Khoản nợ khổng lồ trong hệ sinh thái của Shark Thủy

An Thanh (tổng hợp)| 27/03/2024 11:20

Ngoài các khoản nợ học phí, nợ tiền lương giáo viên và công nhân viên thì Apax Holdings của Shark Thuỷ còn vay nợ hàng nghìn tỷ đồng.

Ngày 26/3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Ngọc Thủy (còn gọi là Shark Thủy, Chủ tịch Tập đoàn Egroup) vì tội chiếm đoạt tài sản.

Ngay tại thời điểm bị bắt, ông Thủy đang sỡ hữu 6,17% vốn IBC. Đồng thời, chức vị Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần đầu tư Apax Holdings (mã: IBC), một trong những công ty trọng yếu thuộc hệ sinh thái Egroup vẫn do ông Thủy nắm giữ.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy).

Apax Holdings vay nợ hàng ngàn tỷ đồng

Thông tin từ báo Tuổi Trẻ cho biết, báo cáo tài chính tự lập của Apax Holdings, tính đến cuối năm 2022, tổng số nợ mà công ty này đang phải đối mặt là 3.076 tỷ đồng, cao gấp đôi vốn chủ sở hữu. Theo đó, vay nợ ngắn hạn là 617 tỷ đồng và vay dài hạn là 1.298 tỷ đồng. Trong số tổng tài sản 4.596 tỉ đồng của doanh nghiệp, các khoản phải thu ngắn hạn chỉ chiếm 1.589 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tính đến 30/9/2023, IBC có dư nợ trái phiếu ở mức 1.130,9 tỷ đồng.

Các khoản vay của IBC tại thời điểm đó được bảo đảm bằng nhiều tài sản khác nhau. Chẳng hạn, có hợp đồng cầm cố tiền gửi tại ngân hàng và bảo lãnh của các cá nhân như ông Nguyễn Mạnh Phú cùng bà Nguyễn Thị Hương Liên để đảm bảo cho khoản vay 6 tỉ đồng tại Ngân hàng Standard Chartered vào năm 2019.

Các khoản vay của IBC được bảo đảm bằng nhiều tài sản khác nhau. Chẳng hạn, vào năm 2019, khoản vay 6 tỉ đồng tại Ngân hàng Standard Chartered được đảm bảo bằng các tài sản như: hợp đồng cầm cố tiền gửi tại ngân hàng và bảo lãnh từ ông Nguyễn Mạnh Phú cùng bà Nguyễn Thị Hương Liên.

Tiếp tục, vào năm 2017, khoản vay 150 tỉ đồng tại BIDV - chi nhánh Thanh Xuân được bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay và vốn tự có của dự án "Đầu tư mới 50 trung tâm dạy tiếng Anh theo tiêu chuẩn của Apax", cùng một số bất động sản khác và 25 triệu cổ phần IBC thuộc sở hữu của Egroup.

Để cho vay, bảo lãnh thanh toán và mở L/C nhằm thanh toán các chi phí thực hiện dự án "Đầu tư mới 45 trung tâm dạy tiếng Anh theo tiêu chuẩn Apax", năm 2019, IBC lại vay gần 150 tỉ đồng từ BIDV - chi nhánh Thanh Xuân.

Tài sản đảm bảo cho khoản vay này bao gồm toàn bộ tài sản hình thành sau đầu tư của dự án 45 trung tâm, cùng với quyền khai thác kinh doanh các trung tâm Anh ngữ được BIDV tài trợ vốn và 10 triệu cổ phần IBC của Apax Holdings hiện được cầm cố cho dự án 50 trung tâm từ năm 2017.

Bên cạnh đó, nhiều tài sản khác như: bất động sản, cổ phần,...cũng được đưa ra thế chấp để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Tuy nhiên, các chi phí tài chính liên quan gây ra áp lực đáng kể cho IBC.

Ngoài ra, theo Dân Việt đưa tin, tại khoản mục Thuế và các khoản phải nộp hồi cuối năm 2022, số dư lên tới 166 tỷ đồng. Các khoản khác như: phải trả người bán 196 tỷ đồng, người mua trả tiền trước là 113 tỷ đồng, phải trả người lao động gần 59 tỷ đồng.

Vào năm 2022, chi phí lãi vay của IBC lên đến 161 tỉ đồng. Cộng với các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, làm cho IBC ghi nhận lỗ lớn nhất từ trước đến nay với số tiền -81 tỉ đồng.

Đến nay, IBC vẫn chưa công bố các báo cáo tài chính kiểm toán và quản trị công ty từ năm 2022 đến nửa đầu năm 2023. Đồng thời, không tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Do đó, báo cáo tài chính của công ty chỉ dừng lại ở năm 2022 và chưa được kiểm toán. Việc tái cơ cấu các khoản nợ cũng chưa được công bố.

Do những vi phạm về công bố thông tin của IBC chưa được khắc phục, có khả năng tiếp diễn và kéo dài gây  ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông nên HoSE đã hủy bỏ niêm yết bắt buộc cổ phiếu IBC từ ngày 6/12/2023. Mặc dù rời HoSE xuống UPCoM, nhưng IBC vẫn bị đình chỉ giao dịch.

Nợ trăm tỷ bảo hiểm xã hội, trả góp học phí

Dân Việt đưa tin, theo thống kê từ Sở GDĐT TP.HCM, tính đến ngày 12/3/2024, tổng số tiền học phí mà Apax Leaders phải hoàn trả lại cho học viên là hơn 108 tỷ đồng. Trong đó, Apax Leaders chỉ mới trả hơn 14 tỷ đồng, còn nợ gần 94 tỷ đồng.

Apax Leaders đề xuất phương án trả góp học phí theo quý, mỗi quý trả 4 triệu đồng, bắt đầu tính từ tháng 1/2025 đến tháng 12/2025, chia đều định mức cho phụ huynh đến khi hoàn thành. Phần nợ còn lại chuyển tiếp sang năm sau.

Ngoài ra, Apax Leaders còn nợ lương giáo viên và nhân viên đến tháng 2/2023 là 11,5 tỷ đồng và tiền thuê mặt bằng là 9 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2023 nợ thuế là hơn 15 tỷ đồng.

Thông tin từ Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết Apax Leaders chậm đóng các khoản bảo hiểm, gồm bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, với số tiền lên đến 31 tỷ đồng cho người lao động Việt Nam và 1,3 tỷ đồng cho người nước ngoài.

Hệ thống doanh nghiệp của Shark Thuỷ nợ tổng cộng hơn 100 tỷ đồng bảo hiểm xã hội tại thời điểm cuối tháng 11/2023. Apax Leaders là doanh nghiệp nợ nhiều nhất với hơn 61 tỷ đồng, bao gồm cả nợ bảo hiểm cho lao động trong nước là 55,8 tỷ đồng và người nước ngoài là 5,4 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp khác thuộc hệ thống Apax Holdings cũng ghi nhận nợ bảo hiểm lớn như: Igarten với gần 19,3 tỷ đồng và chuỗi dạy toán học CMS với gần 10 tỷ đồng. Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup, liên quan tới Shark Thủy, cũng nợ hơn 3,7 tỷ đồng. Tổng cộng, hệ sinh thái này nợ Bảo hiểm xã hội Hà Nội khoảng 101,8 tỷ đồng tính đến cuối tháng 11/2023.

Hiện tại, Shark Thủy bị bắt tạm giam, Egroup ủy quyền điều hành và chuyển quyền sở hữu cho em gái. Egroup cam kết đảm bảo hoạt động ổn định của các đơn vị thành viên. Tuy vậy, CTCP Anh ngữ Apax tạm ngừng việc xác nhận và hoàn trả học phí trong thời gian điều tra.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khoản nợ khổng lồ trong hệ sinh thái của Shark Thủy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO