Khổ sở vì vì bạn cùng phòng xấu tính

An Thanh| 14/09/2023 11:29

Đi học xa nhà, nhiều sinh viên chọn sống trong ký túc xá hoặc ở trọ chung với người lạ để tiết kiệm chi phí. Song, không biết rõ về tính cách của đối phương khiến nhiều bạn gặp phải những tình trạng oái oăm, dở khóc dở cười vì tật xấu của bạn cùng phòng.

z4689654879986_64a5dc8bf3969a4298d5a8c828830675.jpg
Không phải ai cũng có thể hòa hợp khi sống chung với người lạ. (Ảnh minh họa).

Sống chung là một lựa chọn phổ biến của nhiều sinh viên xa nhà. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hòa hợp được với những người cùng chia sẻ không gian sống. Đây là một vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày mà còn đến sức khỏe tinh thần của nhiều người.

Tự tiện sử dụng đồ của người khác


“Mình ghét nhỏ đó lắm!” là lời nói đầu tiên mà H.T.L (Sinh viên năm 2, trường ĐH Khoa học Tự Nhiên ĐHQG TP.HCM) bật ra khi được hỏi về bạn cùng phòng của mình. Nữ sinh đã sốc khi vừa vào năm đầu đại học vì bạn cùng phòng có quá nhiều tính xấu.

“Mình đang ở ký túc xá phòng 8 người. Sẽ không có việc gì nếu như bạn cùng lớp, chung phòng bình thường như những người khác. Mới đầu, thấy bạn khá vui tính, hay nói đùa nên mình cũng nghĩ là sẽ dễ sống. Nhưng ở trong chăn mới biết chăn có rận. Bạn đó hay tự tiện lấy đồ của mình xài, từ ly uống nước cho đến đèn bàn học, kể cả đồ skin care của mình cũng lấy dùng mà không thèm hỏi trước một câu nào.

Kem chống nắng mới mua nhưng chưa được nửa tháng đã thấy hết rồi. Dầu gội hay sữa tắm để trong phòng tắm cũng dùng chung mặc dù hai đứa không hề có thỏa thuận nào về việc này. Bực nhất là đã dùng đồ của người khác nhưng lại hay chê bai. Bạn bảo em đổi kem chống nắng đi vì bạn ấy thấy bết, rít; đổi dầu gội vì mùi không thơm. Mình từng nói chuyện với bạn rất nhiều lần, bạn cứ xin lỗi nhưng rồi đâu lại vào đấy”, T.L bày tỏ sự bức xúc của bản thân suốt một năm qua.

Tính toán, chi li thành thói


Cùng nỗi khổ là B.H.L (Sinh viên năm 3, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG TP.HCM ), L chỉ biết thở dài, bấm bụng chịu đựng khi bạn cùng phòng chi li, “đo lọ nước mắm, tính củ dưa hành”. “Dẫu biết rằng sinh viên chúng mình tiết kiệm là đúng nhưng việc tính toán từng miếng thịt, cọng rau như thế thật sự khó chịu.

Mặc dù nói việc đi chợ bọn mình thay phiên nhau đi nhưng đa phần là mình đi vì bạn ấy bảo không tiện đường đi làm về. Mình hay săn sale, mua đồ khuyến mãi cuối ngày ở các siêu thị tiện lợi, giá tiền một vài món còn thấp hơn ở chợ lại còn được tặng thêm. Nhưng mỗi lần mình mang đồ về thì bạn lại chê mắc, rẻ, đồ không tươi, tại sao mua chỗ này mà không mua chỗ kia,...hàng tá các câu nói chê bai sau khi bạn ấy nghe xong tổng tiền.

Đôi lúc mình không thể hiểu nổi vì sao bạn có thể so sánh giá đồ ăn ở thành phố với ở quê rồi chê mình không biết trả giá, không biết mua đồ. Cực đoan hơn là có nhiều lúc đồ bạn ấy chê đắt, không ăn lấy một miếng nào để đỡ phải chia tiền.

Mặc dù hay chê mình đi chợ mua đồ mắc nhưng mỗi lần bạn ấy đi nhậu, đi ăn, đi chơi tốn vài trăm nghìn thì bạn ấy bảo giá đó là rẻ rồi. Mình không hiểu dĩa rau muống xào tỏi 55 nghìn thì rẻ chỗ nào”, L kể lại.

Sống giờ Mỹ gây ảnh hưởng đến người khác


N.T.L (Sinh viên năm 2, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG TP.HCM ) cũng từng gặp phải những chuyện bi hài khó mà quên được với bạn cùng phòng vào năm nhất đại học. Nữ sinh nhớ lại: “Lúc đó, mình muốn phát điên do bị mất ngủ gần 1 tháng trời vì bạn cùng phòng sống giờ Mỹ. Cả tối mọi người ăn uống, học bài thì bạn ấy đi ngủ. Gần 12 giờ đêm, mọi người tắt điện đi ngủ thì bạn đó dậy mở đèn, pha mì tôm, vừa ăn vừa xem phim.

Gần một, hai giờ sáng thì bạn ấy chơi game, đã vậy còn bật loa ngoài. Hết chơi game thì bạn chat hoặc call video với người lạ. Đỉnh điểm là hôm sau mình phải đi học sớm để thuyết trình nhưng đến 5 giờ sáng mình vẫn không thể chợp mắt được vì cả đêm bạn đó vừa cười vừa nói hí ha hí hửng. Mình có nhắc bạn nhỏ tiếng vài lần nhưng được một tí thì lại to tiếng.

Trời vừa sáng là mình bật dậy, chạy sang nói chuyện với bạn đó liền, mình giận nên lớn tiếng lắm. Sau hôm đó, mặc dù bạn không chấm dứt cuộc sống giờ Mỹ nhưng cũng biết đeo tai nghe và ra ngoài nói chuyện cho mình ngủ”.

Hòa hợp với bạn cùng phòng 

Để sống chung với người lạ không phải là đều dễ dàng, nhiều sinh viên phải chịu đựng với những phiền toái và khó chịu do bạn cùng phòng gây ra. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có cách nào để khắc phục hoặc cải thiện tình hình.

Sống trong phòng ký túc xá gồm 8 người trong suốt 3 năm đại học nhưng chưa bao giờ gặp xích mích hay phải khó chịu với bạn cùng phòng, Nguyễn Thị Quế Chi (Sinh viên năm 4, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG TP.HCM ) cho rằng, để có thể hòa hợp với nhau, mọi người cần tôn trọng không gian cá nhân và không gian chung của nhau.

“Mình nghĩ là cần xác định rõ ranh giới giữa không gian cá nhân và không gian chung của cả phòng. Không gian cá nhân là nơi mình có thể tự do làm những gì mình muốn, không bị can thiệp hay làm phiền bởi người khác. Không gian chung là nơi mọi người cùng phòng có thể giao tiếp, hoạt động và sử dụng các đồ dùng chung.

Mình nên tôn trọng không gian cá nhân của bạn cùng phòng bằng cách không xâm nhập, lục lọi hay lấy mượn đồ của họ mà không có sự cho phép. Cũng nên tôn trọng không gian chung bằng cách giữ gìn sạch sẽ, ngăn nắp và không để đồ cá nhân lung tung”, Quế Chi chia sẻ.

Còn với Uyên Thy (Sinh viên năm 4, trường ĐH Bách Khoa TP.HCM), khi ở chung với nhau, mọi người nên thỏa thuận về những quy tắc sống chung: “Tụi mình sống chung với nhau suốt mấy năm nay mà chưa cãi vả lần nào vì ngay từ đầu tụi mình đã đưa ra những quy định chung. Tụi mình cũng thường xuyên nói với nhau về những gì mình mong muốn, lo lắng hay bất mãn khi sống chung. Nói chuyện thẳng thắn với nhau thì chuyện gì cũng sẽ dễ giải quyết. Bất kì ai cũng nên lắng nghe và hiểu quan điểm của bạn cùng phòng, không nên tranh cãi hay chỉ trích một cách gay gắt, dễ mất lòng nhau”.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khổ sở vì vì bạn cùng phòng xấu tính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO