Như VietNamNet đã đưa, tối 7/11, chuyến bay mang số hiệu VN186 khởi hành từ Đà Nẵng - Hà Nội dự kiến cất cánh lúc 19h25 đã phải dừng khẩn cấp vì hành khách nói chuyện với nhau về việc cất súng trong hành lý.
Hai hành khách trên được xác định là N.Đ.T (SN 1993) và L.X.Q (SN 1983, đều ở Thái Bình). Trên máy baay, một hành khách hỏi người đi cùng "Để súng ở đâu?" thì nhận được câu trả lời "Đã cất trong hành lý".
Ngay lúc đó, tiếp viên hỏi lại thì hai hành khách giải thích rằng họ “chỉ nói đùa". Tuy nhiên cơ trưởng đã yêu cầu an ninh hỗ trợ.
Đánh giá tính chất mức độ sự việc, Cảng vụ Hàng không miền Trung ra quyết định áp giải 2 hành khách trên ra khỏi tàu bay, tái kiểm tra an ninh đối với toàn bộ hành khách, hành lý xách tay và tiến hành lục soát tàu bay.
Đến 22h cùng ngày, khi không phát hiện vật phẩm nguy hiểm, chất cấm, chất nổ, chuyến bay VN186 mới tiếp tục thực hiện hành trình.
Một sự việc tương tự từng xảy ra vào tháng 7/2011. Khi đó, Công an Hà Nội đã phải điều tra việc một hành khách “nói đùa” có bom trên máy bay.
Công an xác định hành khách "nói đùa" trên là chị Hồ Thị Thanh T. (24 tuổi, ở Lâm Đồng). Vào 18h ngày 9/7/2011, nữ hành khách này đi chuyến bay VN1516 từ Hà Nội - Đà Lạt.
Khi lên máy bay, hành khách để túi xách dưới chân ghế nên được tiếp viên nhắc nhở cất túi lên khu vực đựng đồ trên nóc máy bay. Lúc đó, chị T. nói với tiếp viên rằng “cẩn thận nó nổ”.
Ngay sau đó, thông tin này được báo đến cơ quan chức năng tại sân bay Nội Bài và chuyến bay VN1516 đã bị hoãn để cơ quan chức năng kiểm tra hành lý hành khách trên chuyến bay, nhưng không phát hiện dấu hiệu có bom.
Làm việc với cơ quan chức năng, chị T. trình bày rằng mình chỉ nói đùa, không có ý đe dọa. Nhưng việc tạm hoãn chuyến bay đã khiến Vietnam Airlines thiệt hại khoảng 140 triệu đồng.
Chế tài xử lý người “đùa dại”
Trao đổi với PV VietNamNet, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc hành khách “đùa dại” đã gây ảnh hưởng đến rất nhiều người, làm trễ chuyến bay, gây hoang mang lo lắng cho các hành khách khác.
Trong những sự việc tương tự, cơ quan chức năng sẽ đánh giá hậu quả của hành vi này để xem xét có chế tài xử lý đối với người “đùa dại”.
Trong trường hợp hành vi chỉ dừng lại ở lời nói mà chưa bị xác định là nguy hiểm cho xã hội, hành khách sẽ bị xử phạt hành chính.
Trường hợp “đùa dại” mà còn có hành vi vi phạm pháp luật khác hoặc hậu quả được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì cơ quan chức năng cũng có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng" để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc xử phạt vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật, trên cơ sở đánh giá tính chất mức độ hành vi vi phạm, đánh giá hậu quả đã gây ra đối với xã hội.
Theo luật sư, lĩnh vực hàng không là lĩnh vực đặc biệt, nếu xảy ra những sự cố về hàng không thì hậu quả sẽ rất thảm khốc. Chính vì vậy, các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế về đảm bảo an ninh an toàn hàng không rất chặt chẽ và được thực hiện nghiêm ngặt.
Đối với trường hợp “nói đùa” của hai hành khách về việc trên máy bay có súng, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cơ quan chức năng sẽ phân tích đánh giá nguyên nhân sự việc, đánh giá diễn biến hành vi và đặc biệt là đánh giá hậu quả đã gây ra đối với các hành khách, với vấn đề an toàn hàng không để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong vụ việc này, trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi là nguy hiểm cho xã hội thì có thể khởi tố hành khách về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo Điều 318 Bộ luật Hình sự.
Còn trường hợp kết quả xác minh cho thấy hậu quả chưa nghiêm trọng, hành vi chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, hai thanh niên này có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 7, Điều 26, Nghị định số 162/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Theo đó, mức phạt có thể tới 15- 20 triệu đồng. Ngoài ra, hai thanh niên này sẽ bị cấm bay trong một khoảng thời gian theo quy chế của ngành hàng không và theo quy định của pháp luật.
“Ngoài việc xem xét xử lý đối với hai trường hợp này, cơ quan chức năng cũng cần thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi người, tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra”, Tiến sĩ Đặng Văn Cường nói.