Hàng loạt sắc phong bị mất cắp bất ngờ được rao bán
Tính đến năm 2020, Việt Nam có hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Với hàng chục nghìn di tích đã được xếp hạng, nhiều vấn đề phát sinh cũng xuất hiện như: xuống cấp, mất cắp, sơn vẽ không phù hợp lên công trình... Gần đây nhất, câu chuyện mất sắc phong tại di tích đền Quốc Tế, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã gây chú ý trong dư luận.
Ngày 11/4/2023, trên website của một công ty đấu giá nước ngoài đã đăng tải thông tin về phiên đấu giá 672 món đồ bằng giấy, trong đó bao gồm cả đạo sắc khả năng là hiện vật gốc, nguồn gốc từ xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, Việt Nam. Được biết, đây là những sắc phong bị mất cắp từ năm 2021, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
Ông Tạ Đình Hạp - Ban Quản lý đền Quốc Tế, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ chia sẻ: "Nghe tin đang đấu giá ở nước ngoài, chúng tôi rất buồn và cả làng mong muốn có thể đưa sắc phong về".
Kẻ xấu đã phá két, lấy đi những sắc phong quý.
Là một thành viên của nhóm Nhân sĩ Hà Đông, thường xuyên thực hiện các chuyến đi tìm và trả lại sắc phong cho các địa phương trong suốt hơn 10 năm qua, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng rất quan tâm tới câu chuyện này.
Hiện tượng mất sắc phong trong các đình, đền, miếu đã diễn ra từ vài chục năm nay. Sắc phong thường được giữ ở các đình, đền vì quan niệm là không được mang về nhà, mà ở đình đền thì không có người túc trực 24/24, việc lấy sắc phong rất dễ xảy ra.
Đền Quốc Tế nằm biệt lập trên gò Trạm Lĩnh, cách xa khu dân cư, kể cả các cụ cao niên cũng khó có thể đến chăm sóc, đèn nhang thường xuyên. Tháng 5/2021, kẻ xấu đã lợi dụng điều này để tới phá két, lấy đi những sắc phong quý.
Đền Quốc Tế nằm biệt lập trên gò Trạm Lĩnh, cách xa khu dân cư.
Theo cập nhật từ nhóm phóng viên, những thông tin về đấu giá hàng loạt sắc phong Việt Nam đã tạm dừng và không còn xuất hiện trên website của công ty đấu giá trên. Tuy nhiên, đây vẫn là một trường hợp điển hình, đòi hỏi cần nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo tồn di sản, di tích. Bởi thực tế, tại nhiều địa phương, các công trình văn hóa vẫn đang đối mặt với tình trạng xuống cấp mà chưa có hướng khắc phục cụ thể.
Bảo tàng Bắc Ninh "kêu cứu"
Hình ảnh Bảo tàng Bắc Ninh đang xuống cấp trầm trọng được chia sẻ rộng rãi những ngày đầu tháng 4 này. Nhiều ý kiến đã bày tỏ sự xót xa, bởi đây là một công trình văn hóa lịch sử lớn, đã đi vào hoạt động từ năm 2006, hiện đang lưu giữ 2 bảo vật quốc gia và nhiều hiện vật văn hóa, lịch sử khác.
Bảo tàng Bắc Ninh nhìn từ trên cao.
Mái tốc, trơ khung nhiều năm; trần bong tróc phải chắp vá; bậc thềm, tường bao nứt toác; hệ thống hàng rào cũng đã hoen rỉ như bị bỏ hoang. Sự xuống cấp này ở Bảo tàng Bắc Ninh không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan, mà còn tác động không nhỏ đến hoạt động quảng bá và lưu trữ những hiện vật văn hoá lịch sử.
Xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2006, sau 17 năm, Bảo tàng mới được tu sửa nhỏ duy nhất vào năm 2014. Sau 10 năm kể từ khi tu sửa ấy, tình trạng xuống cấp tiếp diễn.
Chưa được đầu tư tu bổ nên chính Bảo tàng cũng phải đưa ra những cách thức để tự khắc phục để giữ cho khách tham quan và hiện vật trưng bày được an toàn.
Thế nhưng, đây sẽ vẫn chỉ là những phương án tạm thời trong thời điểm chờ phê duyệt chính thức những đề xuất tu sửa. Các hoạt động vẫn được triển khai để phù hợp với hiện trạng, nhằm khắc phục tối đa những tồn tại về cơ sở vật chất.
Bảo tàng Bắc Ninh đang xuống cấp.
Theo kế hoạch, kỳ nghỉ lễ tới đây, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh sẽ tổ chức nhiều hoạt động để chào đón du khách. Nhiều người có thể vẫn tới đây tham quan, nhưng nếu nơi họ đến được chỉnh trang, bảo tồn một cách bài bản, có lẽ sức hút của công trình sẽ lớn hơn rất nhiều. Vậy nên, để khắc phục thực tế là cứ xuống cấp, hỏng hóc mới lo bảo tồn, vẫn cần nhiều hơn nữa những giải pháp tới từ các cơ quan quản lý, cũng như sự chủ động chung tay của cộng đồng.
Giữ gìn và phát huy di tích, công trình văn hóa
Khi triển khai hiệu quả việc gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, chắc chắn các địa phương sẽ phát huy được thế mạnh, biến các di tích, các công trình lưu giữ văn hóa, lịch sử trở thành điểm đến du lịch độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước.
Thánh địa Mỹ Sơn - di sản văn hóa Thế giới đã được UNESCO công nhận. Tháng 12/2022, nơi này đã hoàn thành công tác bảo tồn và trùng tu sau 5 năm thực hiện. Giờ đây, Thánh địa Mỹ Sơn càng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn với quần thể kiến trúc độc đáo cùng kho hiện vật khảo cổ rất quý và đồ sộ.
Thánh địa Mỹ Sơn (Ảnh: Báo Quảng Nam điện tử)
Bên cạnh Thánh địa Mỹ Sơn, còn rất nhiều những điểm đến khác cũng tận dụng được lợi thế của mình.
Tại Quảng Ninh, Bảo tàng của tỉnh được xem là niềm tự hào lớn của người dân. Nơi đây còn sở hữu lối kiến trúc mới lạ, độc đáo, trở thành nơi check in thường xuyên của khách du lịch khi tới tham quan.
Bảo tàng Quảng Ninh (Ảnh: Báo Quảng Ninh điện tử)
Tại Huế, khách du lịch sẽ được khám phá không gian văn hóa đặc sắc, gồm cả vật thể và phi vật thể. Huế cũng là địa phương đi đầu trong việc hồi hương, hiến tặng cổ vật với một số thành công trong những năm gần đây.
Một vài địa điểm du lịch Đà Nẵng là chứng tích có ý nghĩa lịch sử và văn hóa, thúc đẩy du lịch phát triển như di tích Thành Điện Hải, di tích Hải Vân Quan, di tích Nghĩa trũng Khuê Trung… hay danh thắng Ngũ Hành Sơn là địa điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của vùng đất này.
Khéo léo kết hợp du lịch với phát triển các giá trị lịch sử, văn hóa không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, làm thay đổi cơ cấu kinh tế mà còn tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân, từ đó giúp nâng cao ý thức trách nhiệm chung trong việc bảo vệ và giữ gìn các công trình văn hóa, lịch sử này.