăn.
Theo đề xuất của dự thảo Luật BHXH sửa đổi, số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí sẽ giảm từ 20 năm xuống 15 năm. Theo các chuyên gia lao động, nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua thì các trường hợp kể trên sẽ được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở mốc đóng BHXH hiện tại, mức lương hưu của NLĐ sẽ không cao.
Quan tâm mức đóng BHXH
Luật sư Nguyễn Thị Thành, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Nữ trí thức TP HCM, nhìn nhận việc giảm số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí tưởng như có lợi cho NLĐ nhưng thực tế không hẳn vậy, khi độ tuổi nghỉ hưu, số năm đóng BHXH để hưởng mức lương hưu tối đa tăng và mức lương đóng BHXH thấp. Đặc biệt, với NLĐ làm việc ở khối ngoài nhà nước, khó duy trì thời gian đóng BHXH lâu dài nên tỉ lệ tính lương hưu thấp, tiền lương hưu nhận được sẽ không cao.
"Cơ quan BHXH cần nhìn nhận thực tế tại sao từ ngày 1-1-2021, mức đóng BHXH của NLĐ đã được quy định là căn cứ vào tổng thu nhập của NLĐ (gồm lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác) nhưng đến nay vẫn không thực hiện được? Nếu không quan tâm đến mức đóng BHXH và không cải thiện lương hưu thì sẽ khó thu hút NLĐ ở lại hệ thống lâu dài" - bà Thành bày tỏ.