Khi trái tim có địa đạo

09/04/2025 08:25

Với bản chất 'là một hoạt động bạo lực được đẩy đến giới hạn tột cùng' như định nghĩa của vị cựu binh người Phổ, sử gia về chiến tranh Clausewitz, thì ai rồi cũng hình dung được sự khốc liệt mà Địa đạo sẽ tái hiện.

Với những gì đã được học, đọc, tuyên truyền và ít nhất đã một lần trải nghiệm “phượt” trong lòng địa đạo Củ Chi thì tôi tin nhiều người đã biết về địa đạo mà không đợi đến nhà làm phim Địa Đạo xác tín một lần nữa “đó là chiến tranh nhân dân”.

Nghĩa là người xem đã ít nhiều hiểu, biết về địa đạo, nên tâm lý đến rạp xem Địa Đạo là xem cách người ta mô tả, lý giải và chuyển tải như thế nào về nó. Thú thật, ngay cả những nhân vật Bảy Theo, Ba Hương, Tư Đạp, Út Khờ… cũng là đến để coi Thái Hòa, Hồ Thu Anh, Quang Tuấn hóa thân những nguyên mẫu người con Đất Thép ra sao.

Thì đó, những anh hùng chân đất Tô Văn Đực, Võ Thị Mô… đã trở nên thân thuộc trong đời thường của 50 năm hòa bình.

Cái “data” ấy chính là một áp lực không nhỏ cho những người làm nên Địa Đạo. Và rõ ràng, họ đã có cách tiếp cận chân thực, thông minh, vừa phải.

Chân thực ở chỗ đã làm phim về địa đạo Củ Chi thì hẳn là “chiến tranh nhân dân” rồi. Mảnh đất Thành Đồng như sinh ra để hứng chịu bom rơi đạn lạc; con người ở đó, tôi nhận diện rõ nhất là qua hình ảnh má Rành - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Mẹ Việt Nam anh hùng, có 11 người con, cháu hy sinh. Có lẽ mô tả người dân chân đất thì thủ pháp hiện thực là đúng với họ nhất!

Thông minh ở chỗ, nhà biên kịch - đạo diễn đã chọn cái lõi “cuộc chiến bảo vệ truyền tin bảo mật”; nó vừa phù hợp với “chất” của địa đạo vừa phản ánh đúng cái khốc liệt lặng thầm nhất của chiến tranh; đó là “bí quyết thật sự là tốc độ - tốc độ tấn công thông qua tốc độ của thông tin liên lạc” - như đúc kết của tướng không quân Đức Erhard Milch.

Về ngôn ngữ bối cảnh, giữa “thực đơn” của chiến tranh, là đá, là sắt, là da thịt, là lửa, Bùi Thạc Chuyên đã thiên về màu của hỏa ngục - như một lời tố cáo chiến tranh tàn khốc nhất. Cả 2 cái chết của Sáu Lập, Lục Tạc đều bị ngọn lửa thiêu cháy, lửa của pháo, súng. Lửa đốt rụi một vùng quê vốn yên bình Bình An Đông.

Cả khi chỉ còn một lối đánh để bảo toàn địa đạo là đường sông thì ở đó, Tư Đạp cũng đã kịp cài 5 kíp pháo nổ dưới nước… Một Moscow chìm trong biển lửa há chẳng phải là một thảm họa lớn nhất và duy nhất trong cuộc đời binh nghiệp của Napoleon đó sao!   

Và nó vừa phải ở chỗ phim thoát hẳn cái lối phân tuyến “dân gian”, hễ địch là ngu dốt, tàn bạo, thua; hễ ta thì tài tình, tốt đẹp, thắng. Sự đan xen các yếu tố mang tính “con” và “người” trong hoàn cảnh khắc nghiệt được kể bằng tâm thế thấu hiểu, chấp nhận, có đau đớn, có lạc quan.

Địa đạo được kể bằng chất tài liệu, rồi đặc tả bằng ống kính, diễn xuất tinh tế. Khá nhiều phân cảnh, cảm xúc được tạo bằng sự đối lập nên dễ gây liên tưởng - dẫn dắt xúc cảm. Như bên ngoài là cảnh máy bay quần thảo thì bên trong lòng địa đạo lại là cảnh tập võ của những con người nhỏ bé với dụng cụ thô sơ; hay cảnh Ba Hương thách đố Tư Đạp “còn lâu mới được vào địa đạo” thì ngay sau đó là cái ôm nhau - cả hai đã thật sự trong nhau, tức có một “địa đạo” trong trái tim họ.

Địa đạo đã làm tốt, rất tốt những phân cảnh, cận cảnh đặc tả. Nó đủ gợi cảm xúc để người xem… lặng đi trong chừng ấy khoảnh khắc.

Nhưng ở một số đại cảnh, nhất là phía địch, nếu gọi là “rải thảm” để hòng tiêu diệt địa đạo thì mọi thứ hình như còn… khiêm tốn. Bên cạnh đó, ít thấy cảnh rải bom từ trên cao, chỉ thấy nổ vài cụm ở dưới đất. Khá nhanh và… hẻo. Tự lý giải là chắc do kinh phí thôi, tiếc.

Hai lần chú Sáu (diễn viên Cao Minh) xuất hiện, một ở trong hầm địa đạo, ngoại trừ ngoại hình, hóa trang, diễn xuất rất ổn thì phần thoại có phần… lọt thỏm (so với toàn cảnh của bộ phim). Lời động viên những con người đã ở nơi tận cùng của sống chết rằng “Tổ quốc sẽ nhớ ơn, ghi công” có vẻ như là lời “trữ tình ngoại đề” của chính tác giả/đạo diễn hơn là của chính nhân vật.

Phần còn lại trước lúc hy sinh, từ trong hầm, biết hoàn cảnh ngặt nghèo, chú Sáu nói vọng ra “tôi bị thương” là đủ, sao lại cần phải “tôi đầu hàng”. Sự bình thản đón nhận cái chết đủ nói lên tất cả, liệu có cần phải để nhân vật này nói một đoạn dài từ thắng Pháp sang thắng Mỹ hay không.

Tinh thần của địa đạo chính là sức mạnh của lòng đất, của cái tưởng như bình địa, câm lặng kia lại là nơi trú ẩn của lòng yêu nước, của sự quả cảm, của tinh thần bất khuất. Nên, tôi nghĩ giá như để cho chú Sáu “bớt nói lại”, tìm một cách khác, bình thản, kiên trung mà thâm trầm, kiệm lời hơn.

Và nữa, một con người đặc sệt Củ Chi như Bảy Theo, cục mịch, trách nhiệm, tình cảm thì sẽ chọn một cái chết như thế nào. Nó bị đứt gãy ở chỗ này nên sự chuyển mạch sang cảnh “phục sinh” của Tư Đạp - Ba Hương có phần đột ngột. Hình ảnh họ chập chờn dưới tấm bạt dập dềnh, rồi đi ngược ra cửa địa đạo, đẹp và thực không gì bằng. Giá như, trước đó…

Chiều xem Địa đạo, từ công viên Chi Lăng, rảo bước về ga metro Nhà hát Thành phố, đường xuống trạm thăm thẳm, như thể mình cũng đang bước đi trong lòng địa đạo mà hiểu thêm, yêu thêm; và muôn đời là sự tưởng nhớ, ghi ơn những gì đã vùi sâu trong mảnh đất này để 50 năm sau ngày hòa bình, vẫn còn đó những nỗi buồn chiến tranh không chỉ từ một phía…

Theo nongthonviet.com.vn
https://nongthonviet.com.vn/khi-trai-tim-co-dia-dao-67f5222e9f9c5248f638d91d.ngn
Copy Link
https://nongthonviet.com.vn/khi-trai-tim-co-dia-dao-67f5222e9f9c5248f638d91d.ngn
    Nổi bật
        Mới nhất
        Khi trái tim có địa đạo
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO