Sự đối lập
Ở đội tuyển Việt Nam giai đoạn trước, huấn luyện viên Park Hang-seo sử dụng sơ đồ 3-4-3 với lối chơi phòng ngự phản công thực dụng. Hàng loạt những chiến thắng với tỉ số 1-0 càng chứng minh năng lực phòng thủ ấn tượng của tuyển Việt Nam.
Nhà cầm quân người Hàn Quốc gặt hái không ít thành công cùng bóng đá Việt Nam, từ việc giành 2 huy chương vàng SEA Games 31 và 32, 1 lần vô địch AFF Cup 2018 cho đến những chiến tích cấp độ châu Á như vào tứ kết Asian Cup 2019, Á quân U23 châu Á 2018, top 4 ASIAD 2018 hay đỉnh cao là đội tuyển lần đầu tiên vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á.
Ông Philippe Troussier kế thừa thành công và di sản của người tiền nhiệm Park Hang-seo. Nhưng "Phù thuỷ trắng" không đi theo khuôn mẫu về cách chơi và mục tiêu mà ông Park chọn lựa.
Với huấn luyện viên Troussier, bóng đá cần có sự mạo hiểm hơn, liều lĩnh hơn và nâng cao tính chủ động hơn. Trước cùng một đối thủ mạnh buộc phải chơi phòng ngự, tuyển Việt Nam vẫn cần chuẩn bị cho những phương án tấn công.
Chẳng hạn, các hậu vệ sẵn sàng dâng cao đến gần giữa sân để đón đầu và bẫy việt vị đối thủ, dù cho phương án này có phần rủi ro khi chạm mặt đối thủ đẳng cấp.
Vậy nên, tuyển Việt Nam của ông Troussier có xu hướng muốn ghi nhiều bàn thắng, đồng thời cũng chấp nhận rủi ro chịu nhiều bàn thua. Khác với việc ông Park đề cao tính thận trọng và kết quả, ông Troussier lại tin rằng ngay cả khi thất bại, đội bóng cũng cần thể hiện lối chơi có hiệu quả, chủ động trước đối phương.
Sự thống nhất
Cho đến hiện tại, định hướng của huấn luyện viên Troussier bắt đầu được nhìn nhận trên phương diện cách chơi, cụ thể là trận đấu tuyển Việt Nam thua 2-4 trước Nhật Bản.
Một chiến thuật tích cực, giàu tính chủ động và thậm chí ghi tới 2 bàn vào lưới Nhật Bản đã được tuyển Việt Nam áp dụng. Nhưng cần nhấn mạnh rằng, đó mới chỉ là điểm khởi đầu. Nếu muốn nhận được sự ủng hộ lớn của người hâm mộ Việt Nam như quãng thời gian ông Park từng trải qua, huấn luyện viên Troussier cũng cần phải đảm bảo trên phương diện kết quả.
Đó là sự khác biệt trong định hướng và cách chơi. Nhưng tựu trung lại, cả hai huấn luyện viên có cùng chung một điểm nhìn, đó là đích đến mang tên World Cup.
Cả hai cùng đưa ra những luận điểm chứng minh bóng đá Việt Nam cần phải làm được điều gì, trước khi nghĩ đến sân chơi thế giới.
Ông Park chỉ ra rằng, tuyển Việt Nam nếu muốn dự World Cup cần phải có sự hội tụ của rất nhiều những chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan đến thể thao, từ dinh dưỡng, y học, tâm lý, thể lực,…
Các câu lạc bộ cần nâng cao tính chuyên nghiệp và bản thân cầu thủ cũng phải được thi đấu nhiều hơn. Nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng chú trọng những gương mặt gốc Việt, Việt kiều đang thi đấu ở Việt Nam và nước ngoài. Bởi ông tin rằng, nguồn lực này sẽ bổ sung lớn vào sức mạnh của "Những chiến binh sao Vàng".
Trong khi đó, ông Troussier cũng chỉ ra 3 yếu tố cốt lõi: "Tôi muốn các cầu thủ có cơ hội trải nghiệm bản thân ở những môi trường khác nhau. Họ có thể được thi đấu với Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Iraq, Morocco, Senegal,…
Giống như một chiếc xe hơi, một động cơ tốt hơn sẽ giúp nó đi xa hơn. Tôi tin rằng tuyển Việt Nam cũng cần một động cơ mạnh hơn để tiếp tục đi xa hơn.
Động cơ ở đây có 3 khía cạnh. Thứ nhất, chúng ta cần nhiều cầu thủ hơn đến châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản,… chơi bóng và tích lũy kinh nghiệm.
Thứ hai, các câu lạc bộ Việt Nam cần nguồn lực tốt để thu hút, mua cầu thủ nước ngoài chất lượng cao. Điều này bao gồm cả việc câu lạc bộ đó cần xây dựng các địa điểm tập luyện, thành lập học viện, cải thiện sân vận động, tham gia vào các hoạt động truyền thông.
Cuối cùng, chúng ta nên tìm hiểu những cầu thủ gốc Việt đang thi đấu ở nước ngoài và khuyến khích, thuyết phục họ đóng góp cho đội tuyển quốc gia. Chỉ dựa vào tài năng địa phương là không đủ. Nếu muốn đội tuyển Việt Nam lọt vào top 10 châu Á, chúng ta cần cải thiện môi trường bóng đá tổng thể và phát triển nền tảng cầu thủ vững mạnh hơn".